22/07/2013 10:35 GMT+7

Tôi buộc phải làm tổng thống

NELSON MANDELA (NGUYỄN HẰNG dịch)
NELSON MANDELA (NGUYỄN HẰNG dịch)

TT - Thời kỳ 1990-1994 là một trong những giai đoạn đẫm máu và sợ hãi ở Nam Phi. Hàng nghìn người chết vì bạo lực liên quan đến chính trị. Khắp nơi bao phủ bầu không khí lo sợ sẽ có một cuộc đảo chính của cánh hữu do quân đội hậu thuẫn.

Kỳ 1: Theo đuổi lý tưởng Kỳ 2: Những năm tháng khó khăn Kỳ 3: Hai nỗi đau đớn Kỳ 4: Người tù lạc quan

GaNNVpvu.jpgPhóng to
Nelson Mandela và Winnie Mandela năm 1990, sau khi ông được tự do - Ảnh: Greame Williams

Cũng vào năm 1990 ANC được thừa nhận trở lại, Mandela được tự do. Năm 1993, ông được trao giải Nobel hòa bình cùng với Tổng thống F.W. de Klerk. Năm 1994, diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Nam Phi. Ngày 9-5, Nelson Mandela được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Nam Phi dân chủ.

Chúng tôi có chính nghĩa

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của người lãnh đạo ngày nay là nhiệm vụ thống nhất đất nước. Cuộc đấu tranh này là cuộc đời của chúng ta, và mặc dù giây phút thắng lợi chưa đến, nhưng chúng ta vẫn có thể làm cho cuộc đấu tranh tiến triển tốt hơn nhiều hoặc hoàn toàn biến thành thảm họa. Trong suốt sự nghiệp chính trị của tôi, gần như không gì làm tôi đau đớn bằng việc chứng kiến nhân dân mình giết hại lẫn nhau như hiện tại.

Tôi nhận được các báo cáo tình báo cho biết những người da trắng cánh hữu đã quyết định cản trở kỳ bầu cử sắp tới bằng biện pháp bạo lực. Để chắc chắn, chủ tịch của tổ chức (ANC) phải kiểm tra cẩn thận tính chính xác của những báo cáo đó. Tôi đã làm đúng như vậy, và khi tôi biết tin tức là chuẩn xác, tôi quyết định phải hành động.

Tôi bay đi Wilderness, nơi ở của cựu tổng thống P.W. Botha và nhắc ông ấy nhớ lại thông cáo chung hồi tháng 7-1989 mà tôi và ông ấy cùng đưa ra khi tôi ở tù. Trong thông cáo, chúng tôi cam kết sẽ cùng hợp tác vì hòa bình của đất nước. Tôi báo tin phe cánh hữu đang đe dọa nền hòa bình và đề nghị ông can thiệp. Ông tỏ thái độ rất hợp tác và xác nhận những người da trắng muốn cản trở cuộc bầu cử. Nhưng ông nói thêm rằng ông không muốn thảo luận với riêng tôi mà yêu cầu có thêm Tổng thống F.W. de Klerk. Tôi đề nghị lãnh tụ cánh hữu cực đoan người da trắng nên có mặt vì ông ta là một thủ lĩnh chính trị táo bạo, có sức thu hút dân chúng lớn hơn Tổng thống De Klerk. Nhưng cựu tổng thống phản đối dữ dội nên tôi không nhắc đến chuyện đó nữa.

Tôi quay về Johannesburg và ngay lập tức gọi điện cho Tổng thống De Klerk thông báo với ông về lời mời của Botha. Sau đó tôi tiếp cận với giáo sư Johan Heyns, nhà thần học da trắng cấp tiến để thu xếp cho tướng Viljoen, Hartzenberg, Terre’Blanche và tôi gặp nhau. Terre’Blanche không nhượng bộ và từ chối mọi cuộc gặp với tôi - một tên cộng sản, như lời ông ta nói.

Sau đó tôi gặp tướng Viljoen và Hartzenberg và hỏi có phải họ đã chuẩn bị ngăn cản cuộc bầu cử bằng biện pháp bạo lực không. Tướng Viljoen thẳng thắn thừa nhận và cho biết người da trắng đang trang bị vũ khí, và đất nước sắp đối mặt với một cuộc nội chiến đẫm máu. Tôi rất choáng váng, nhưng giả bộ như vẫn hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi của phong trào tự do. Tôi nói với họ rằng họ sẽ gây khó khăn cho chúng tôi vì quân đội của họ được huấn luyện tốt hơn, có vũ khí mạnh hơn, và nhờ các nguồn lực của họ, họ hiểu rõ đất nước hơn. Nhưng tôi cũng cảnh báo rằng khi ván bài liều lĩnh này kết thúc, họ sẽ là phe thất bại. Chúng tôi đang tiến rất gần đến chiến thắng mang tính lịch sử sau khi giáng một đòn chí mạng lên chế độ thượng đẳng da trắng. Tôi chỉ ra rằng chúng tôi sẽ thắng không phải nhờ sự đồng ý của họ mà bất kể họ phản đối thế nào thì mọi chuyện vẫn sẽ như thế. Tôi nói thêm là chúng tôi có chính nghĩa, có đông thành viên và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Họ hoàn toàn thiếu những thứ đó. Tôi yêu cầu họ hủy kế hoạch và tham gia đàm phán ở Trung tâm Thương mại quốc tế...

xHWcXLlm.jpgPhóng to
Sau khi được tự do, năm 1994 Nelson Mandela đã quay lại thăm nhà tù - nơi đã giam giữ ông suốt 27 năm - Ảnh: David turnley

Niềm hi vọng cho cả thế giới

Tôi bị buộc phải chấp nhận làm tổng thống đầu tiên được bầu ra một cách dân chủ của Cộng hòa Nam Phi, hoàn toàn trái ngược với ý kiến của chính tôi.

Gần đến ngày bầu cử, ba lãnh tụ cao nhất của ANC cho biết họ đã lấy ý kiến rộng rãi trong tổ chức và đi đến quyết định được nhất trí cao là tôi nên giữ chức tổng thống nếu tổ chức của chúng tôi thắng cử. Họ nói họ sẽ trình bày ý kiến này trong cuộc họp kín đầu tiên của Quốc hội. Tôi phản đối với lý do là năm tới tôi sẽ bước sang tuổi 76, và sẽ tốt hơn nếu có một tổng thống trẻ hơn, đàn ông hay phụ nữ đều được.

Tôi thuyết phục ba lãnh tụ của ANC rằng tôi muốn được phục vụ đất nước nhưng không giữ chức vụ gì trong tổ chức hoặc trong chính phủ. Tuy nhiên, một người trong họ đã thẳng thừng phê phán tôi. Ông ấy nhắc nhở tôi rằng tôi luôn tán thành tầm quan trọng của lãnh đạo tập thể, và chừng nào còn tuân theo chính xác nguyên tắc đó thì chúng tôi sẽ không thể mắc sai lầm. Ông hỏi thẳng có phải tôi đang làm ngược lại những gì tôi luôn rao giảng hay không. Cuối cùng tôi quyết định chấp nhận lời đề nghị của họ.

Nhưng tôi cũng nói rõ rằng tôi chỉ làm một nhiệm kỳ. Tuy khi tôi nói họ có vẻ không để ý, nhưng họ vẫn trả lời là chuyện đó nên để ANC quyết định. Tôi thì muốn chắc chắn luôn. Nên ngay sau khi nhậm chức tổng thống, tôi công khai tuyên bố rằng tôi sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ và sẽ không tái tranh cử...

Khi chính quyền phản động bị lật đổ hoàn toàn thì các chiến sĩ giải phóng cũng nỗ lực hết sức mình - trong khả năng nguồn lực cho phép - thực hiện những nhiệm vụ cao cả ấy, đồng thời xây dựng một chính phủ trong sạch, không tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào. Gần như tất cả những ai bị áp bức cũng tràn trề hi vọng giấc mơ họ ấp ủ bấy lâu cuối cùng sẽ trở thành hiện thực. Đó là họ sẽ được trả lại phẩm giá con người, thứ mà hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm qua họ bị từ chối.

Dưới chế độ apartheid, luật pháp và trật tự xã hội không được đánh giá cao. Với đa số người dân, nhân quyền của họ đã bị tước đoạt thô bạo. Có những nhà hoạt động chính trị bị bỏ tù không qua xét xử, bị tra tấn và giết hại. Những thẩm phán tòa phúc thẩm có quan điểm độc lập và đưa ra phán quyết theo hướng bất lợi cho chính quyền bị chỉ trích công khai. Còn tòa án và các luật sư bảo thủ thì đồng lõa với nhau. Cảnh sát, đặc biệt là nhánh an ninh, tự coi mình là luật pháp. Chính bởi thực tế thô bạo đó cộng với niềm tin của cá nhân tôi mà tôi phải tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy nguyên tắc tôn trọng luật pháp và tòa án... Và ở nước Nam Phi mới, bất cứ ai, kể cả tổng thống, cũng không thể đứng cao hơn luật pháp... Pháp quyền nói chung và tư pháp nói riêng phải được tôn trọng.

NELSON MANDELA (NGUYỄN HẰNG dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên