27/02/2021 06:28 GMT+7

'Tôi đi dạy đã hơn 10 năm, giờ phải đi học để lấy chứng chỉ...'

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - "Công đoàn trường tôi đã chọn một trường ĐH ở miền Tây để giảng dạy, học phí 2,5 triệu đồng do giáo viên tự chi trả. Tôi đã đăng ký và đóng học phí, dự kiến ngày 1-3 bắt đầu buổi học đầu tiên".

 Tôi đi dạy đã hơn 10 năm, giờ phải đi học để lấy chứng chỉ... - Ảnh 1.

Nhiều nơi quảng cáo các lớp học cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với học phí từ 2,5-3,5 triệu đồng - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Đầu tháng 2-2021, Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Chúng tôi lo lắng nếu không đi học thì đến tháng 3-2021 sẽ không giữ được hạng, sẽ bị giảm lương… nên bảo nhau trước sau gì cũng phải tốn thời gian, công sức, tiền bạc để có được cái chứng chỉ.

Một giáo viên ở TP.HCM

Thông tư này quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Và giáo viên phải đổ xô đi học, thi chứng chỉ để "giữ hạng, giữ lương".

2,5-3 triệu đồng mỗi lớp

"Bản thân tôi đi dạy đã hơn 10 năm, nhiều đồng nghiệp khác đã đứng lớp gần 20 năm. Vậy mà bây giờ phải đi học để lấy chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì thật vô lý" - thầy N., giáo viên môn lý ở Q.12, TP.HCM, bức xúc.

Tương tự, một giáo viên Trường THCS Colette, Q.3, cho biết: "Những ngày qua chúng tôi liên tục nhận được thông báo quảng cáo mở các lớp bồi dưỡng giữ hạng chức danh nghề nghiệp của các trường ĐH ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. 

Thời gian học linh động từ 5 ngày đến một tuần. Nhiều đơn vị còn cho biết có thể mở lớp online để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên học tập. Mức học phí dao động từ 2,5-3 triệu đồng/khóa học có cấp chứng chỉ. Công đoàn trường tôi đã chọn một trường ĐH ở miền Tây để giảng dạy, học phí 2,5 triệu đồng do giáo viên tự chi trả. Tôi đã đăng ký và đóng học phí, dự kiến ngày 1-3 bắt đầu buổi học đầu tiên".

Tương tự, nhiều giáo viên trung học ở các quận huyện khác trên địa bàn TP.HCM cũng đóng tiền để học. 

"Chúng tôi lo lắng nếu không đi học thì đến tháng 3-2021 sẽ không giữ được hạng, sẽ bị giảm lương... nên bảo nhau trước sau gì cũng phải tốn thời gian, công sức, tiền bạc để có được cái chứng chỉ. Thôi học trước đi cho yên tâm" - một giáo viên môn địa lý ở Q.7 bộc bạch. Còn cô Th. - giáo viên THCS ở TP.HCM - thú thật: 

"Lịch học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của chúng tôi có một ngày là ngày chủ nhật. Mà ngày đó chúng tôi cũng bận học bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế là cứ vừa mở máy tính vừa mở điện thoại để học...".

Bộ GD-ĐT nói gì?

Trước những lo lắng, thắc mắc của giáo viên các địa phương vì "giấy phép con" để giữ hạng, thăng hạng giáo viên, Bộ GD-ĐT khẳng định quy định tại các thông tư nêu trên có căn cứ theo luật và nghị định của Chính phủ. 

Cụ thể, Luật viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng.

Nghị định số 101/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.

"Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục. 

Việc ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải phù hợp, không được trái với quy định của hệ thống pháp luật, không được vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định. 

Muốn bỏ quy định này cần phải sửa các quy định này tại Luật viên chức và nghị định số 101/2017/NĐ-CP" - lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Bộ GD-ĐT cho biết.

Lãnh đạo cục này cũng cho rằng việc xem xét, sửa các quy định tại Luật viên chức và nghị định của Chính phủ có thể theo hướng mở rộng quy định, cho phép giáo viên có thể sử dụng chứng chỉ chuyên ngành thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Trước đó, Bộ GD-ĐT từng theo đuổi đề xuất bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ quy định tại thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức năng nhiệm vụ của giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông công lập. 

Đó là quy định cứng nhắc dẫn tới tình trạng giáo viên chạy đi lo chứng chỉ bằng các cách khác nhau để đối phó. Bộ GD-ĐT nhìn thấy điều này nhưng để bãi bỏ quy định này cũng vướng với quy định liên bộ, Bộ GD-ĐT phải thống nhất với Bộ Nội vụ để điều chỉnh...

Theo ông Đặng Văn Bình - lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bộ này đã phải trình được những căn cứ thuyết phục về việc những quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không cần thiết, gây phiền toái, vất vả cho giáo viên. 

Quá trình đi đến thống nhất để ban hành thông tư mới bãi bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ kéo dài một thời gian mới thực hiện được. Tháng 2-2021, thông tư mới chính thức có hiệu lực.

Chỉ có lợi cho đơn vị mở lớp

Thầy Kh. - giáo viên môn toán ở TP.HCM - nói: "Trước đây tôi đã rất thấm thía khi đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học bổ sung vào hồ sơ. Nay Bộ GD-ĐT bỏ được chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì lại "đẻ" ra cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Những chứng chỉ này chẳng giúp ích gì cho chúng tôi trong công tác dạy học, chỉ làm lợi cho những đơn vị mở lớp dạy và cấp chứng chỉ mà thôi".

Giáo viên ở Huế, Quảng Trị "vô cùng bối rối"

Nhiều giáo viên ở Huế và Quảng Trị nói rằng đang cảm thấy "vô cùng bối rối" với thông tư kể trên. Cô Phạm Thị A. - giáo viên một trường THCS trên địa bàn thị xã Quảng Trị - cho biết nếu chiếu theo thông tư cô sẽ là giáo viên hạng III mặc dù đã giảng dạy gần 20 năm nay.

Cô cũng cho biết nhiều giáo viên dạy cùng trường, đặc biệt là giáo viên trẻ tuổi, cũng "bối rối" vì ảnh hưởng đến bậc lương công tác. "Theo thông tư này thì có thể bậc lương của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Nhà trường cũng đã có thông báo cho toàn thể giáo viên chưa đăng ký lớp học bồi dưỡng thăng hạng chờ hướng dẫn tiếp theo của sở GD-ĐT tỉnh" - cô A. nói.

Còn tại Thừa Thiên Huế, một số giáo viên đang dạy tại các trường THCS trên địa bàn đã gấp rút đi đăng ký các khóa bồi dưỡng thăng hạng giáo viên vì lo sợ mức thu nhập của mình bị ảnh hưởng.

Cô Dương Thị T. - giáo viên công tác tại một trường THCS trên địa bàn TP Huế - cho biết cô cũng được một số đồng nghiệp khuyên nên đi đăng ký khóa học bồi dưỡng chứng chỉ thăng hạng được tổ chức tại một trường ĐH đóng trên địa bàn tỉnh. Lớp học này, theo cô D., được tổ chức học online với học phí từ 2,5-3 triệu đồng.

NHẬT LINH

Đổi mới tiêu chuẩn chức danh giáo sư: đến lúc phải thay đổi Đổi mới tiêu chuẩn chức danh giáo sư: đến lúc phải thay đổi

TTO - Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ngay khi vừa công bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên