13/04/2025 22:30 GMT+7

Tình yêu thơ nằm sẵn trong máu, sao người Việt quay lưng với thơ?

Nhà thơ Trương Anh Tú cho rằng tình yêu thơ ca của người Việt đã nằm sẵn trong máu. Nhưng bây giờ là nhà thơ trốn khỏi đời sống, khiến bạn đọc quay lưng với thơ.

Trương Anh Tú - Ảnh 1.

Nhà thơ Trương Anh Tú (trái) giao lưu với người yêu thơ - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhà thơ Trương Anh Tú chia sẻ với Tuổi Trẻ Online nhân dịp ra mắt tập thơ mới của ông mang tên Trắng mây tóc mẹ (Nhà xuất bản Kim Đồng) ngày 13-4 tại Hà Nội.

Nhiều nhà thơ đang trốn khỏi đời sống

Buổi ra mắt thơ có sự tham gia của nhiều gương mặt quen thuộc trong lĩnh vực văn chương, phê bình, xuất bản tại Hà Nội và thiếu nhi.

Tại buổi ra mắt, các em thiếu nhi rất hăng hái tham gia vào các trò chơi về thi ca, trong đó có trò chơi làm thơ nhanh có sử dụng một số từ khóa do ban tổ chức đưa ra.

Nhiều bài thơ các em làm ngay tại sự kiện gây bất ngờ cho người tham dự. Và bất ngờ hơn cả là sự hồ hởi "chơi" với thơ của các em nhỏ.

Nhà thơ Trương Anh Tú nói với Tuổi Trẻ Online ông không ngạc nhiên trước niềm yêu thích với chữ nghĩa, thơ ca của các em nhỏ.

Ông tin rằng tình yêu thơ ca của người Việt nằm sẵn trong máu. Vấn đề của nhà thơ chỉ là có mang đến sự chân thành cho bạn đọc trong những vần thơ không.

Ông tiếc là nhiều nhà thơ đang trốn khỏi đời sống khiến bạn đọc quay lưng với thơ ca.

"Cái dở nhất của thơ Việt hiện nay là các nhà thơ trốn khỏi đời sống. Các bạn không mang được nhịp điệu tâm hồn mình vào trong thơ, mà chú ý nhiều về hình thức, muốn thơ phải mới lạ, khó hiểu, hiện đại…

Đấy không phải mục đích của thơ. Mục đích của thơ là tiếng nói tâm hồn con người. Cái mới của thơ phải nằm trong chính chất đời sống trong thơ. Thơ phải mang hơi thở thời đại", nhà thơ Trương Anh Tú nói.

Trương Anh Tú - Ảnh 2.

Tập thơ Trắng mây tóc mẹ của Trương Anh Tú - Ảnh: T.ĐIỂU

Thơ trả món nợ trên vai

Về thơ của Trương Anh Tú, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ấn tượng với tiếng Việt giàu và đẹp trong thơ của một người đã sống ở nước ngoài nhiều năm.

Trương Anh Tú cho biết ông đã sống ở nước ngoài gần 40 năm, nhiều lúc rất nhớ quê hương và thèm được nghe, nói tiếng Việt. Có lẽ thơ chính là lãnh địa cho ông được thỏa nỗi thèm mong tiếng Việt ấy, để ông được trả "món nợ trên vai" đối với quê hương xa nhớ.

Trương Anh Tú đã làm thơ và sáng tác nhạc từ những năm 1990. Ông đã ra mắt nhiều tập thơ.

Lần này, Trắng mây tóc mẹ với các bài thơ gần gũi với mọi lứa tuổi, được Nhà xuất bản Kim Đồng chọn in.

Tập thơ là những cảm nhận giản dị mà tinh tế về vạn vật thân thuộc và yêu thương xung quanh, về tình cảm gia đình đầy thương mến.

Những bức minh họa bay bổng của họa sĩ trẻ Quyên Thái, vốn được biết tới với phong cách vẽ mơ màng, gam màu tươi sáng, ấm áp, khiến tập thơ tình cảm này càng thêm lay động với bạn đọc trẻ.

Tình yêu thơ nằm sẵn trong máu, sao người Việt quay lưng với thơ?  - Ảnh 4.'Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng' hay 'lúa vàng, gạo trắng'?

'Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng' khi vào đề thi chuyên văn bỗng thành 'Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng' khiến mạng xã hội xôn xao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên