Tổng thống Mỹ Joe Biden cúi mặt khi ký sổ chia buồn sau khi Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh qua đời ngày 8-9 - Ảnh: REUTERS
* Thế giới tiếc thương Nữ hoàng Anh. "Trong một thế giới liên tục thay đổi, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị là sự hiện diện vững chắc và nguồn an ủi cũng như niềm tự hào của nhiều thế hệ người Anh. Di sản của bà in đậm trong những trang sử của nước Anh và trong câu chuyện về thế giới chúng ta", Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ. Trong khi đó, Thủ tướng Canada nói rằng Nữ hoàng Anh là "một trong những người tôi yêu thích nhất trên thế giới".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị được nhiều người yêu mến vì phẩm giá và sự cống hiến của bà trên khắp thế giới. "Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị là người bạn tốt của Liên Hiệp Quốc. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ hoàng vì sự cống hiến bền bỉ, suốt đời của bà trong sự nghiệp phụng sự người dân. Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Guterres cho biết.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị "đã luôn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những giá trị lâu dài trong thế giới hiện đại bằng sự phục vụ và cam kết của mình". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Nữ hoàng "đại diện cho tính liên tục và thống nhất của nước Anh trong hơn 70 năm qua", và là "một người bạn của nước Pháp".
* Mỹ khởi động diễn đàn kinh tế với các thành viên IPEF. Ngày 8-9, giờ địa phương, Mỹ bắt đầu một loạt cuộc gặp với các bộ trưởng từ 13 nước châu Á - Thái Bình Dương tại Los Angeles, bang California. Sự kiện kéo dài hai ngày là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các thành viên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới (IPEF), sáng kiến do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi tháng 5-2022.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cùng phái đoàn tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng với quan chức từ các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Los Angeles ngày 8-9 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào 4 điểm chính: nền kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và chống tham nhũng. Với IPEF, Washington hy vọng sẽ xây dựng các tiêu chuẩn chung trong toàn khu vực, nhưng không thúc đẩy việc tiếp cận thị trường theo cách thức hiệp định thương mại tự do truyền thống.
* Nga nói không "đóng cửa" với châu Âu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Matxcơva sẽ đáp trả nhưng sẽ không "đóng cửa" với châu Âu để trả đũa việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp siết chặt việc cấp thị thực đối với công dân Nga. "Lợi ích của chúng tôi, của người dân chúng tôi, sẽ được cân nhắc trước tiên khi lựa chọn các biện pháp trả đũa", Hãng tin Reuters dẫn lời bà Zakharova nói.
Tuần trước, các bộ trưởng EU đã nhất trí ngừng thực thi thỏa thuận tạo điều kiện cho việc cấp thị thực giữa EU và Nga ký năm 2007. Theo đề xuất mới được đưa ra sau đó, người Nga xin thị thực vào khu vực tự do đi lại Schengen giờ đây sẽ phải trả một khoản phí là 85 euro, thay vì 35 euro như trước. Thời gian giải quyết đơn sẽ kéo dài từ 10 - 15 ngày, trong một số trường hợp có thể tới 45 ngày.
Việc cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, người xin thị thực sẽ phải cung cấp một danh sách dài hơn các loại tài liệu cần thiết.
* Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu các loại gạo khác nhau, trong bối cảnh chính quyền nước này đang tìm cách tăng nguồn cung và xoa dịu giá gạo trong nước sau khi đợt mưa vừa qua không đem lại đủ nước cho trồng trọt.
Gạo được chuyển lên tàu ở cảng Kakinada Anchorage thuộc bang Andhra Pradesh của Ấn Độ - Ảnh: REUTERS
Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 9-9, theo Reuters. Ấn Độ xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia và việc nước này hạn chế xuất khẩu sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực, vốn đang tăng do hạn hán, nắng nóng và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
* Hàng chục người chết và mất tích do chìm tàu ở Brazil. Ngày 8-9, một chiếc tàu chở khách bị chìm ngoài khơi bờ biển Belem ở miền bắc Brazil, làm ít nhất 14 người thiệt mạng và 26 người mất tích. Trên tàu có 70 người và 30 người trong số đó đã được cứu sống.
Các quan chức của bang Para phía bắc nước này cho biết công ty vận hành chiếc tàu không có giấy phép phù hợp.
"Sao Hỏa" ở bang Utah
Với nền màu tím xung quanh và chân trời màu cam, rất dễ lầm tưởng đây là ảnh ghép từ bề mặt sao Hỏa. Nhưng không, đó là khoảnh khắc đặc biệt chớp được lúc bình minh ở Factory Butte, bang Utah, Mỹ. Tác giả bức ảnh, anh Richard Brundage, đã phải canh thức dậy vào khoảng nửa tiếng trước khi Mặt trời mọc để chụp lại. (Richard Brundage/Washington Post)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận