<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
![]() |
Mông trong đầu ngoài
Để trực tiếp “mục sở thị” những công việc của nghề lơ xe trên các chuyến xe khách đường dài, tôi liền nộp hồ sơ xin làm lơ cho hai nhà xe ở thành phố Vinh (Nghệ An). 1 tuần sau, tôi được gọi đến “phỏng vấn”, ký hợp đồng miệng và được giao việc. Gọi là “hợp đồng” cho oai chứ chẳng có điều khoản, cũng chẳng có ký tá gì cả, chủ xe chỉ nói dăm ba điều, xem mặt mũi, thỏa thuận lương bổng là ngày hôm sau tôi đã trở thành một “lơ xe” chính cống.
Chuyến hành trình của tôi đi từ Vinh đến bến xe Đà Nẵng, và ngày hôm sau thì quay trở lại. Nhà xe hôm đó, ngoài vợ chồng gã chủ, tôi đang đi học việc, còn có thêm một gã lơ - em con bà cô của vợ gã chủ - mà theo lời giới thiệu thì đã có “thâm niên” 10 năm trong nghề. Xe vừa rời bến, tôi cũng chọn cho mình một chỗ ngồi ngay cạnh cửa ra vào để tiện lên xuống bắt khách, còn gã lơ có thâm niên thì ngồi ở đằng ghế sau.
Xe chạy đến địa phận huyện Lệ Thủy, gã chủ xe hét to: “Ê, lơ! Mở cửa xe chuẩn bị đón khách, đoạn này nhiều người đi lắm, thò đầu ra ngoài mà nhìn...!”. Cửa thì cứ mở, tôi phải thò đầu ra ngoài trong khi xe thì cứ lao đi vun vút như tên bắn... Nhìn xuống mặt đường, tôi nghĩ dại, chẳng may mình lao đầu xuống đó thì coi như xong, nhưng mới thò đầu vào là gã chủ xe lại quát, cho nên trên một đoạn đường rất dài tôi phải đứng trong tư thế mình trong, đầu ngoài...
Phải biết “bặm trợn”
... Lời đầu tiên mà gã chủ xe bảo tôi phải “khắc cốt ghi tâm” khi muốn sống được trong nghề này, đó là phải bặm trợn, phải lì lợm, phải biết quát, biết nói tục, chửi tục trước mọi đối tượng... Trước khi tôi lên xe làm nhiệm vụ cho một chuyến hành trình dài, gã chủ đã không quên bảo tôi phải đi cắt tóc húi cua, thay bộ áo quần đang mặc bằng một cái quần xà lỏn và một chiếc áo ba lỗ rộng thùng thình trông chẳng khác gì một tay “anh chị”...
Xe đến địa phận thị xã Đông Hà, thấy có khách gọi đi Đà Nẵng, gã chủ xe hét bảo tôi hô giá 20.000 đồng. Khách lên xe, khi xe chuyển bánh gã lại bảo tôi lấy 50.000 đồng. Vị khách khăng khăng đòi xuống xe, gã lơ cũ - có thâm niên - hùng hổ xấn đến, mặt đỏ gay quát: “Không đi thì cút xuống ngay!”. Giằng co mãi, cuối cùng vị hành khách tội nghịêp (hình như là sinh viên) bị lừa 30.000 đồng cũng đành móc túi ra trả, vì chiếc xe đạp của anh ta lỡ nằm trên nóc xe rồi...
Xe lại chuyển bánh, gã chủ bảo tôi lấy cái biển có ghi “Tuyến Vinh - Đà Nẵng” cất vào trong, và thay vào đó là cái biển đề “Tuyến Vinh - Sài Gòn”. Đến địa phận thành phố Huế, thấy có một cụ già độ khoảng 60 tuổi tay xách nách mang, hình như cũng đang đón xe cho một chuyến đi xa, không cần hỏi cụ muốn đi đâu, gã chủ xe quát to: “Lơ! Xuống xe lôi ông già đó lên xe. Bảo xe này đi Gài Gòn!”. Xe vừa dừng, cụ già đang ú ớ chưa nói được câu nào thì đã bị gã lơ cũ và tôi nhảy xuống xách nách lôi lên xe...
Xe đang bon bon trên đường với vận tốc trên 70km/giờ, tôi vừa thụt đầu vào cửa thì ngay lập tức, phía bên phải (đúng luật là vượt bên trái) có một chiếc xe khác cũng chạy tuyến Vinh - Đà Nẵng ở phía sau lao nhanh vượt lên trước... Thấy bị qua mặt, tức quá, gã chủ xe quát lớn: “Tăng tốc! Nhanh lên không hắn cướp hết khách bây chừ! Lơ! Chuẩn bị cướp khách!”. Tôi chưa kịp định thần thì xe chúng tôi và chiếc xe cùng chiều đã cùng đỗ xịch xuống nơi có đông hành khách đang chờ bắt xe.
Đang đứng lớ ngớ ở cửa, tôi đã bị gã lơ cũ đẩy xuống, rồi gã chạy như bay đến chỗ có hai mẹ con chị hành khách bên đường giằng lấy chiếc túi xách và bế thốc đứa bé lên xe. Chẳng chịu “thua chị kém em”, ngay lập tức, một gã lơ từ trên chiếc xe kia nhảy xuống kéo tay người mẹ lôi tuồn tuột lên xe mình rồi đóng cửa cái rầm và nhảy xuống đấu võ mồm với gã lơ xe tôi. Cãi vã, chửi bới, nhiếc móc... nhau một lúc, không ai chịu ai, cuối cùng xe kia đành chịu chi cho xe chúng tôi 20.000 đồng để được bồng đứa bé tội nghiệp về với mẹ của nó... Chứng kiến cảnh tranh giành hành khách vừa rồi của hai gã lơ, tôi chợt nhận ra rằng, có lẽ mình là gã lơ xe hiền nhất, ít “bặm trợn” nhất trên đời, bởi vì tôi là một gã lơ mới học việc...
Cuối cùng thì “chuyến xe bão táp” của tôi cũng kết thúc... Sau này, khi nghe tôi kể về chuyến đi hôm đó, các bạn của tôi đều lắc đầu cho tôi nào là “cao số”. Tôi cũng nghĩ, không riêng mình có lẽ tất cả những gã làm nghề lơ xe chuyên ngồi ở cửa xe, không cần dây an toàn, chưa một lần bị lao đầu ra khỏi xe đều là những người cao số cả. Vì có “cao số” mới dám đi làm lơ xe kiểu ấy...
VĂN TRƯƠNG (Quảng Bình)
Tuổi Trẻ Cười số 387 (ra ngày 1-9-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận