03/11/2016 23:35 GMT+7

Tòa án Anh cản Brexit

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Kế hoạch rút khỏi Liên minh châu Âu của Anh (Brexit) gặp rắc rối khi tòa án thượng thẩm của nước này ngày 3-11 tuyên bố chỉ quốc hội mới có quyền quyết định khởi động tiến trình Brexit.

Gina Miller, nhân vật dẫn đầu nhóm khiếu nại lên tòa án thượng thẩm Anh, phát biểu bên ngoài tòa án ở London ngày 3-11 - Ảnh: Reuters
Gina Miller, nhân vật dẫn đầu nhóm khiếu nại lên tòa án thượng thẩm Anh, phát biểu bên ngoài tòa án ở London ngày 3-11 - Ảnh: Reuters

Theo ba thẩm phán cấp cao của tòa, việc kích hoạt Điều 50 của của Hiệp ước Lisbon sẽ làm thay đổi căn bản các quyền của người dân Anh. Do đó, chính phủ không thể thay đổi hay chấm dứt các quyền theo luật pháp Anh trừ khi được quốc hội cho phép.

Điều này nghĩa là chính phủ Anh không thể tự mình kích hoạt Điều 50, tức chính thức thông báo cho EU về ý định tách khỏi EU, để khởi động quá trình đàm phán Brexit dự kiến kéo dài trong hai năm.

Trước đó, thủ tướng Theresa May cho biết chính phủ của bà dự kiến kích hoạt điều 50 vào 3-2017. Tuy nhiên, một nhóm người phản đối Brexit đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Thượng thẩm, phản đối việc bà tự ý quyết định thời điểm xúc tiến thủ tục ra khỏi EU mà không thông qua Quốc hội.

Thủ tướng May khẳng định các nghị sĩ Anh không cần phải bỏ phiếu vì quyết định được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý. BBC dẫn lời người phát ngôn chính phủ Anh cho biết chính phủ sẽ kháng cáo phán quyết của tòa. “Chính phủ sẽ tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu” - người này nói.

Theo giới phân tích, nếu chính phủ Anh không thể cãi thắng tòa án, quá trình Brexit có thể bị giam lỏng nhiều tháng ở quốc hội bởi những tranh luận của các nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU (Remain).

Trước đó, ông John Kerr - cựu Đại sứ Anh tại EU và là người soạn thảo Điều 50 Hiệp ước Lisbon -  khẳng định London vẫn có thể thay đổi ý định rút khỏi EU kể cả sau khi London kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Theo ông John Kerr, trên phương diện pháp lý, không quốc gia nào có thể yêu cầu một quốc gia thành viên rời khỏi nhóm.  "Bạn có thể thay đổi ý định khi tiến trình đàm phán vẫn đang diễn ra" - ông nói.

Điều 50 Hiệp ước Lisbon năm 2007 quy định mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi Liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp. Một nước thành viên muốn rời khỏi EU phải thông báo cho Hội đồng châu Âu về ý định của mình.

Điều 50 cũng quy định chỉ nước thành viên có ý định rời liên minh mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức. Các cuộc đàm phán sẽ kéo dài 2 năm theo quy định.

Thêm vào đó, một nước thành viên từng là thành viên của EU có thể tìm cách tái gia nhập liên minh, theo các quy định của điều 49. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt tư cách thành viên sẽ khởi động lại từ đầu.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên