Theo Sở LĐTB và XH, phần lớn người xin ăn là người dân từ các tỉnh, thành phố khác (người dân TP chiếm tỉ lệ khoảng 14%) - Ảnh: T.T |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an TP.HCM trong 3 tháng tới phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm giảm rõ rệt.
Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, ngành chức năng thành phố đã triển khai những vấn đề này như thế nào?
Đề xuất chính sách hỗ trợ người ăn xin
Ông Võ Minh Hoàng - phó trưởng Phòng bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết mặc dù đến nay tình trạng xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là nội thành, cơ bản được giải quyết, TP duy trì ba số điện thoại đường dây nóng.
Tuy nhiên, người xin ăn lại bắt đầu xuất hiện và tăng dần tại các quận, huyện ngoại thành; phần lớn đối tượng là người dân các tỉnh, thành phố khác (người dân TP chiếm tỉ lệ khoảng 14%).
Tình trạng người xin ăn giả dạng (bệnh, bán vé số, tăm bông,…), lợi dụng trẻ em để xin ăn, giả thầy tu đi khất thực, nạn chăn dắt ngày càng tăng dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục duy trì các đường dây nóng, tăng cường rà soát địa bàn, sở cũng đề xuất tập trung vào các chính sách hỗ trợ người xin ăn, sinh sống nơi công cộng khi hồi gia để giảm tình trạng tái xin ăn.
Thông thường khi được giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng, người xin ăn, lang thang không có nghề nghiệp, không có nơi cư trú nên rất dễ tái xin ăn, sinh sống nơi công cộng.
Đây là vấn đề khó khăn, cần phối hợp với các tỉnh, thành bạn cùng thực hiện, phối hợp của các sở, ngành để có thể tham mưu UBND hướng xử lý những đối tượng tái phạm.
Sắp tới, sở cũng tham mưu UBND TP thực hiện thí điểm hỗ trợ cá nhân phát hiện và thông báo xử lý các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng nhằm khuyến khích thực hiện từ cộng đồng.
Công an TP.HCM sẽ làm quyết liệt
Trong khi đó, nói về nỗ lực để kéo giảm tình hình tội phạm, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM đã đưa ra một số công tác trọng tâm trong năm 2016 nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể như tập trung tấn công tội phạm để kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, duy trì và tiếp tục giải quyết cơ bản tình hình tụ tập chạy xe gây rối trật tự trên đường phố, triển khai quyết liệt chiến lược quốc gia về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…
Tuy nhiên, để tình hình tội phạm trên địa bàn TP được kéo giảm một cách rõ rệt hơn nữa trong thời gian tới, Công an TP chắc chắn phải làm quyết liệt.
Ngoài một số công tác trọng tâm, cần tập trung đối với các loại tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp, cướp giật và trộm cắp.
Công an TP sẽ có những chuyên đề riêng để phòng ngừa, nâng cao tỉ lệ khám phá án. Sẽ có các kế hoạch tuần tra, nâng cao khả năng hoạt động của lực lượng hình sự đặc nhiệm và các lực lượng tuần tra khác trên địa bàn TP. Phát huy các mô hình, phong trào phòng chống tội phạm có hiệu quả phù hợp từng địa phương.
Đồng thời Thành ủy, UBND TP sẽ có chỉ đạo trực tiếp cho chủ tịch các quận, huyện tham gia tích cực trong công tác phòng chống tội phạm.
Ngoài ra, Công an TP sẽ có kế hoạch tăng cường lực lượng tuần tra công khai để phòng chống tội phạm, nâng cao hoạt động của lực lượng công an cơ sở, công an phường xã. Thực hiện có hiệu quả hơn nữa sự phối hợp giữa công an với quân sự và các ngành cùng phòng chống tội phạm, đặc biệt là tại cơ sở.
Phối hợp với các sở ngành liên quan cùng giải quyết các tệ nạn xã hội. Chẳng hạn như phối hợp Sở LĐ-TB&XH TP đề xuất quản lý những người nghiện có nơi cư trú ổn định. Nghĩa là trước đây đã phối hợp làm tốt những người nghiện không nơi cư trú ổn định thì nay sẽ làm tiếp những người nghiện nhưng có nơi cư trú ổn định. Bởi những người nghiện được xem là một trong những nguồn phát sinh tội phạm…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận