02/08/2016 18:32 GMT+7

Tôi nghĩ cô gái quỳ xin tiền đêm Sài Gòn quá siêng

NGA NGUYỄN
NGA NGUYỄN

TTO - Tôi thấy cô gái quỳ xin tiền trong đêm Sài Gòn quá siêng, bạn nào thử quỳ như vậy chỉ một đêm biết liền. Có lẽ chính ngành chức năng, chính quyền địa phương mới lười khi qua lại nơi đây hoài mà vẫn cứ để vậy.

Người phụ nữ trẻ quỳ xin tiền hàng đêm ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, ngay vạch đậu xe. Ảnh chụp 0g sáng 31-7 - Ảnh: THANH MINH
Hình ảnh người phụ nữ trẻ quỳ xin tiền hằng đêm ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, ngay vạch đậu xe trong bài viết "Sao cô phải quỳ xin tiền giữa Sài Gòn?". Ảnh chụp 0g sáng 31-7 - Ảnh: MINH DÂN

​Đọc xong bài viết "Sao cô phải quỳ xin tiền giữa Sài Gòn?", điều khiến tôi băn khoăn không phải nội dung bài viết mà là các ý kiến của bạn đọc phản hồi với bài viết..

Như ý kiến của bạn Nghĩa viết: "Không phải chính quyền không dẹp được mà chính quyền ngó lơ thôi". Và bạn có góp ý: "Giải pháp tốt nhất là chính quyền nên có khẩu hiệu "không cho ăn xin tiền" treo khắp nơi như phòng chống ma túy, sida để người dân có ý thức không cho tiền những người lười lao động này".

Còn bạn An cảm thán: "Đi làm tháng 6 triệu phải cho tiền người không làm gì (mà) cả tháng có 30 - 40 triệu. Trời ạ. Ai cũng thế, không chịu lao động thì đất nước sẽ đi về đâu?".

Ở các nước giàu, có ăn xin không? 

Có, nhưng người “ăn xin” ở nước ngoài thường chọn cách hát rong (biểu diễn đàn, kèn, hát múa, diễn hài, ảo thuật...) để nhận tiền của người đi đường một cách sòng phẳng theo kiểu có cho đi có nhận lại. Khi "xin" họ cũng rất văn minh và kiêu hãnh chứ không vái lạy hay tỏ ra đáng thương để đánh vào lòng trắc ẩn, ban ơn.

Có thật là chính quyền không dẹp được mà chính quyền ngó lơ với "chuyện nhỏ" này so với vô vàn chuyện đại sự mà chính quyền phải bù đầu giải quyết?

Phải chăng từ nếp sống "dọn nhà đón khách", những ngày có các hội nghị lớn thì đường sá, khu phố thoáng đãng hẳn ra, không có cảnh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Xe cộ chạy, dừng đèn rất trật tự, nhìn rất "đã mắt"... Và hầu hết người dân đều rất ủng hộ việc làm này của chính quyền. 

Nhưng khi chuyện đã xong, khách đã về thì... đâu lại vào đó.

Điều này cho thấy chính quyền nếu muốn làm thì sẽ làm được và làm rất tốt. 

Theo bạn Nghĩa thì ăn xin giả dạng như cô gái trong bài viết đã "thành nghề, dễ kiếm tiền hơn đi lao động tay chân nên nhiều người làm biếng lao động tham gia".

Nếu xem hình ảnh và nội dung bài viết này, tôi thấy cô gái này không hẳn là lười lao động mà nói thật tình là quá... siêng là đằng khác.

Bạn nào thử quỳ như vậy chỉ một đêm thì biết liền. Chị này không phải là không chịu lao động mà thật sự là cũng tốn sức "lao động" đó chứ. Chị ta cũng đã tốn công nghĩ ra cách kiếm tiền nhiều nhanh lẹ nhất bằng cách chọn "cái nghề" đánh mất lòng tự trọng này (theo quan niệm của xã hội mình). 

Có lẽ chính ngành chức năng, chính quyền địa phương lười khi chắc chắn cũng qua lại nơi đây hoài mà không để mắt hay không quan tâm; mặc một người bất chấp cả lòng tự trọng "hành nghề... quỳ xin tiền" trong nhiều tháng như chị này.

Bà con xung quanh đó ai cũng biết sự việc diễn ra trong nhiều đêm, nhiều tháng, sao chính quyền không biết? Chả lẽ dân không báo?

Tôi còn nhớ cách đây vài tháng có thông tin "TP.HCM sẽ thí điểm hỗ trợ cá nhân phát hiện người xin ăn" nhưng không rõ đến nay việc thí điểm này đã được triển khai ra sao, hỗ trợ theo cách thức nào: tiền mặc, giấy khen...? Giả dụ như hình ảnh chụp được của tác giả Minh Dân về cô gái trẻ ăn xin trong bài viết "Sao cô phải quỳ xin tiền giữa Sài Gòn?" này có được xem xét hỗ trợ không?

Từ "chuyện nhỏ" này, tôi tự hỏi sao chính quyền không dứt điểm ngay từ đầu khi những vấn nạn xã hội còn đang nhỏ: dễ làm, dễ dẹp, ít tốn kém mà cứ để vấn nạn nhỏ thành vấn nạn to thì mới ra tay? 

NGA NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên