Phóng to |
"Sáng sớm 6-6-2014, khi đang đi tập thể dục gần nhà thì tôi thấy một xe tải 5 tấn chạy vào khu tái định cư tổ 25B, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Ðồng Nai, làm vỡ hai tấm đan mương thoát nước. Khi chạy lại xem, tôi phát hiện cái lỗ lớn bị bể ấy bên trong chỉ toàn thanh tre đã khô mục chứ không phải bêtông. Việc đầu tiên của tôi là bẻ một nhánh cây xanh cắm ngay đó để cảnh báo bà con biết đường tránh xa, sau đó gọi cho đường dây nóng Tuổi Trẻ" - ông N.V.S., một người dân trong ấp, kể lại câu chuyện đã báo cho Tuổi Trẻ thông tin "Xe tải làm vỡ nắp mương thoát nước, lộ bêtông cốt tre, Tuổi Trẻ ngày 7-6).
Ông S. cho biết là bạn đọc thường xuyên của báo Tuổi Trẻ từ năm 1984 đến nay, số điện thoại đường dây nóng Tuổi Trẻ đã được ông lưu trong máy nên khi cần ông gọi liền. "Lúc đó tự nhiên tôi cảm thấy rất bức xúc trước việc làm gian dối này. Tiền mồ hôi, công sức của dân trong xã đóng góp để mong có những công trình bền, chắc phục vụ dân sinh chứ ai dè lại thuộc hàng "bêtông cốt tre" như vậy?" - ông S. tâm sự và nói thêm may nhờ Tuổi Trẻ đến quay phim, chụp ảnh và phản ánh nên khoảng 10 ngày sau xã cho thay hết toàn bộ tấm đan của mương.
"Mảng giao thông nông thôn hiện nay gần như ít được quan tâm. Nhiều con đường trong xã mới làm đã xuống cấp trầm trọng. Người dân không biết kêu ai vì các đơn vị thi công hầu như là sân sau của cán bộ địa phương nên chỉ nhờ cậy vào tiếng nói của báo chí. Mong Tuổi Trẻ dành thời gian đến với các vùng nông thôn để khảo sát thêm, tránh tình trạng "bêtông cốt tre" như vừa qua" - ông S. gửi gắm.
Chị L.T.T. (Bà Rịa - Vũng Tàu), bạn đọc đã báo tin về hiện tượng "mua toa đường sắt" trong vận chuyển hàng hóa, cũng nói rằng: "Tôi báo tin cho Tuổi Trẻ vì tin tưởng tờ báo ở cách xử lý nhanh, chính xác thông tin từ bạn đọc". Từ thông tin của chị T., phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm hiểu câu chuyện và phản ánh trong bài "Nhà tàu "đục nước béo cò"" (Tuổi Trẻ ngày 2-6). Sau đó, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ðinh La Thăng đã quyết liệt chấn chỉnh nghiêm khắc những người liên quan đến việc "bán toa" của ngành đường sắt.
Chị T. cho biết là bạn đọc thân thiết của Tuổi Trẻ từ mấy chục năm nay, trước đây đã từng phản ảnh với đường dây nóng Tuổi Trẻ về máy bay trễ giờ. Chị tâm sự: "Niềm tin của tôi đã đặt đúng nơi. Tuổi Trẻ đã lên tiếng giùm cho nhiều tiểu thương buôn bán nông sản về câu chuyện mua toa trong ngành đường sắt. Từ nay về sau, nếu có chuyện gì dọc đường bức xúc tôi sẽ tiếp tục báo tin cho Tuổi Trẻ".
ÐỖ QUYÊN - ÐÔNG HÀ
Gửi clip mong làm rõ câu chuyện Tôi vô tình biết clip "đấu lý" giữa cảnh sát giao thông (CSGT) và người vi phạm xảy ra ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) do nó gây xôn xao trong một câu lạc bộ thể hình mà tôi đến tập hằng ngày. Khi nghe những lời bình hơi "nặng đô" theo hướng gay gắt về đội tuần tra CSGT, tôi bắt đầu để ý và biết clip nói trên vừa được tung lên mạng vài tiếng đồng hồ. Tối đó đến phòng trọ người bạn, một lần nữa tôi được nghe mọi người bình luận sôi nổi về clip này và lời lẽ cũng khá gay gắt bên cạnh những lời suy đoán này nọ về đội tuần tra CSGT trong clip... Tôi lên mạng kiểm chứng thì được biết đúng là có clip nói trên. Tôi gửi clip cho Tuổi Trẻ với mong muốn làm rõ "trắng đen" câu chuyện đang tạo dư luận khá gay gắt ở địa phương. Vụ việc được phản ánh trên Tuổi Trẻ (tin "Xôn xao clip đấu lý với CSGT", Tuổi Trẻ ngày 9-6) và kết quả xử lý của lãnh đạo CSGT tỉnh ngay sau đó về vụ việc đã được nhiều người dân địa phương đánh giá là hợp lý, kịp thời. CHÂN TÂM (bạn đọc cung cấp clip "Ðấu lý với CSGT") |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận