20/10/2012 07:37 GMT+7

Tình thương trải rộng đến vô cùng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ai cũng biết làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, người mẹ yêu thương con hết lòng, hi sinh cho con vô điều kiện như là một điều tự nhiên, tất yếu.

FPNqbdHP.jpgPhóng to
Những người mẹ không chỉ là mẹ của riêng con mình (từ trái qua): cô Thanh Vân, chị Kim Vân, chị Thu Hương -Ảnh: Tự Trung

Tình yêu thương vô biên của mẹ dành cho con theo họ mà trải rộng ra đến vô cùng. Như những người phụ nữ chúng tôi đã được gặp.

1

Những câu chuyện của tình mẹ con lúc nào cũng gây nhiều xúc cảm vì trong lòng ai cũng có một khoảng tình mẫu tử bao la như trời biển, nhưng những người phụ nữ mà chúng tôi may mắn gặp trên đường tác nghiệp lại vượt lên cả tình cảm tự nhiên để mang tình cảm bao la ấy trải rộng vào cuộc đời. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, họ chỉ có một lòng tin giản dị: đã là cái bao la thì nào sợ mất đi, càng trải rộng lại càng mênh mông.

Chẳng mấy lúc gặp được cô Hà Thanh Vân, hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), trong phòng làm việc. Khi thì thấy cô ngồi trên ghế đá trong sân trường hỏi chuyện học sinh. Khi thì thấy cô trong nhà ăn, vừa xúc từng thìa cơm cho một bé mới vào trường, vừa chăm chú quan sát tiến triển của những em học sinh bị đa tật. Lúc khác lại tìm thấy cô trong phòng khách tiếp phụ huynh, tỉ mỉ ghi chép hoàn cảnh của từng gia đình...

“Các em bị khiếm thị, bị khiếm khuyết cơ thể đã thiệt thòi lắm rồi, trong gia đình, trong xã hội lại càng gặp khó khăn nhưng mình quan niệm: mỗi đứa trẻ đều có quyền được hưởng sự giáo dục dù là nhỏ nhất. Đứa trẻ có cuộc đời của nó, nếu đến đây và học được cách tự ăn, tự đi thì mình cũng đã vui rồi”, cô Hà Thanh Vân nói vậy, như là một người mẹ nói về con mình. Mấy chị phụ nữ đang ngồi trông cho trẻ ăn cơm khẽ nói thầm: “Chính cô Vân đã dạy tụi em cách làm mẹ. Ông bà mình nói thật đúng “Sinh con rồi mới sinh cha” mà”. Thì ra họ chính là những bà mẹ không may có con không toàn vẹn đã tình nguyện đến trường để chăm sóc các em.

Kiều là một trường hợp đặc biệt. Vừa tốt nghiệp phổ thông thì đã lấy chồng, một thanh niên nghèo làm nghề sửa điện. Hai vợ chồng vừa có tin vui thì chồng của Kiều bị bắt vì mua trúng mấy sợi dây cáp điện của mấy tên trộm. Tội “phá hoại an ninh quốc gia” như từ trên trời rơi xuống, cái án 5 năm tù của chồng làm chết điếng cô vợ trẻ. Cô sinh non, năm tháng rưỡi. Các bác sĩ cứu được cả hai đứa trẻ nhưng chúng trở thành trẻ đa tật: khiếm thị, khiếm thính, chân tay co quắp... “Một lần đi họp hội chữ thập đỏ, nghe câu chuyện tôi đã tìm đến cái lều ven sông Tiền của Kiều. Hai đứa trẻ như hai con mèo, mù lòa, bất động, mẹ bất lực không biết làm gì, chỉ khóc. Tôi thấy cũng không cầm được nước mắt”, cô Vân kể.

Về, cô băn khoăn cả đêm, nghe rát ruột như thể đó chính là con mình. Rồi cô quay trở xuống Tiền Giang bàn với Hội chữ thập đỏ, với Hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Mọi người đồng lòng viết đơn xin giảm án cho chồng của Kiều, cô Vân chạy khắp Sài Gòn tìm một chỗ trọ rẻ, hai đứa nhỏ được nhận về Trường Nguyễn Đình Chiểu. Hôm nay Thiên An và Thiên Ân (tên hai đứa trẻ) đã biết tự xúc cơm ăn, tự đi giày, tự đứng lên chào cô rồi về phòng khi đến giờ nghỉ. Giờ con học, Kiều mang hộp đồ nghề làm móng tay ngồi chờ ở khu matxa của trường, phục vụ khách nào có nhu cầu. “Cũng là nhờ cô Vân tạo điều kiện. Chồng em đã được trở về, đi làm thợ hồ, chạy xe ôm nuôi con. Tụi em chỉ mong con học được nhiều, mẹ cũng học được nhiều ở trường Nguyễn Đình Chiểu này, để sau này còn biết sống”.

Cô Vân cử giáo viên ra tận Bát Tràng học nghề để về dạy các em nặn gốm, sang Ấn Độ, Sri Lanka học các môn chuyên biệt như định hướng di chuyển, phục hồi chức năng. Cô cặm cụi dịch sách Giúp đỡ trẻ em mù, Tạo cơ hội học tập để phụ huynh học được cách mang đến những gì tốt nhất cho con mình. “Mình cứ nhắm mắt lại và tưởng tượng xem các em sẽ cần những gì để sống, để lớn lên, để trưởng thành, tự lập và từ đó đi tìm những gì các em cần học, rồi tụi mình đi học trước để dạy lại. Từ thực tế mình mới đề xuất lên Bộ Giáo dục - đào tạo để dần hình thành chương trình”, cô Vân nói trên cương vị hiệu trưởng của mình. Người nghe lại thấy trong vai trò hiệu trưởng ấy có một người mẹ.

2

Từ ngày xuất hiện trong câu chuyện về “hành trình xương thủy tinh” đến nay đã hơn sáu năm, cái tên Nguyễn Thị Thu Hương cứ xuất hiện đều đều trong những câu chuyện ở xóm nhỏ Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM) của chị, trong những hoạt động cộng đồng mà chị tham gia ở khắp nơi. Không chỉ là người mẹ tràn yêu thương và thừa dũng cảm, nghị lực của riêng chàng trai thủy tinh Đỗ Minh Hội nữa, Thu Hương đã mang trái tim người mẹ không biết mệt mỏi của mình đến cho bao nhiêu người. Chị làm mẹ của Diễm, của Lan, làm mẹ một cách đàng hoàng để lo cho con gái từ chén cơm, tấm áo, mong cho con vượt qua khó khăn mà ăn học thành tài. Chị còn làm “má Hương” của hàng trăm đứa trẻ khác nữa, không chỉ ở xóm Đông Thạnh mà cả đến những mái ấm tận Lâm Đồng, Bình Phước.

Ai không biết ắt sẽ nghĩ chị dư thời gian, thừa tiền bạc. Nhưng không phải vậy, người phụ nữ ấy có con mang bệnh không thể rời xa sự chăm sóc, cuộc sống chật vật không một nguồn thu nhập ổn định. Thế mà Thu Hương vẫn sẵn lòng cho người khác thời gian và cả tiền bạc của mình nếu ai đó cần sự chia sẻ, giúp đỡ, nhất là khi đó là trẻ con. Chị ngược xuôi lo cho một đứa trẻ bị xâm hại qua cơn hoảng loạn, rồi động viên cha mẹ bé đi đòi công bằng trước pháp luật. Chị xoay xở cho được một khoản tiền đóng học phí khi nghe tin có em nào đó sắp phải bỏ học...

“Tiếng lành đồn xa”, rất nhiều người đã rỉ tai nhau cái tên của chị để tìm một bóng râm trên đường đời mỏi mệt. Ai cần đến, chỉ gọi một tiếng Thu Hương đã sẵn sàng, và nếu không ai gọi thì chân chị lại tự tìm đến những nơi đang có bất hạnh, đau khổ. Khi chị đi ra, bất hạnh, đau khổ có thể vẫn chưa vơi bớt nhưng lòng người chắc chắn được xoa dịu ít nhiều. “Tình yêu thương giúp mình nhân lên mọi thứ mình có”, Thu Hương tâm niệm như thế và cứ cho đi như thế.

3

Một người mẹ khác cũng kỳ lạ không kém là chị Ngô Thị Kim Vân ở “nhà hạnh phúc” trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (TP.HCM). Với nghề may cùng với xỏ hột đan giỏ, vợ chồng chị nuôi hai đứa con ăn học đã vất vả lắm. Ấy vậy mà như có sức mạnh nào xui khiến chị dũng cảm nuôi thêm hơn 30 đứa trẻ nữa, nuôi trong nhà, coi như con, đầu tắt mặt tối lo ăn, lo mặc, lo tiền học, tiền sách vở... Hỏi, chị cười: “Không biết nữa. Thấy nó lang thang sợ nó dốt, tới bữa thì sợ nó đói, trời tối sợ nó không có chỗ ngủ. Mình nghĩ trời sinh voi sinh cỏ, cứ đưa tụi nó về nhà trước đã”. Cũng đúng là những mối lo của một bà mẹ, và những nụ cười của chị Vân hôm nay cũng đúng là nụ cười của một người mẹ: cười khi nấu được cho cả nhà một bữa ăn ngon, khi con đạt điểm tốt, khi có người đến thăm và đàn con được tổ chức một cuộc vui...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên