14/03/2008 10:45 GMT+7

Tịnh Khê - Những đôi mắt sáng long lanh

TTO
TTO

TT - Về Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), điểm đầu tiên anh Trương Đình Chiến – hiệu trưởng trường tiểu học Tịnh Khê – đưa tôi đến là một ngôi trường gồm 3 phòng học đang xây dở dang ở xóm Khê Hội thôn Cổ Lũy.

TTO - LTS: 2008, khi những ngày kỷ niệm, ôn lại khí thế bừng bừng của mùa xuân Mậu Thân 1968 chưa qua thì dấu mốc của một ngày không thể quên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam đã lại tới: 16-3, ngày "thảm sát Mỹ Lai", ngày đau thương của Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

40 năm qua, Sơn Mỹ đã có nhiều thay đổi, nhưng những ký ức đau thương vẫn luôn đồng hành với từng bước đi lên nhọc nhằn của một vùng quê miền Trung nghèo khó. TTO xin giới thiệu lại một số bài viết của các phóng viên Tuổi Trẻ trong nhiều lần trở về Sơn Mỹ, để độc giả có thể hình dung sự thiêng liêng của những ngày hòa bình trên mảnh đất mà "trong từng hơi gió có tiếng trẻ em cười, trong từng hạt cát có ánh mắt trong veo, trong từng lá cỏ có thấm dòng máu đỏ"...

Trưa, cát nóng hâm hấp và nắng đổ lửa. Khung cảnh hoang vắng, đẹp và buồn lạ lùng. Ngôi trường chỉ mới là mấy bức tường xây dở dang nằm trên cát, nhìn ra một bãi cát rộng mênh mông, chạy xa tít tắp, trên đó lỏi chỏi những nấm mồ.

Tôi bỗng nhớ ra: ở xóm Khê Hội – Cổ Lũy này, vào cái buổi sáng 16-3 của 26 năm về trước, những tên lính Mỹ sau khi tàn sát 407 người ở thôn Tư Cung đã băng qua dòng sông và tràn vào cái xóm ven biển miền ngoài để tiếp tục hành vi tội ác: giết chết 97 người dân quê xứ biển… Giờ đây bên những nấm mồ xưa, con cháu họ cố dựng lên một ngôi trường.

0s8EX76G.jpgPhóng to
Những em học sinh Sơn Mỹ hôm nay (2008) - Ảnh: Minh Thu

Nhưng… anh Chiến nói: “Chỉ có ba phòng học, mỗi phòng 16,5 triệu, vị chỉ 49,5 triệu đồng. Dân đóng góp cật lực được 5 triệu đồng, xã rút ruột được 4,5 triệu. Mới chung được 9,5 triệu, nên công trình phải dừng lại từ 4 tháng nay…”. Băng qua bãi cát trắng có một con đường mòn. Trên đó, tôi thấy những em bé ôm cặp nhảy từng bước: không phải các em vừa đi vừa đùa vui chân sáo mà vì giấc trưa, cát nóng bỏng dưới chân. “Không có trường – anh Chiến giải thích – nên từ lớp 3 các phải về xã học, đi 3, 4 cây số. Muốn đi gần hơn một chút thì cởi quần áo lội băng qua sông…”.

Trên con đường mòn nắng chói chang, thỉnh thoảng có một vài cây dương liễu gió biển thổi lơ phơ, tỏa một chút bóng mát. Tôi thấy các em dừng lại, chen nhau núp bóng. Những bàn tay nhỏ xíu giở nón ra quạt hoặc kéo vạt áo lau mồ hôi, thương quá!…

Trên 90% các em đến độ tuổi đi học đều đã đến trường. Xã chỉ có 12.615 dân, mà có đến trên 3.000 em là học sinh từ bậc mẫu giáo (5 tuổi) đến lớp 12. Có tất cả 91 lớp học nhưng phòng học chính thức chỉ có 20 phòng (trường trung học 10 phòng và trường tiểu học 10 phòng). Ở vùng đất một thời chịu quá nhiều đau thương này, từ 19 năm qua lòng hiếu học của trẻ thơ trở thành một nỗi day dứt ám ảnh của nhiều người. Sau ngày giải phóng, cả xã tan hoang, trống trơn, như anh Phùng Tiến – bí thư xã – nói: “Đứng ở đầu xã thấy cuối xã”. Người dân Tịnh Khê gỡ đạn, gỡ mìn trên khắp ruộng đồng và trồng lại cây lúa, cây mì…

Ngay từ những ngày gian nan đó, những người dân quê bụng còn đói nhưng sẵn sàng “chịu đói thêm chút nữa” để góp từng ang lúa, ký mì, ký cá, con vịt… để dựng trường cho con em mình học. Nhưng ở cái vùng quê khắc nghiệt này, hết đạn bom lại đến thiên tai: Từ 1975 đến nay, dân làm mùa 58 vụ chỉ được mùa 17 vụ, còn lại mất trắng hoặc mất từ 50% trở lên. Và vì vậy: “Lực bất tòng tâm – anh Nguyễn Tấn Giảng, ban chấp hành hội cha mẹ học sinh trường tiểu học Tịnh Khê, buồn bã nói – nghiệt cái là bà con làm được đồng tiền hiếm quá, đến chảy máu con mắt, nên thu 10.000 đồng xây dựng trường, có người cũng không đóng nổi…”.

Ngày 18-9-1994, với sự tài trợ của dược sĩ Võ Văn Phương (100 triệu đồng) và năm đơn vị khác ở TP.HCM (8 triệu đồng), báo Tuổi Trẻ đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức lễ khánh thành và đưa vào trường tiểu học Tịnh Khê (cơ sở 2) tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi – nơi cách đây 26 năm đã xảy ra vụ lính Mỹ tàn sát 504 người dân vô tội (vụ thảm sát Mỹ lai) – và trao học bổng cho 52 em học sinh giỏi của xã có hoàn cảnh khó khăn….

“Chảy máu con mắt”, tôi cứ nghĩ có lẽ anh nói một cách hình tượng”. Nhưng không… Một buổi chiều tối ở Tịnh Khê, tôi ghé lại thăm nhà em Pha Ngọc Anh (một trong số 52 em được nhận học bổng của chương trình “vì mầm non Sơn Mỹ” của báo Tuổi Trẻ vì quĩ bảo trợ và phát triển tài năng trẻ Quảng Ngãi) và tôi hiểu rằng đó không chỉ là cách nói hình tượng.

Tôi đã thấy “chảy máu” ở con mắt của một cụ già, bà nội của em Phan Ngọc Anh, 82 tuổi. Tịnh Khê không có điện, tối, trời tối thăm thẳm, thi thoảng đó đây vài ngọn đèn dầu vàng vọt. Trong sân mờ mờ, đôi mắt già của cụ cố mở lớn, giành chút ánh sáng cuối của ngày để dệt cho xong những đường cói của chiếc chiếu. “Ngày công, tính ra – cụ nói – được hai ngàn chớ mấy!”, cái chép miệng tỏ ra xót xa. Cụ nắm tay khách ngồi xuống chiếc chiếu rách, nói như an ủi: “Kệ, phụ được chút nào hay chút nấy cho mấy cháu nó học".

Cả nhà em Anh, trừ người cha bị điên, tất cả đều đi làm: mẹ bưng rổ cá đi bán chợ trên, chợ dưới. Ngọc Anh (học lớp 4) và Phan Văn Kiệt (lớp 9), ngoài giờ học, có hôm phải ngâm mình dưới nước để thả đập hoặc khều cua kiếm phụ thêm 5,7 ngàn đồng. Ngọc Anh là học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 3.

Tôi nhớ lại lời kể của cô Tô Thị Nhỏ, cô giáo lớp 2: “Học trò tôi nhỏ như hạt tiêu mà hầu hết phải đi làm từ chăn bò, cắt cỏ, đến làm chiếu, xe dây dừa… Tội lắm, em nào cũng ham học”. Cô giáo đưa tôi đến thăm một học trò “nhỏ như hạt tiêu” của cô: cháu Nguyễn Thị Dương. Khi đến, tôi thấy một cháu bé đi chân đất, đầu đội chiếc nón lụp xụp, đang mở chuồng dắt bò ra, miệng la ơi ới, nhưng hình như hai con bò chẳng đếm xỉa gì… Tôi hỏi: “Cháu chăn bò, bò không nghe lời bỏ chạy hoặc ăn lúa người ta thì cháu làm sao?”. Dương ngước nhìn đôi mắt sáng trưng, nói: “Dạ… khóc…”.

Cứ buổi chiều từ 2 giờ, Dương ì ạch dẫn hai con bò lên núi Đầu Voi. Dương đi trên con đường mà ngày xưa cha của mình, trong trận tàn sát của lính Mỹ, đã đánh bò chạy trốn thoát. Và khi cha trở về thì ngôi nhà đã bị cháy rụi và bà nội của cha chỉ còn là nắm tro tàn trong đó. Mẹ của cha thì chạy được ra tới bờ mương… Bờ mương mà khi lớn lên, biết đọc, Dương thấy ở đó có một tấm bia ghi: Tại đoạn mương này ngày 19-3-1968 Mỹ đã giết 170 người. Thỉnh thoảng, chăn bò về sớm, Dương đến đọc lại những dòng chữ trên bia và thắp một nén hương: “Nội ơi!…”.

Anh Đỗ Văn Sòi, chủ tịch xã, nói: “Xã tôi có 21 xóm, 16 xóm sản xuất nông nghiệp, còn lại đánh cá và làm tiểu thủ công nghiệp. Ôi cũng chảy máu con mắt!”. Quả là lại “chảy máu con mắt”: hai xóm ở Cổ Lũy làm chiếu cói, ngày công tính ra được 2 đến 3 ngàn đồng. Mỹ Lại thì xay bột mì lọc. “Được giá lắm – anh Sòi nói – cũng khá hơn anh chiếu một chút. Còn không thì lời được cái xác mì”. Một xóm ở Tư Cung thì… đẽo đá. Từ trên núi hè nhau khiêng về một tảng đá và ngồi đẽo thành một chiếc cối xay rồi xe đạp đi… bán dạo. Người lực lưỡng nhất làm nghề này, mỗi ngày kiếm được khoảng mươi ngàn!

Chủ yếu của Tịnh Khê vẫn là nông nghiệp. nhưng đất thì ít (bình quân 330m2/người) mà lại xấu, tẩy, bạc màu, thiên tai… Bắt đầu khá lên (trên mức đủ ăn) chỉ có 135 hộ (trong số 2.600 hộ của toàn xã) đi vào nghề nuôi tôm trên diện tích mặt nước khoảng 30ha. Ở vùng đất mà một thời cả loài người trên hành tinh này đã phải rùng mình ví cái ác tận cùng có thể có của con người đã xảy ra, giờ đây người dân phải “chảy máu con mắt” để kiếm từng miếng ăn.

Nơi đó, thật lạ, tôi đã cảm nhận được mắt của em thơ nào cũng sáng, sáng đến long lanh. Tôi nhớ đến lời anh Quảng Tô – hiệu trưởng trường trung học Tịnh Khê: “Nổi bật ở các em là lòng hiếu học”… Hiếu học nên nhà nước còn… nghèo (từ 1992 đến nay, giáo dục ở Tịnh Khê chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng), mẹ cha còn nghèo không xây được trường lớp thì các em cứ băng cát, băng sông mà học, thì cứ chui vào những ngôi nhà trong xóm để chứa đồ mả (dụng cụ để tẩm liệm, chôn cất người chết), hoặc họp hành của dân mà học, thì cứ chong đèn dầu mà học…Mắt các em vẫn sáng long lanh đến lạ.

Tôi đã đến những ngôi nhà chứa đồ mả để xem các em học. Ở xóm Khê Hội có lớp mẫu giáo của cô Võ Thị Thúy Liên. Vào lớp, đầu tiên tôi thấy cái trống treo chần dần giữa căn nhà, ngay trên đầu các em. Căn nhà như cái hộp, chỉ có một cửa sổ nhỏ phía sau và một cửa lớn ra vào. Bàn kê sát từ cuối nhà đến tận tấm bảng. Cô giáo không có chỗ kê bàn. Đó là lớp học ca trưa (từ 10 giờ đến 13 giờ). Mỗi bàn có 8 em ngồi sát vào nhau, khó mà cựa quậy được. Cô giáo gạt mồ hôi nói: “Nóng quá, mồ hôi của các em cứ nhỏ ướt nhòe cả tập…”. Ở Tịnh Khê vẫn còn 13 điểm học, như vậy ở 13 xóm, trong đó có 10 điểm các cháu mẫu giáo học ca ba, buổi trưa (lớp 1 và 2 hoặc sáng và chiều)…

Về Tịnh Khê lần này, chúng tôi (báo Tuổi Trẻ) và tỉnh đoàn Quảng Ngãi thực hiện chương trình “Vì mầm non Sơn Mỹ”. Xây một ngôi trường (cơ sở 2 của trường tiểu học Tịnh Khê, có 5 phòng học, cấp 52 học bổng, trợ vốn cho 14 giáo viên và thuốc men cho trung tâm y tế Tịnh Khê. Tổng chi phí là 112 triệu đồng, do các mạnh thường quân tài trợ, đặc biệt là dược sĩ Võ Văn Phương giúp 100 triệu, ông Lương Hữu Hải – một đồng hương Quảng Ngãi – giúp cho trường một máy phát điện và hệ thống âm thanh…

Tình cảm, tấm lòng nặng ơn nặng nghĩa của bà con Tịnh Khê làm tôi vừa xúc động, vừa cứ phải áy náy trong lòng: có lớn lao gì đâu so với cái đau, cái mất, cái nghèo, cái thiếu – đặc biệt là với lứa tuổi mầm non - của Tịnh Khê. Chẳng qua chỉ là một chút tình, chia sẻ một phần nhỏ, rất nhỏ trước cái đau đớn và miên man là lịch sử đã để lại cho Tịnh Khê mà thôi!

Trường học mới cũng chỉ giúp các em “thoát” khỏi được 5 trong số 18 điểm học trong các xóm; học bổng cũng chỉ mới giúp cho 52 em trong số hàng ngàn em nghèo khó đỡ đi một chút nhọc nhằn, nắng gió. 14 phần trợ vốn (mỗi phần 500.000 đồng) cũng chỉ là tiếp thêm một chút sức lực cho thầy, cô giáo vượt tiếp con đường nghề nghiệp đầy gian khổ ở một vùng quê... Đêm Tịnh Khê vẫn chìm trong bóng tối thăm thẳm, ngày người dân Tịnh Khê vẫn “chảy máu con mắt” kiếm từng bữa ăn, “mầm non” Tịnh Khê còn hàng ngàn em vẫn phải chui vào học trong những ngôi nhà chật hẹp nóng bức trong xóm sâu…

Rời Tịnh Khê, tôi mang theo quá nhiều hình ảnh mà nổi lên là ngôi trường 3 phòng học xây dở dang ở Cổ Lũy, nhìn ra xa một bãi cát rộng mênh mông, lỏi chỏi những nấm mồ và những em thơ tất bật, thảy cái roi bò, cái liềm, cái đập, ôm vội chiếc cặp băng qua bãi cát trắng nóng bỏng đến trường… Với những đôi mắt sáng long lanh đến lạ.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên