Trồng cây xanh trên đại lộ Đông - Tây ra sao?
Lo thì dễ hiểu, trong lúc kinh tế và đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn Nhà nước bỏ ra 146 tỉ đồng đầu tư cho việc trồng cây cảnh trên đường (trước đây đã có đầu tư trồng cây xanh lâu năm), chưa biết hiệu quả cải tạo cảnh quan môi trường tới đâu. Mừng vì TP có sự quan tâm và dự án rất cụ thể cho việc cải tạo, chăm chút thẩm mỹ cảnh quan trên một đại lộ cửa ngõ quan trọng đang gánh trên mình món nợ không chỉ với nhu cầu phát triển mà còn với cả di sản. Từ một góc nhìn rộng, việc chăm chút cho môi trường, cảnh quan trên khu vực đại lộ Đông - Tây là một việc cần và cần làm một cách thật nghiêm túc, có tầm nhìn.
Nhớ lại từ khi Nhà nước thực hiện giải tỏa mặt bằng những khu nhà kiến trúc cổ để mở rộng thành đại lộ này, nhiều người dân, giới nghiên cứu văn hóa am hiểu về lai lịch khu vực này đã đưa ra những phản ứng khác nhau. Đơn giản dự án xây dựng đại lộ đã chạm đến những điểm “nhạy cảm” của TP, con đường mang trong nó biết bao di chỉ, xúc cảm, ký ức tập thể - đó là hình ảnh của một Sài Gòn của thuở ban đầu.
Dòng kênh Tàu Hủ, Bến Nghé một thời từng tạo ra khung cảnh giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền những ngày đầu hình thành trung tâm kinh tế Sài Gòn. Không gian bến Cần Giuộc, bến Bình Đông, rạch Lò Gốm, những khu nhà kiến trúc Hoa, Pháp... mang trong nó sự khốc liệt lẫn thi vị trong từng giai đoạn lịch sử TP, nay đã là di sản.
Giằng xé chọn lựa giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề muôn thuở. Tương lai đã đòi hỏi một sự quyết đoán, khiến trong những hành vi đáp ứng yêu cầu phát triển không tránh khỏi những “đụng chạm” có khi là thiếu tế nhị với quá khứ. Tuy nhiên, điều đáng nói là hình ảnh hiện đại được xây dựng lên có xứng đáng với những đánh đổi mất mát giá trị di sản. Đã có một đại lộ thênh thang thuận lợi cho di chuyển, nhưng tốc độ cho phép trên 80km/giờ không thể làm cho chúng ta né tránh được mùi hôi thối, sự nhếch nhác môi trường hai bên...
Còn nhớ, trước đây rất nhiều nhà kinh doanh du lịch từng đưa ra ý tưởng xây dựng kênh Tàu Hủ thành một tuyến điểm quan trọng để đưa vào khai thác city tour. Từ đó giúp du khách nước ngoài hình dung ra lịch sử hình thành và phát triển TP, sự giao thoa văn hóa đông tây thể hiện ở những khu dân cư lân cận, phục hồi đời sống buôn bán trên bến dưới thuyền vừa như một nếp sinh hoạt đời thường, vừa là sản phẩm du lịch... Quả là những ý tưởng hay trong bối cảnh TP còn ít những điểm đến di sản. Song những ý tưởng đó liệu sẽ đi đến đâu khi dòng kênh Tàu Hủ đang là dòng kênh chết bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có giải pháp khả thi.
Câu chuyện cải tạo cảnh quan môi trường trên đại lộ Đông - Tây đặt ra là cần thiết, nhưng phải gắn nó với một ý hướng lớn hơn, toàn diện hơn: tô điểm cho vẻ đẹp hiện đại của một đại lộ cửa ngõ đô thị hiện đại nhưng đừng quên cứu vãn những không gian di sản bên cạnh nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận