25/05/2011 08:12 GMT+7

Tình dục và quyền lực: mối liên hệ nguy hiểm

HIẾU TRUNG - DUY PHÚC tổng hợp
HIẾU TRUNG - DUY PHÚC tổng hợp

TT - Các chuyên gia xã hội cho rằng các chính trị gia, nhân vật nhiều quyền lực cần hiểu rằng một khi đã bước vào lĩnh vực chính trị là họ như sống trong một nhà kính, không thể che giấu nổi bí mật xấu xa và cũng không có chỗ để trốn tránh.

Một nguyên tắc cần phải được đặt ra: quyền lực là một thứ đặc ân không được phép lạm dụng để làm điều xấu xa.

pAsFKKMn.jpgPhóng to
6gEuFHZd.jpg

Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn trước và khi bị bắt giữ ở New York Ảnh: AFP

Vụ tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn còn chưa nguôi thì ngày 21-5 lại thêm hàng loạt quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải “thân bại danh liệt” vì những bê bối tình dục. Sáu chính trị gia cao cấp thuộc Đảng Hành động quốc gia (MHP) đối lập đã phải từ chức sau khi một nhóm chính trị đe dọa công bố các đoạn băng ghi lại hình ảnh họ quan hệ tình dục lén lút. Trước đó đầu tháng 5, bốn quan chức khác thuộc MHP đã phải từ chức sau khi trên mạng xuất hiện các đoạn phim quay những cảnh “nhạy cảm” của họ.

Trong danh sách “đen” này còn có thể kể đến cựu thống đốc bang California (Mỹ) Arnold Schwarzenegger bị phát hiện có con riêng với một nhân viên 10 năm trước đây, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bị nghi ngờ có quan hệ tình dục với một gái điếm tuổi vị thành niên, cựu tổng thống Bill Clinton bị điêu đứng vì lén lút quan hệ với một cô thực tập sinh, cựu tổng thống Israel Mosche Katsav bị kết án vì tội cưỡng hiếp...

Báo Time, trong một chuyên đề ghi ngày 30-5, đã tự hỏi “Vì sao các chính trị gia lại hành động như những con heo”. Báo Spiegel của Đức, trong một hồ sơ về những vụ bê bối tình dục trong chính trị, cũng thử khảo sát “những nguyên nhân nào đã biến các nhà chính trị thành những con sói với phụ nữ?”.

Càng quyền lực càng thích quan hệ vụng trộm

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Anh Psychological Science (Khoa học tâm lý), các nhà chính trị “thích quan hệ tình dục vụng trộm” không phải vì bản năng sinh lý mà chính vì quyền lực họ đang nắm giữ. Người càng ở vị trí cao (cả nam và nữ) thì càng có tâm lý muốn quan hệ ngoài luồng. Quyền lực đem lại cho họ cả cơ hội và sự tự tin, đi kèm với sự tự tin là cảm giác mình không bị trừng phạt, mình xứng đáng được hưởng sự thỏa mãn tình dục.

Quyền lực (cùng với đó là danh tiếng) không chỉ làm gia tăng cơ hội tình dục mà còn làm suy yếu cơ chế tự kiềm chế của bản thân. Khi nắm quá nhiều quyền lực trong tay, những người đàn ông quyền lực sẽ bắt đầu cảm thấy xem thường các quy tắc xã hội và luôn tìm cách che giấu các hành vi xấu, suy đồi đạo đức của mình, nhất là khi xung quanh lại đầy rẫy những kẻ cơ hội vì mục đích cá nhân hay chính trị để sẵn sàng giúp che giấu hành vi không đứng đắn của họ. Hơn nữa, các nhà tâm lý học cho biết những người có quyền lực thường có xu hướng thích mạo hiểm, hoặc ít nhất là đánh giá sự mạo hiểm khác với người bình thường.

“Khi đàn ông quyền lực có cơ hội, họ có xu hướng hành động để tận dụng cơ hội đó - nhà tâm lý học người Mỹ Mark Held cho biết - Thách thức lớn nhất đối với họ là tìm cách kiểm soát ham muốn của chính mình”. Nhà tâm lý học Pepper Schwartz thuộc Đại học Washington (Mỹ) cũng cho biết những người có quyền lực hằng ngày thường gặp rất nhiều người: “Phụ nữ thường dễ có ấn tượng mạnh đối với chức quyền của họ”.

Và cơ hội càng nhiều thì các nhân vật quyền lực càng liên tục hành động sai trái với đạo đức. Cả ông Strauss-Kahn và ông Schwarzenegger đều có tiếng là có tật quen ngoại tình hay gạ gẫm phụ nữ trong nhiều năm. Ngoài đứa con mới thừa nhận, ông Schwarzenegger còn bị tình nghi có thêm hai con riêng khác.

Nghiên cứu của Đại học Tillburg (Hà Lan), được đăng trên một tờ báo kinh tế của Hà Lan, cũng đưa ra kết luận tương tự dựa trên một cuộc khảo sát được tiến hành với 1.561 người, trong đó 52% đang nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao. “Khi một người nắm quá nhiều quyền lực trong tay thì càng có khả năng không chung thủy” - ông Joris Lammers, giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Tilburg, người chủ trì cuộc khảo sát này, nhận định.

Cũng theo giáo sư Lammers, các chính trị gia cấp cao có khuynh hướng tâm lý “hai mặt”. Mỗi ngày họ phải căng thẳng suy nghĩ, dùng mọi biện pháp, thậm chí thủ đoạn để giành được sự tín nhiệm hòng giữ vững quyền lực và tiếp tục thăng tiến. Chính tâm lý này đã ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, đặc biệt đời sống hôn nhân của họ khiến họ trở thành những người liều lĩnh và giỏi che giấu. Trường hợp của cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger là một ví dụ cho thấy ông ta giỏi lừa dối vợ mình và lừa dối cử tri.

Nhưng tại sao những vụ bê bối tình dục lại rơi vào những nam chính trị gia mà không phải là nữ? Giáo sư Lammers cho biết nguyên nhân đơn giản vì số lượng nữ ít hơn nhiều so với đồng nghiệp nam. Riêng ở Mỹ chỉ có 17 nữ trong số 100 thượng nghị sĩ.

Sự sợ hãi của kẻ yếu

Một yếu tố khác khiến những người đàn ông có quyền hay ngoại tình là bởi những phụ nữ họ xúc phạm hoặc có quan hệ thường ở thế yếu hơn và sợ hãi quyền lực. Năm 2008, ông Strauss-Kahn từng bị tố có quan hệ lén lút với nhà kinh tế người Hungary Piroska Nagy. Sau này Nagy kể lại ông Strauss-Kahn đã đẩy cô vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, và cô sợ nếu từ chối ông ta thì sẽ lãnh hậu quả không lường trước được.

Mới đây, nhà văn Pháp 31 tuổi Tristane Banon lên tiếng tố cáo năm 2002 ông Strauss-Kahn đã tấn công cô khi cô đến gặp ông để phỏng vấn. “Ông ta tấn công và chúng tôi vật lộn - cô Banon kể lại - Tôi đá ông ta. Ông ấy giằng xé quần áo tôi. Khi tôi chạy thoát, ông ta đã gửi tin nhắn hỏi rằng tôi có sợ ông ta không”.

Banon cho biết cô không kiện ông Strauss-Kahn vì mẹ cô, một quan chức Đảng Xã hội Pháp, đã thuyết phục cô không nên làm như vậy do lo ngại điều tiếng sau này. Những phụ nữ từng bị các nhân vật tai to mặt lớn gạ gẫm cho biết họ e ngại việc chống lại một nhân vật đầy quyền lực có thể sẽ chỉ mang lại nỗi đau và sự sỉ nhục.

Luật sư Pháp Emmanuel Pierrat kể một phụ nữ trẻ từng cho biết cô bị ông Strauss-Kahn tấn công, nhưng sau đó không dám đâm đơn kiện do lo sợ truyền thông tọc mạch vào đời sống riêng tư của mình và sợ bị cáo buộc là kẻ dối trá. Và khi các nhân vật quyền lực bị dính xìcăngđan, thường những người ủng hộ họ luôn đặt vấn đề là phải chăng họ bị gài bẫy như trường hợp của ông Strauss-Kahn.

HIẾU TRUNG - DUY PHÚC tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên