Là một trong những đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn với bộ trưởng Công Thương tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 4-6 về việc bán hàng livestream trên trang mạng, mạng xã hội xôn xao với những livestream bán hàng với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi ngày, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi thông tin được quảng bá này có đúng hay không.
Đồng thời, việc quản lý chất lượng sản phẩm trên các kênh này thế nào?
Hai lần đại biểu chất vấn về việc quản lý hoạt động livestream
Đặc biệt là tình trạng giá bán sản phẩm qua thương mại điện tử đang thấp hơn nhiều giá bán buôn cho các đại lý, gây bất ổn thị trường. Vậy cơ quan quản lý nhận định thế nào và hướng xử lý ra sao? Học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để xử lý vấn đề này?
Tuy nhiên, trong phần trả lời đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chưa trả lời câu hỏi này, mặc dù đã được Chủ tịch Quốc hội “nhắc bài”. Vì vậy, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phải dùng quyền tranh luận để nhắc lại câu hỏi và phân tích thêm, đang có những bất cập trong quản lý các cá nhân bán hàng, livestream trên các trang mạng xã hội.
Bởi theo quan điểm của đại biểu Nghĩa, dù bộ trưởng nói nhiều về quản lý sàn thương mại điện tử nhưng đây là những sàn có định danh, đăng ký nên quản lý tương đối dễ. Trong khi các cá nhân bán hàng là “vấn đề đáng lo” bởi doanh thu hàng trăm tỉ mỗi ngày là “vấn đề lớn chứ không phải là vấn đề nhỏ”.
Dẫn lại lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về những giải pháp nêu ra là xóa trang này, nhưng có thể lập trang mới lại rất dễ dàng, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi: nếu chúng ta cứ đuổi theo như vậy thì làm sao giải quyết được dứt điểm vấn đề này?
Theo đại biểu, nếu đi không đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn luôn đuổi theo "ma hồn trận" rất khó khăn mà người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu.
“Tôi muốn bộ trưởng trả lời thẳng câu hỏi, là với livestream vừa rồi bộ có biết không, nhận định đó là thật hay ảo và việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thế nào, có kinh nghiệm quốc tế gì và bộ đã tham khảo hay chưa?” - ông Nghĩa nói.
Cùng nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng dành quyền tranh luận này với bộ trưởng khi chỉ ra thực trạng hiện các đơn hàng có nguy cơ hàng giả, hàng nhái kém chất lượng được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử, được chuyển qua biên giới đang diễn ra nhưng chế tài xử lý chưa có.
"Đặc biệt là những người kinh doanh livestream ở thành phố lớn, hàng hóa để ở áp sát biên giới, khi được thông quan vận chuyển qua vận tải, chuyển phát nhanh. Vậy vướng theo quy định luật bưu chính viễn thông kiểm tra hàng hóa là không bắt buộc, nên xử lý gặp khó khăn" - đại biểu Hạ đặt câu hỏi làm thế nào khắc phục triệt để tình trạng này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay với những trường hợp phát hiện vi phạm sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Để quản lý hoạt động livestream, sẽ phải phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng, rà soát quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông, giúp người tiêu dùng nhận thức và tránh hiện tượng như vậy.
Xóa ngay trang nếu phát hiện vi phạm
Nội dung này khi trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận việc quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, quản lý livestream là thực sự khó khăn. Bởi để quản lý được không chỉ là trách nhiệm ngành công thương mà còn nhiều ngành như thông tin truyền thông, tài chính…
Theo đó, ông Diên nêu ra giải pháp là cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, trong đó Bộ Công Thương có vai trò chủ trì phối hợp. Trọng tâm là lực lượng quản lý thị trường thực hiện đấu tranh và làm rõ hành vi sai phạm, tìm các địa điểm đối tượng này tập kết hàng hóa, giao dịch để kiểm tra, kiểm soát và xử lý...
Các bộ ngành cũng cần đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan chức năng, chống thất thu thuế. Bởi theo ông Diên, hoạt động này biến hóa khôn lường nên quy định pháp luật cần tiếp tục rà soát và sửa đổi bổ sung cho phù hợp vì đây là lĩnh vực mới.
Cùng đó là việc cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị, bởi việc mua bán giao dịch cuối cùng cũng không thể "lọt" được lưới trời, sự phát hiện của người dân. Vì vậy cần phát huy vai trò quản lý của chính quyền địa phương xem xét xử lý ban đầu.
Trường hợp chứng minh được vi phạm pháp luật sẽ xóa vĩnh viễn các trang này, hoặc yêu cầu chủ phòng livestream chịu trách nhiệm trước pháp luật, sẽ từng bước giảm tình trạng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận