Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, ông Trump đã biến tài khoản Twitter @RealDonaldTrump trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động điều hành đất nước của mình kể từ khi nhậm chức.
Với tài khoản này, ông thường xuyên công bố các nội dung kế hoạch công việc, chính sách, tấn công những đối tượng chỉ trích mình. Ông cũng đã chặn nhiều ý kiến đối lập với ông, không cho họ được phản hồi trực tiếp với các tweet ông đưa lên.
Ngày 23-5, thẩm phán Naomi Reice Buchwald ở Manhattan ra phán quyết khẳng định những quan điểm bình luận trên tài khoản của Tổng thống, cũng như trên các tài khoản của nhiều quan chức chính phủ khác, là các diễn đàn công khai.
Theo đó việc ngăn chặn những người dùng Twitter khác được nêu ra quan điểm của họ đã vi phạm quyền tự do ngôn luận được quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Theo ông Eugene Volokh, giáo sư trường luật đại học California Los Angeles, một người chuyên nghiên cứu về các vấn đề của Tu chính án thứ nhất, cho rằng hiệu lực của phán quyết này không chỉ được áp dụng với ông Trump.
"Nó cũng sẽ áp dụng với một loạt các quan chức chính phủ khác trên cả nước", ông nói.
Sau phán quyết của thẩm phán Naomi Reice Buchwald, Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan đại diện cho ông Trump trong vụ việc này, cho biết: "Chúng tôi rất không đồng tình với phán quyết của tòa và đang cân nhắc các bước tiếp theo của mình".
Phán quyết của tòa được đưa ra liên quan tới vụ việc hồi tháng 7 năm ngoái Viện Knight First Amendment Institute tại Đại học Columbia và nhiều người dùng Twitter khác cùng khởi kiện Tổng thống Trump về việc ông Trump đã vi phạm quyền tự do ngôn luận căn cứ theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ khi chặn các tài khoản Twitter của người có quan điểm đối lập với mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận