05/02/2023 07:03 GMT+7

Tin tức sáng 5-2: Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh

Tin tức đáng chú ý: Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư công; Dự báo còn nhiều đợt không khí lạnh mạnh và mưa trái mùa; Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại sau Tết; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh...

Tin tức sáng 5-2: Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công điện khẩn, yêu cầu các bộ ngành địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư công - Ảnh minh họa: TUẤN PHÙNG


Yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công điện khẩn hỏa tốc gửi các bộ trưởng, HĐND các tỉnh thành, các đoàn đại biểu Quốc hội và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Theo đó, đề nghị hoàn thiện các thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án dự kiến bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong phạm vi số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng giao cho từng bộ ngành, địa phương.

Rà soát tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có chủ trương đầu tư, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 nếu có nhu cầu.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, năm 2023 tổng vốn ngân sách là trên 711.000 tỉ đồng. Trong đó số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640 tỉ đồng, còn trên 707.000 tỉ đồng đã được phân bổ chi tiết cho từng bộ ngành, địa phương.

Trên cơ sở kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 đã được Thủ tướng giao bằng với số vốn được Quốc hội đã phân bổ, đến ngày 31-1 các bộ ngành và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 516.770 tỉ đồng, đạt 73,1% kế hoạch.

Số vốn còn lại, các bộ ngành và địa phương chưa phân bổ chi tiết là 190.273 tỉ đồng, bằng gần 27% kế hoạch được Thủ tướng giao.

Ước thanh toán từ đầu năm đến 31-1-2023, giải ngân vốn đạt 12.819 tỉ đồng, đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng giao. Tháng 1-2023, các bộ ngành và địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư nên tỉ lệ giải ngân đạt thấp.

Tháng 2 dự báo vẫn còn nhiều đợt không khí lạnh mạnh và mưa trái mùa

Tin tức sáng 5-2: Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh - Ảnh 3.

Mưa trái mùa xảy ra vào đầu tháng 2 tại Nam Bộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo vào khoảng nửa cuối tháng 2, rét đậm, rét hại có khả năng còn xuất hiện ở Bắc Bộ; cùng lúc mưa trái mùa ở các tỉnh phía Nam cũng còn tiếp diễn.

Theo đó trong nửa đầu tháng 2, không khí lạnh hoạt động có cường độ yếu và lệch ra phía Đông. Do đó, tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Nghệ An chỉ xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tập trung vào thời điểm đêm và sáng.

Đến khoảng nửa cuối tháng 2, không khí lạnh có cường độ mạnh hơn sẽ xuất hiện và gây rét đậm, rét hại cho các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Tại miền Nam cùng thời điểm trên rãnh áp thấp xích đạo vẫn tiếp tục có khả năng hoạt động và gây mưa trái mùa diện rộng.

4 trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký

Chính phủ đã ban hành nghị định 02/2023 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước. Theo đó, có bốn trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký.

Thứ nhất, hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5 m3/giây.

Thứ hai, khai thác, sử dụng nước biển phục vụ sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô trên 10.000 - 100.000 m3/ngày đêm.

Thứ ba, sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.

Thứ tư, khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do UBND tỉnh công bố.

Bệnh dại tăng sau Tết, người dân phản ảnh khan hiếm vắc xin

Sau Tết Nguyên đán 2023, số người dân đi chích ngừa bệnh dại tăng mạnh. Theo phản ảnh của người dân, hiện ở nhiều địa phương không có vắc xin dại kéo dài từ trước Tết đến nay. Các cơ sở tiêm chủng nhỏ, lẻ tại các tỉnh, thành bị thiếu hụt, khan hiếm vắc xin phòng dại.

Tin tức sáng 5-2: Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh - Ảnh 4.

Chó không rọ mõm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bên cạnh đó, vắc xin dại không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở tiêm chủng xã phường, khiến người dân thiệt thòi trong phòng ngừa hoặc không có vắc xin tiêm ngay khi có sự cố.

Trên website Viện Pasteur TP.HCM - một trong những trung tâm tiêm chủng lớn tại phía Nam, khi truy cập vào chiều 4-2, tại bảng danh mục các vắc xin có 19 loại/nhóm loại vắc xin, nhưng 18 loại đã hết, trong đó có vắc xin dại. Bảng thông tin này không cập nhật khi nào có vắc xin lại.

Bác sĩ Bùi Hoàng Trương - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết trong dịp Tết vừa qua, bệnh viện tiếp nhận gần 1.900 ca chích ngừa dại, trong đó có 1.365 ca tiêm nhắc và 496 ca tiêm mới.

Theo bệnh viện, nguyên nhân có thể người dân đến nhà nhau chúc Tết, bị chó mèo tấn công. Cạnh đó, hầu hết cơ sở tiêm chủng, phòng khám trên địa bàn TP.HCM đóng cửa nên người dân đều tiêm vắc xin phòng dại ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Bác sĩ Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa của Hệ thống tiêm chủng VNVC - thông tin trong tuần đầu hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán, 101 trung tâm trên toàn quốc của đơn vị ghi nhận số người dân đến tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tăng hơn 300% so với tháng trước Tết.

Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh trong ngày 4-2

Bộ Y tế cho biết ngày 4-2 cả nước ghi nhận 16 ca mắc COVID-19; số bệnh nhân khỏi bệnh là 1.382 ca, tiếp tục không có bệnh nhân tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.526.559 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca mắc).

Số liệu do sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.382 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.614.581 ca.

Có 3 bệnh nhân đang thở oxy, tiếp tục không ghi nhận ca tử vong.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc.

Tin tức sáng 5-2: Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh - Ảnh 5.

Nhiều thông tin hấp dẫn trên báo Tuổi Trẻ ngày 5-2

Tin tức sáng 5-2: Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh - Ảnh 6.

Dự báo thời tiết hôm nay nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM là 34 độ C

Tin tức sáng 5-2: Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại; Gần 1.400 ca COVID-19 khỏi bệnh - Ảnh 7.

Người dân vui với trò chơi đẩy gậy

Bệnh dại, xin đừng chủ quan!Bệnh dại, xin đừng chủ quan!

Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm có số người tử vong đáng báo động tại Việt Nam, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều suy nghĩ chủ quan của người dân trong phòng ngừa căn bệnh này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên