20/05/2022 05:49 GMT+7

TIN THẾ GIỚI 20-5: Quân đội Thụy Điển trong tình trạng báo động

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Theo hãng tin AFP, sau khi Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO, quân đội nước này được đặt trong tình trạng báo động, đề phòng khả năng bị tấn công từ bên ngoài.

TIN THẾ GIỚI 20-5: Quân đội Thụy Điển trong tình trạng báo động - Ảnh 1.

Binh sĩ Thụy Điển trên đảo Gotland tập che giấu xe tăng trong lần tập luyện ngày 17-5 - Ảnh: AFP

* Trên đảo Gotland, hòn đảo chiến lược giữa biển Baltic, lực lượng quân dự bị của Thụy Điển đã được huy động từ nhiều tuần qua và được tập luyện liên tục ngay trước khi chính phủ chính thức đệ đơn.

Bảo vệ hòn đảo chiến lược này là tiểu đoàn Gotland hiện có 800 binh sĩ. Tiểu đoàn này từng được giải tán năm 2005 rồi tái lập năm 2018. Nếu xảy ra chiến tranh, lực lượng này sẽ được nâng lên 4.000 quân.

Do chỉ mới nộp đơn gia nhập NATO cùng Phần Lan nên Thụy Điển chưa được hưởng quy chế bảo vệ của liên minh quân sự khi bị tấn công.

* Theo TTXVN, ngày 20-5, Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) thông báo xuất khẩu của Đức sang Nga tiếp tục giảm mạnh và trong tháng 4 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sang Nga đã giảm trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông báo của Destatis cho biết trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga giảm chỉ còn 900 triệu euro (khoảng 950 triệu USD), giảm 63,1% so với cùng kỳ năm ngoái (vốn đạt 2,3 tỉ euro). Lý do cho việc sụt giảm này là do Matxcơva đang chịu các lệnh trừng phạt về kinh tế và xuất khẩu liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.

* Theo hãng tin Bloomberg, người tiêu dùng Mỹ đang tiêu ít tiền hơn vào hàng hóa mà chi nhiều hơn cho các trải nghiệm - một xu hướng có thể giúp tháo gỡ tình trạng đình trệ nguồn cung, giảm áp lực lạm phát, đồng thời phục hồi ngành du lịch trong mùa hè này.

Một báo cáo của Viện Kinh tế Mastercard cho thấy, lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát làm đình trệ mọi hoạt động đi lại trên toàn cầu, loại hình du lịch giải trí đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi đi du lịch xa dù số ca mắc COVID-19 vẫn tăng và giá về máy bay tăng trung bình 18% trên toàn cầu kể từ đầu năm nay.

Báo cáo nhận định: "Nếu lượng đặt vé máy bay tiếp tục như tốc độ hiện nay, số hành khách đi du lịch bằng đường hàng không trên toàn cầu trong năm 2022 sẽ tăng thêm 1,5 tỉ lượt người so với năm ngoái, trong đó châu Âu ghi nhận mức tăng lớn nhất, khoảng 550 triệu lượt du khách".

Trong tháng 4 vừa qua, số chuyến bay chặng ngắn và vừa đã tăng tương ứng 25% và 27% so với tháng 4/2021. Các chuyến bay đường dài từng giảm 75% so với mức trước đại dịch vào đầu năm nay, đã tăng mạnh trở lại vào cuối tháng 4, chỉ còn giảm 7% so với trước đại dịch.

TIN THẾ GIỚI 20-5: Quân đội Thụy Điển trong tình trạng báo động - Ảnh 2.

Du khách trong nước ở bãi biển Đà Nẵng vào tháng 4-2022 - Ảnh: TẤN LỰC

Liên Hiệp Quốc (LHQ) hối thúc Nga và Ukraine tiếp tục phát triển các kênh liên lạc và hợp tác, vốn đã tạo điều kiện cho các hoạt động sơ tán dân thường và binh sĩ bị thương khỏi Mariupol, nhằm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình đã bị tạm dừng.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, trong phát biểu ngày 19-5, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho biết các chiến dịch sơ tán người dân và sau đó là các binh sĩ ra khỏi nhà máy thép Azovstal tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán rộng lớn hơn để kết thúc cuộc xung đột tại nước này. Ông cho rằng các chiến dịch sơ tán không thể diễn ra nếu không có sự phối hợp của LB Nga và chính quyền Ukraine.

* Theo Đài Al Jazeera, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ quân sự và kinh tế trị giá 40 tỉ USD cho Ukraine và các đồng minh. Ngoài ra, Mỹ cũng công bố lô thiết bị quân sự trị giá 100 triệu USD cho Ukraine, trong đó có 18 lựu pháo và các hệ thống radar chống pháo. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết các thiết bị này sẽ sớm đến tay lực lượng Ukraine.

TIN THẾ GIỚI 20-5: Quân đội Thụy Điển trong tình trạng báo động - Ảnh 3.

Mỹ gửi thêm nhiều thiết bị quân sự cho Ukraine - Ảnh: AP

* Phát biểu trong Hội nghị an ninh lương thực tại Liên Hiệp Quốc ngày 19-5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga dùng lương thực như một vũ khí tại Ukraine. 

Liên Hiệp Quốc cũng đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài nhiều năm.

Trước đó, Hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Mỹ, nói các hành động không khôn ngoan của phương Tây là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

* Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết 5 phó chủ tịch người nước ngoài của Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã đệ đơn từ chức, vì các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) cấm công dân châu Âu hoặc công dân Nga sống tại châu Âu làm việc cho công ty dầu khí này của Nga.

* Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp các lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển tại Nhà Trắng để bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của hai nước này, báo Guardian đưa tin.

Ông Biden cho biết chính quyền của ông đang đệ trình các giấy tờ lên Quốc hội để đẩy nhanh việc phê duyệt một khi các thành viên khác của NATO bật đèn xanh cho hai quốc gia Bắc Âu này.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Helsinki và Stockholm gia nhập vào liên minh quân sự này. Phần Lan và Thụy Điển cần sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên NATO hiện nay để được vào khối quân sự này.

TIN THẾ GIỚI 20-5: Quân đội Thụy Điển trong tình trạng báo động - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) tiếp Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại Nhà Trắng ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS

* Ban cố vấn của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu ủng hộ mũi tiêm tăng cường cho trẻ 5-11 tuổi, ít nhất 5 tháng sau khi trẻ hoàn thành 2 mũi vắc xin COVID-19 ban đầu, theo tạp chí US News. Trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt mũi tăng cường này.

* Ngày 19-5, Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Canada chuẩn bị thông báo lệnh cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei và ZTE (Trung Quốc), tham gia lệnh cấm tương tự với phần còn lại của mạng lưới chia sẻ tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn).

Quyết định nói trên, được nhiều người mong đợi, đã bị Ottawa trì hoãn trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh. Phần còn lại của Five Eyes là Mỹ, Anh, Úc và New Zealand đã cấm thiết bị 5G của Huawei.

* Thêm nhiều quốc gia châu Âu phát hiện các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 19-5, Pháp, Ý, Thụy Điển cùng thông báo ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ, theo Hãng tin Reuters. Đây là những quốc gia mới nhất trong loạt nước châu Âu và Bắc Mỹ phát hiện người nhiễm căn bệnh lưu hành ở nhiều khu vực châu Phi này.

Cùng ngày, thành phố Montreal (Canada) thông báo đang điều tra 17 trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ. Trước đó một ngày, bang Massachusetts (Mỹ) cũng báo cáo một ca mắc căn bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trung tâm này dự kiến vào đầu tuần tới sẽ công bố báo cáo đầu tiên đánh giá nguy cơ. Với việc đang giám sát chặt chẽ tình hình, ECDC khuyến nghị "nên kịp thời thông báo, cách ly và xét nghiệm các ca nghi nhiễm bệnh". Hiện chưa có vắc xin đậu mùa khỉ, song giới chức y tế Anh cho biết vắc xin đậu mùa vẫn có hiệu quả.

TIN THẾ GIỚI 20-5: Quân đội Thụy Điển trong tình trạng báo động - Ảnh 5.

Nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ - Ảnh: AP

* Ngày 19-5, Hội đồng châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về luật lưu trữ khí đốt, theo TTXVN. Luật nhằm đảm bảo lượng khí đốt dự trữ trong EU được lấp đầy trước mùa đông và có thể được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên trên tinh thần đoàn kết.

Theo đó, các kho lưu trữ khí đốt ngầm dưới lòng đất tại các quốc gia thành viên EU phải được lấp đầy ít nhất 80% công suất trước mùa đông năm 2022 và 2023, cũng như 90% trước giai đoạn 2024 và 2025.

EU sẽ cùng nhau nỗ lực để đạt được việc lấp đầy 85% công suất của các kho khí đốt ngầm trong khối vào năm 2022. Nghĩa vụ nạp khí sẽ được giới hạn ở mức 35% lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm của các quốc gia thành viên trong 5 năm qua để tránh tác động không cân đối đối với một số quốc gia thành viên có lượng tích trữ lớn.

Thỏa thuận tạm thời cũng quy định rằng các quốc gia thành viên có thể đáp ứng một phần mục tiêu 90% công suất bằng cách kiểm đếm các kho dự trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc nhiên liệu thay thế.

* Cổ phiếu Mỹ biến động vào cuối ngày 19-5 sau khi các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu do lo ngại tăng trưởng chậm chạp và mua các tài sản an toàn như nợ chính phủ và đồng franc của Thụy Sĩ.

Những khó khăn trong chuỗi cung ứng tiếp tục thúc đẩy lạm phát và lo ngại về tăng trưởng khi Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Cisco Systems Inc (trụ sở tại Mỹ) cảnh báo về tình trạng thiếu linh kiện kéo dài, khiến cổ phiếu của công ty giảm 13,4%.

Trước khi phiên giao dịch ngày 19-5 kết thúc, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 0,2%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,07% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,56%. Chỉ số chứng khoán MSCI trên toàn cầu giảm 0,18%, trong khi tại châu Âu chỉ số STOXX 600 giảm 1,37%.

Giá vàng tăng 1,4% tại thị trường Mỹ, đạt mức 1.841,2 USD/ounce. Giá dầu tại thị trường Mỹ tăng 2,62 USD lên mức 112,21 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 2,93 USD xuống mức 112,04 USD/thùng.

TIN THẾ GIỚI 19-5: Tiểu đoàn Azov chưa đầu hàng hết, Nga phải không kích tiếp TIN THẾ GIỚI 19-5: Tiểu đoàn Azov chưa đầu hàng hết, Nga phải không kích tiếp

TTO - Nga thông báo 771 tay súng Ukraine cố thủ ở nhà máy thép Azovstal đã đầu hàng trong 24 giờ qua nhưng các nhân chứng cho biết cứ điểm này tiếp tục hứng chịu không kích của lực lượng Nga. Nhật viện trợ cho Ukraine thêm 300 triệu USD.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên