30/05/2019 06:35 GMT+7

Tòa tối cao Mỹ chặn đạo luật cấm phá thai

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Tòa án tối cao Mỹ ngày 28-5 đã ra phán quyết, với tỉ lệ phiếu 7-2, để chặn đạo luật cấm phá thai của tiểu bang Indiana, do Phó tổng thống Mike Pence ký ban hành vào tháng 3-2016 khi ông còn là thống đốc tiểu bang này.

Tòa tối cao Mỹ chặn đạo luật cấm phá thai - Ảnh 1.

Biểu tình ở New York chống việc thông qua luật thắt chặt phá thai ở các bang Alabama và Georgia - Ảnh: REUTERS

Đạo luật của bang Indiana cấm phá thai dựa theo giới tính, chủng tộc, hoặc tình trạng khuyết tật của thai nhi.

Tuy nhiên, tòa án cao nhất nước Mỹ giữ lại điều khoản trong đạo luật này, bắt buộc các bệnh viện phải chôn hoặc thiêu các bào thai sau khi tiến hành phá thai.

Tranh cãi

Theo Đài CNN, đây có thể là một tin mừng cho những người đấu tranh ủng hộ quyền được lựa chọn mang thai của phụ nữ.

Phán quyết cũng cho thấy dù đội ngũ 9 thẩm phán hiện tại của Tòa án tối cao Mỹ có 5 thành viên do các tổng thống đảng Cộng hòa chỉ định so với 4 thành viên do các tổng thống đảng Dân chủ chỉ định, vẫn chưa sẵn sàng lật lại luật cho phép hợp pháp hóa phá thai, gọi là "Roe vs. Wade", ban hành ở Mỹ năm 1973.

Theo đài BBC, một loạt tiểu bang ở Mỹ đã và sẽ tiếp tục thông qua các dự luật gây tranh cãi về chống phá thai.

Cụ thể, trong tháng 5-2019, bà thống đốc Kay Ivey của Alabama ký ban hành đạo luật cấm phá thai dưới bất cứ hình thức nào, cho dù bào thai là kết quả không mong muốn của việc bị hiếp dâm hay quan hệ loạn luân, nếu đã có tim thai.

Ngoại lệ duy nhất là trường hợp người mẹ bị nguy hiểm tính mạng. Phá thai bị xem là trọng tội và người tiến hành thủ thuật này (chuyên gia y tế) có thể bị phạt từ 10 đến 99 năm tù hoặc tù chung thân tại Alabama. Riêng người phụ nữ mang thai không bị phạt.

Đạo luật của Alabama hiện chưa được thi hành vì bị nhóm ủng hộ quyền phụ nữ và quyền chọn lựa phá thai khởi kiện ra tòa án liên bang. Một số tiểu bang khác như Missouri, Arkansas, Georgia, Mississippi, Kentucky và Ohio cũng đã thông qua đạo luật tương tự như Alabama thắt chặt việc phá thai nếu đã ghi nhận được tim thai .

Các đạo luật tại các bang này gần như tước bỏ quyền phá thai của phụ nữ vì tim thai có thể được ghi nhận sớm nhất là ở tuần thứ sáu. Thời điểm này, nhiều phụ nữ còn chưa biết mình mang thai.

Theo thống kê của đài BBC, hồi năm 2000, ở Mỹ chỉ có 4 bang khó khăn với việc phá thai nhưng đến năm 2019, có 21 bang khó khăn và rất khó khăn với phá thai. Có 28 tiểu bang đang xem xét để cấm phá thai theo nhiều cách khác nhau.

Điều này cho thấy có sự lan tỏa ở quy mô quốc gia tại nhiều tiểu bang nhằm đưa ra quy định ngặt nghèo hơn đối với việc phá thai.

Không thể né tránh mãi

Trong phiên tòa ngày 28-5, chánh án Clarence Thomas cho rằng tòa đã đúng vì không cho phép thi hành dự luật của bang Alabama ở thời điểm này.

Tuy nhiên, là một trong 9 vị thẩm phán của Tòa án tối cao có quan điểm muốn lật ngược lại phán quyết cho phép phụ nữ phá thai có từ năm 1973, ông Thomas cho rằng Tòa án Tối cao cần phải "sớm đối mặt với vấn đề này". Ông kêu gọi: "Chúng ta không thể né tránh vấn đề này mãi được".

Theo CNN, không có thẩm phán nào khác, kể cả 4 thẩm phán bảo thủ do các tổng thống Cộng hòa đề cử, tham gia ký tên vào nội dung văn bản dài 15 trang của ông. 

Ít nhất điều này cho thấy chính các thẩm phán phe bảo thủ cũng e dè với việc nhảy vào một vấn đề chính trị rất nhạy cảm và nóng bỏng ở Mỹ là phá thai.

Đa số dân Mỹ muốn bảo vệ luật năm 1973 nhưng sự ủng hộ của họ với vấn đề phá thai cũng có nhiều mức độ, nhiều người phản đối phá thai khi bào thai đã lớn.

Nhiều cuộc biểu tình hoặc các phong trào đấu tranh kêu gọi tẩy chay các công ty lớn như Hyundai, Mercedes-Benz, Toyota, Netflix... có trụ sở tại các bang muốn thắt chặt phá thai lại tiếp diễn. Sức mạnh của cộng đồng có thể là đối thủ ngang cơ với ý thức hệ bảo thủ.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên