Cục Hàng không chỉ đạo xử lý xe máy "bỏ quên" ở Tân Sơn Nhất
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Nam khẩn trương phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng xe máy bị "bỏ quên" tại nhà để xe TCP, sân bay Tân Sơn Nhất.
Đồng thời làm việc với Công ty TCP để làm rõ các giải pháp, hướng xử lý như: liên hệ với chủ xe, báo cáo xin ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền; bố trí khu vực riêng và các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường đã, đang và sẽ thực hiện của Công ty TCP đối với các trường hợp xe máy để lại lâu ngày tại nhà để xe TCP.
Cục cũng yêu cầu Công ty TCP phối hợp Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP.HCM tổ chức kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại nhà để xe TCP và có biện pháp khắc phục nếu không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy.
Trước đó Tuổi Trẻ có bài viết phản ánh từ tháng 5-2016 đến nay, nhà để xe TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất có hơn 650 xe máy của hành khách gửi rồi "bỏ quên", nguy cơ gây mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường, chiếm dụng nhiều không gian của nhà để xe…
Bộ Giao thông vận tải giục Hà Nội bàn giao mặt bằng 2 dự án giao thông
Đó là dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1, và dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Trong đó dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM được khởi công từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2023, tuy nhiên đang vướng mặt bằng tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín.
Còn dự án cầu Đa Phúc trên quốc lộ 3 (địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, giai đoạn 1 thi công từ tháng 6-2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12-2023 nhưng hiện còn vướng 18 thửa đất ở của các hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục, bàn giao mặt bằng cho các dự án trong tháng 9-2023 để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu, phát huy hiệu quả đầu tư.
18 trường hợp phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Nghị định 67/2023 của Chính phủ quy định có 18 trường hợp phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó có trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 10 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà làm việc từ 25.000m3 trở lên.
Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000m3 trở lên, nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên.
Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 350 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà từ 5.000m3 trở lên. Trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích các khối nhà từ 5.000m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 7 tầng trở lên...
Bệnh viện có từ 250 giường bệnh trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên.
Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 600 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện từ 10.000m3 trở lên.
Nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích từ 5.000m3 trở lên.
Chợ hạng 1, chợ hạng 2; trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên…
TP.HCM bắt đầu rà soát, sử dụng hiệu quả đất đai nhỏ hẹp
Từ ngày 15-9 trở đi, TP.HCM rà soát, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý để sử dụng hiệu quả các thửa đất này.
Trước đó, UBND TP đã ban hành quyết định số 37 liên quan đến việc sử dụng các khu đất có diện tích nhỏ hẹp trên địa bàn TP, trong đó chính quyền sẽ kiểm tra tình trạng, so sánh hồ sơ pháp lý kể từ ngày 15-9 và định kỳ sau 6 tháng sẽ rà soát, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp.
Danh mục này sẽ được công bố công khai cho người sử dụng đất liền kề biết để có ý kiến về phương án đề xuất sử dụng thửa đất nhỏ hẹp vào mục đích công cộng, giao hoặc cho thuê đất cho người sử dụng liền kề.
TP.HCM hiện có rất nhiều rẻo đất hẹp ,"đầu thừa đuôi thẹo" bị bỏ trống, đa số là phần đất dôi dư của các hộ dân bị giải tỏa.
Hội An rà soát hàng quán sau vụ bánh mì Phượng
Sau vụ gần 150 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu TP Hội An tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn, nhất là ở khu phố cổ.
Đối với cơ sở bánh mì Phượng, nếu có kết luận vi phạm thì phải xử lý nghiêm.
Theo báo cáo, tiệm bánh mì Phượng bán ra 1.700 - 1.900 ổ bánh mì mỗi ngày, và trong số khách mua có khá nhiều du khách trong lẫn ngoài nước.
Đi đường sách TP.HCM đổi rác điện tử lấy quà tặng xanh
Vào ngày 17-9 tới, người dân có thể mang các thiết bị điện tử cũ đến gian hàng của Việt Nam tái chế tại Phiên chợ Khuyến đọc (Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM) để đổi lấy quà tặng xanh.
Việt Nam tái chế cũng phối hợp Công ty TNHH SX TM Tổng hợp II thu gom túi ni lông sạch đổi túi thân thiện môi trường.
Cách thức đổi rác thải điện tử lấy quà: tối thiểu 1 thiết bị lớn hoặc 5 thiết bị nhỏ được 1 món quà; 4 túi ni lông sạch được 1 túi thân thiện môi trường.
Mỗi phút có 5 người chết do chăm sóc sức khỏe không an toàn
Đây là con số được đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhắc tới để nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế, trong buổi lễ hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới 2023 (17-9).
"Trung bình ước tính cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người gặp phải tác dụng phụ khi được chăm sóc tại bệnh viện. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, việc chăm sóc y khoa không an toàn tại bệnh viện góp phần gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm", đại điện WHO chia sẻ.
WHO kêu gọi tất cả quốc gia cho phép người bệnh cũng như người nhà người bệnh góp ý và chia sẻ các trải nghiệm về dịch vụ khám chữa bệnh, cả dịch vụ an toàn và chưa an toàn, cung cấp cơ sở để cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay từ nhiều năm nay, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hình thức lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh, ban hành Quy chế bệnh viện năm 1997, xây dựng nhiều kênh thu thập ý kiến người bệnh như đường dây nóng bệnh viện, hộp thư góp ý, hội đồng người bệnh...
Bộ cũng đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận