Ảnh minh họa: N.HÙNG
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em, quê tôi ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Cuối năm 1999, tôi rất vui mừng được trúng tuyển vào Trường đại học Luật TP.HCM. Tôi nhớ ngày chia tay gia đình lên thành phố học, ngoài số tiền cha mẹ dành dụm cho, tôi được hơn 1 triệu đồng cùng với bao nhiêu niềm vui, hy vọng của cha mẹ, anh chị em trong gia đình và người thân đã dành tặng cho tôi với mong muốn tôi thành đạt và giúp đỡ gia đình vượt qua nghèo khó.
Hành trang trên vai
Năm 2000, quê tôi lũ về, mất mùa. Do gia đình anh em đông, hằng ngày cha mẹ tôi bươn chải làm thuê, làm mướn để nuôi đàn em nheo nhóc ở nhà có cái ăn, cái mặc và gửi tiền cho tôi ăn học.
Có những tháng cha mẹ tôi phải vay mượn mới có tiền để gửi kịp cho tôi ăn học.
Tôi tranh thủ thời gian còn rảnh, ban đêm đi làm thêm, dạy thêm, phục vụ nhà hàng… Và tôi may mắn được làm nhân viên của báo Pháp Luật TP.HCM, và được tổng biên tập thương cho tôi sau giờ làm việc ở luôn trong tòa soạn để không tốn tiền thuê nhà.
Cái tôi được nhất là cha mẹ tôi không còn phải hằng tháng vay mượn tiền gửi cho tôi nữa.
Mùa lũ năm ấy, mất mùa màng, gia đình tôi vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tết đến, bạn bè cùng quê tranh thủ về sớm đoàn tụ với gia đình. Còn tôi, lần đầu tiên tôi quyết định ở lại thành phố mùa Tết.
Mang tiền về cho mẹ
Thực ra là tôi ở lại thành phố kiếm việc làm thêm để có tiền "mang về cho mẹ".
Tôi nhận trực Tết thay cho các anh chị trong cơ quan. Thời gian còn lại, tôi đi bán hàng, vận chuyển hàng, dọn nhà cho các gia đình đón Tết... Tôi làm đủ thứ việc, và tôi luôn thỏa thuận với người thuê cho tôi được nhận tiền trước.
Nhiều chủ nhà, chủ các cửa hàng rất quý mến tôi, nên bồi dưỡng cho tôi tiền công gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường.
Tôi nhờ người bạn cùng quê mang tiền, lịch, bánh mứt về cho gia đình. Trong thư gửi kèm theo, tôi không nói là mình ở lại đi làm mà chỉ nói là bận việc cơ quan đột xuất, hứa sau Tết sẽ về ngay.
Trong thư, tôi dặn dò kỹ lưỡng với cha mẹ số tiền này, cha mẹ hãy mua thức ăn, nhất là mua sắm cho các em mỗi người một bộ quần áo mới và lì xì một ít tiền cho bà nội, bà ngoại của tôi.
Tôi thật sự rất nghẹn ngào nhớ lại cái cảm giác xúc động bùi ngùi khó tả tại thời điểm nhờ người bạn "mang tiền về cho mẹ", trong những ngày giáp Tết.
Người bạn đi về, mọi người đi về quê ăn Tết, còn tôi ở lại... Ngậm ngùi nhưng đây cũng là lần đầu tiên mình đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa cho bản thân, hy sinh niềm vui ngày Tết, giúp cho gia đình, cha mẹ và các em mình có một cái Tết ấm cúng, đủ đầy hơn.
Sau này tôi về công tác ở quê hương Đồng Tháp, với tiền lương hằng tháng của một công chức nhà nước không nhiều, còn phải lo cho gia đình, vợ con, mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng đến thời điểm bây giờ, cứ đều đặn hằng năm, định kỳ Tết đến là tôi lại trực tiếp "mang tiền về cho mẹ".
Các em tôi khi đã thành đạt, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là các em cũng "mang tiền về cho mẹ" và luôn xem đó là niềm vui của những người con báo hiếu, đồng thời cũng là mang niềm vui cho cha mẹ.
Tôi mong rằng chúng ta không đắn đo, suy nghĩ nhiều về câu chuyện "mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu nữa mà xem đây là câu chuyện tích cực, dành cho đấng sinh thành của chúng ta.
Bạn đánh giá thế nào về thông điệp qua lời bài hát "Mang tiền về cho mẹ"? Tết này bạn dự định làm gì để cha mẹ hạnh phúc? Mời bạn gửi bài viết về địa chỉ mail tto@tuoitre.com.vn. Bài viết dưới 1.000 chữ, có ảnh phù hợp. Bài được chọn đăng có nhuận bút. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận