
Cụm ba ngôi trường mầm non Sơn Ca, tiểu học Hùng Vương và THCS Mạc Đĩnh Chi vừa được TP.HCM đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia tại quận Tân Bình (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo ông Nguyễn Kim Sơn - bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tổng kinh phí để thực hiện phổ cập mầm non từ 3-5 tuổi giai đoạn 2026 - 2030 là trên 116.300 tỉ đồng để thực hiện ba chính sách cũng là ba "điểm nghẽn" hiện thời của giáo dục cấp mầm non.
Hỗ trợ trẻ, thu hút giáo viên mầm non
Trong đó, kinh phí cho chính sách với trẻ mẫu giáo trong độ tuổi là 1.062 tỉ đồng/năm (gồm kinh phí hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa).
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu đề xuất bổ sung đối tượng trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục (có kèm theo điều kiện) vào đối tượng được hưởng chính sách. Đồng thời nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Về chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để thu hút giáo viên là 2.827,6 tỉ đồng; kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập là 3.296,8 tỉ đồng/năm.
Về kinh phí kiên cố hóa trường lớp học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ xây dựng 24.228 phòng học cấp mầm non để thay thế các phòng học tạm thời, phòng học tạm; xây dựng bổ sung 25.412 phòng học mới, xây dựng các phòng chức năng, thư viện, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu... với tổng kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất là 91.872,5 tỉ đồng.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Như vậy khi chương trình này được triển khai thì đó là tin vui cho các cặp vợ chồng trẻ và người thu nhập thấp.
Công bằng với trẻ, không phân biệt công hay tư thục

Thầy trò ở điểm lẻ Nậm Nạn của Trường Nậm Dạng (Văn Bàn, Lào Cai) - Ảnh: VĨNH HÀ
Trao đổi trực tiếp vào nội dung dự thảo nghị quyết về phổ cập mầm non 3-5 tuổi, ông Nguyễn Văn Ánh (ở tổ 4, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng rất cần chính sách đối xử công bằng với trẻ em, không phân biệt trẻ học trường công lập hay ngoài công lập.
"Tôi ủng hộ việc có chính sách chung đối với trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi, gồm cả trẻ học mầm non tư thục và dân lập. Vì ở Hà Nội hiện nay, chỗ học mầm non đối với trẻ 3-4 tuổi vẫn là áp lực. Nên không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện và nhu cầu cho con học trường tư, chỉ là tình thế bắt buộc nên nếu con họ lại "nằm ngoài diện chính sách" thì thật không công bằng", ông Ánh nói.
Ông có cháu từng phải "bốc thăm" để có chỗ học một trường mầm non ở quận Hoàng Mai cách đây hai năm, giờ cháu 5 tuổi mới hết thắc thỏm vì "nằm trong diện phổ cập".
Về đề xuất bổ sung đối tượng trẻ 3-5 tuổi học trường mầm non dân lập, tư thục vào diện được hưởng chính sách theo dự thảo nghị quyết, Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra sơ bộ lại cho rằng hiện nay chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ em mầm non đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục và nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập tại nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ (điều 8) chưa bao gồm trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục có cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Việc này là thẩm quyền thuộc Chính phủ, nên cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo nghị quyết.
"Tôi cũng được nghe về đề xuất đầu tư cho mầm non để phổ cập giáo dục 3-5 tuổi. Cơ sở mầm non của chúng tôi là tư thục nên đối tượng chủ yếu lại từ 2-4 tuổi, vì các cháu 5 tuổi trên địa bàn đều vào trường công lập.
Nên nếu các cháu trong độ tuổi 3-4 được trong diện phổ cập và các trường tư thục thực hiện nhiệm vụ phổ cập cũng được hưởng một số chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên và chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên thì chúng tôi rất mừng" - bà Phạm Thu Hương, một chủ trường ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ.
Bà Hương cho biết sau dịch COVID-19, việc tuyển dụng giáo viên gắn bó lâu dài với nghề rất khó. Cứ sau mỗi dịp hè, chuẩn bị vào năm học mới lại tái diễn nỗi lo thiếu giáo viên.

Cô trò Trường mầm non Sơn Ca, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cần ưu đãi vượt trội
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ rất phấn khởi khi đọc dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Hiện nay trẻ 5 tuổi đã được phổ cập nhưng còn độ tuổi từ 3-4 và còn cả dưới độ tuổi đó nữa. Với kinh nghiệm lãnh đạo ở địa phương, bà Hải nhận thấy nội dung này nếu được Nhà nước quan tâm và ban hành nghị quyết như thế này sẽ rất tốt, giúp cho địa phương rất nhiều.
Bà Hải cũng dẫn lại dự thảo nhắc tới những cụm từ như "ưu tiên", "cân đối nguồn lực lớn để phát triển trường lớp", nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải có nguồn đầu tư.
Bà nhắc lại việc huyện miền núi Định Hóa của tỉnh Thái Nguyên (nơi bà từng là bí thư Tỉnh ủy) đã có nhiều chính sách để thu hút đầu tư vào giáo dục mầm non nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia bởi đầu tư ở vùng núi, nông thôn thì không có lợi nhuận.
Do đó muốn có đột phá, ngoài ngân sách nhà nước, cần có những ưu đãi vượt trội dành cho nhà đầu tư vào giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cần phát huy trách nhiệm xã hội của các tập đoàn lớn, kêu gọi họ đầu tư phi lợi nhuận vào lĩnh vực này.
Cũng theo bà Hải, tại dự thảo nêu rõ ưu đãi đối với các con em từ 3-5 tuổi học ở những trường dân lập và bố mẹ đang làm công nhân khu công nghiệp hoặc lao động...
Bà đề xuất nếu được nên khuyến khích trong các khu công nghiệp cần phải có quỹ đất và được miễn thuế, rồi những chính sách vượt trội để xây dựng những trường mầm non cho con em của chính những người công nhân này.
Hiện nay mới đang có những chính sách nhà ở cho công nhân nhưng chưa có trường mầm non. Nếu thông qua việc này thì đưa những chính sách vào các ưu tiên để xây dựng, phát triển khu công nghiệp nhưng có trường mầm non ở trong đó. Tức là những mục tiêu chính sách này đưa ra nếu có khối tư nhân tham gia vào thì họ đóng vai trò rất lớn, rất quan trọng trong sự phát triển, trong sự tăng trưởng của đất nước vào trong nền kinh tế.
Bà Hải cũng đề nghị cần tập trung vào các chính sách cho giáo viên như chế độ vượt trội về lương...

Trẻ theo học tại một trường mầm non ở Hà Nội - Ảnh: V.HÀ
* Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (thành viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội):
Cần xây dựng lộ trình hợp lý
Tôi có tham gia đoàn khảo sát của ủy ban tại một số địa phương về các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, mong muốn của cử tri đối với việc tiến tới phổ cập giáo dục mầm mon từ 3-5 tuổi.
Qua xem xét nhiều vấn đề, có thể thấy chủ trương đề nghị phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi trong thời điểm hiện nay là hợp lý. Hiện nay chúng ta mới phổ cập đến 5 tuổi, còn dưới 5 tuổi chưa phổ cập được bởi nhiều lý do khác nhau. Khi tiến hành phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi thì tỉ lệ huy động đến lớp mầm non phải đạt 100%.
Một vấn đề khác là để thực hiện chủ trương này sẽ phải dành một khoản kinh phí rất lớn và theo đề xuất của giai đoạn 2026 - 2030 là hơn 116.000 tỉ đồng. Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, việc dành một nguồn lực lớn như vậy cho trẻ mầm non không chỉ cho thấy sự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực, mà còn phản ánh tư duy phát triển mới - lấy giáo dục sớm làm nền móng để xây dựng tương lai đất nước.
Nhưng cũng cần xây dựng một lộ trình hợp lý để thực hiện. Trong lộ trình đó cần xác định việc này bắt đầu từ đâu và theo từng năm học một sẽ giải quyết lộ trình đó như thế nào... Khi xây dựng được lộ trình cụ thể, hợp lý sẽ giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực giáo viên cũng như cơ sở vật chất để đảm bảo cho phổ cập.
* Bà Lương Thị Hồng Điệp (trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Thu hẹp khoảng cách thành thị, nông thôn
Nếu ngành giáo dục mầm non giai đoạn 2026 - 2030 được Quốc hội thông qua khoản đầu tư ngân sách hơn 116.300 tỉ đồng thì đây là một ưu tiên rất lớn của cả nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Điều này thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược về phát triển con người từ sớm của Nhà nước ta.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi thực sự là một bước đi cần thiết, đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt với định hướng phát triển đầu tư nguồn nhân lực ngay từ giai đoạn nền tảng.
Khi Nhà nước đầu tư cho giáo dục mầm non với chính sách rõ ràng cụ thể và miễn phí cho giai đoạn nền tảng này thì xã hội sẽ có những lợi ích lớn về sau cho phát triển kinh tế - xã hội. Bởi việc đầu tư của Nhà nước vào giáo dục mầm non sẽ khiến cho khoảng cách thành thị và nông thôn được thu hẹp, những trường mầm non ở quê cũng được đầu tư như ở thành phố từ cơ sở vật chất, con người đến chế độ chăm sóc nuôi dưỡng... sẽ kéo theo rất nhiều lợi ích tốt hơn cho người dân.
Nhiều nghiên cứu cho thấy giáo dục sớm cho trẻ từ bậc mầm non góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực ưu tú về sau. Vì thế, tôi có thể tưởng tượng được việc Nhà nước đầu tư lớn cho bậc mầm non thực sự là một chính sách nhân văn, hướng đến một nền kinh tế phát triển trong tương lai mà chúng ta đang đặt ra.
* Cô Triệu Tuyết Mai (phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, TP.HCM):
Đầu tư đúng đắn
Các chương trình giáo dục phổ thông đã có chính sách miễn học phí cho học sinh trên cả nước từ năm học 2026 nên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi là một chính sách quan trọng để hoàn thiện và tiếp nối về chính sách phát triển nguồn nhân lực của nước ta.
Vì thế, tôi cho rằng Nhà nước đầu tư hơn 116.300 tỉ đồng cho giáo dục mầm non giai đoạn 2026 - 2030 là một sự đầu tư rất đúng đắn cho sự phát triển toàn diện của trẻ, thể hiện sự kết nối thực hiện chiến lược phát triển con người toàn diện của ngành giáo dục giữa các bậc học.
* Ông Khưu Mạnh Hùng (trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, TP.HCM):
Phát triển nguồn nhân lực từ sớm
Nếu khoản 116.300 tỉ đồng được đầu tư cho giáo dục mầm non, đây là tin rất phấn khởi cho người dân. Những tín hiệu tích cực này còn có thể ảnh hưởng đến phát triển dân số trẻ ở Việt Nam. Vì ngay từ bậc mầm non, gia đình được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều trong chăm sóc nuôi dạy trẻ thật tốt.
Việc Nhà nước đầu tư lớn cho ngành giáo dục mầm non sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ; môi trường học tập của trẻ từ đồng bằng đến vùng cao, vùng sâu sẽ được cải thiện về chất lượng (cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi của trẻ sẽ được trang bị theo hướng hiện đại, hội nhập)...
Những chuyển biến chăm sóc nuôi dưỡng trẻ từ những năm tháng đầu đời lan tỏa đến từng làng xã, gia đình sẽ là bước tiến rất lớn để đất nước ta ngày càng phát triển. Tôi cho rằng đây là một khoản đầu tư rất tốt cho phát triển nguồn nhân lực của xã hội trong cạnh tranh với các quốc gia khác trong tương lai.
Đầu tư cho giáo dục mầm non: không thể chậm hơn

Một tiết học hoạt động thể chất tại một trường mầm non ở Hà Nội - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy "thời kỳ vàng" của con người nằm ở độ tuổi từ 0-6 tuổi. Ở nhiều quốc gia, giáo dục mầm non được coi trọng thể hiện từ việc đầu tư cho mạng lưới trường lớp đến chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, các chính sách ưu tiên đối với trẻ... Nhưng tại Việt Nam, vị thế của giáo dục mầm non thấp hơn so với các bậc học khác, xét cả khía cạnh ưu tiên đầu tư đến nhận thức.
Từ năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi nhưng cũng phải đến năm học 2024 - 2025 trẻ mầm non 5 tuổi mới được miễn học phí trong khi chính sách này áp dụng với cấp tiểu học từ lâu. Và cho tới hiện thời, ở cấp mầm non mới chỉ có trẻ 5 tuổi được hưởng một số chế độ ưu tiên trong đó có ưu tiên tiếp nhận vào các trường mầm non công lập.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện mới có trên 32% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ được đến trường. Cả nước còn khoảng trên 300.000 trẻ 3-4 tuổi chưa được đến trường. Vẫn còn hàng ngàn lớp học tạm hay đi mượn, gần 50% số lớp mầm non chưa được trang bị đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu.
So với mục tiêu đặt ra vào năm 2030 phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi thì cả nước còn thiếu gần 50.000 giáo viên mầm non. Điều đáng nói là vẫn còn khoảng trên 40% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non.
Hiện ở nhiều địa phương, khối trường lớp mầm non tư thục đang "gánh" một số lượng đáng kể trẻ trong độ tuổi mầm non thiếu chỗ học ở trường công lập, nhưng đối tượng này cũng chưa được đối xử công bằng như với đối tượng trẻ trong hệ thống công lập.
Tình trạng mất an toàn, buông lỏng quản lý chất lượng cũng xảy ra nhiều ở nhóm trẻ ngoài công lập. Chính sách đối với giáo viên mầm non bấp bênh trong khi áp lực của môi trường làm việc của cấp học này lại rất lớn dẫn đến việc khó giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Trong làn sóng giáo viên bỏ việc, chủ yếu là trường hợp giáo viên mầm non. Nếu không có tác động đủ mạnh về chính sách thì những "lỗ hổng" trong giáo dục mầm non sẽ lớn hơn dẫn tới bất ổn trong giáo dục nền tảng, tạo đà cho giáo dục ở các cấp học cao hơn.
Bộ GD-ĐT đã được giao thực hiện nhiệm vụ trình Quốc hội ban hành "nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố". Nhưng trước đó, tại nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lại đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030 "hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi".
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng nếu trình Quốc hội phê duyệt nghị định thí điểm thì ngoài 14 tỉnh được thực hiện thí điểm, địa phương khác không có cơ sở pháp lý để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của nghị quyết 42.
Đó là lý do Bộ GD-ĐT đề xuất có một nghị quyết là hành lang pháp lý cho tất cả các địa phương triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ em mẫu giáo. Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10-2025.
Trong tờ trình của Chính phủ về dự án nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi cũng nêu hiện Luật Giáo dục chỉ quy định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi nên để thực hiện việc phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Việc này sẽ cần thời gian đánh giá toàn diện với nhiều nội dung phức tạp, trong khi việc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 3-5 tuổi là việc cấp bách cần một hành lang pháp lý.
Tin vui cho người thu nhập thấp
"Vợ chồng tôi đều là công nhân, lương thấp nhưng vì không xin được cho con học ở trường mầm non công lập nên phải gửi con ở lớp tư thục, với chi phí gồm cả tiền ăn gần 3,5 triệu đồng/tháng.
Điều kiện cơ sở vật chất ở lớp tư thục có tốt hơn công lập một chút nhưng chi phí đắt không phù hợp với người có thu nhập như chúng tôi. Nên chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách để trường công lập có đủ chỗ học cho trẻ. Tôi tin đây cũng là mong mỏi của nhiều phụ huynh có thu nhập thấp".
Chị Hà Thu Hồng
(phụ huynh phải cho con học lớp mầm non tư thục ở quận Hà Đông, Hà Nội)
Giáo viên miền núi nhiều khó khăn
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều giáo viên chia sẻ về khó khăn khi thiếu nhà công vụ khi được điều động đến các điểm lẻ, khó khăn khi phải choàng gánh dạy cả mầm non và tiểu học. Họ mong muốn có các chính sách đặc thù như hỗ trợ tiền thuê nhà nếu không có nhà công vụ, hỗ trợ việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, chi phí đi lại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận