Người dân đổ xăng tại cây xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM: Một doanh nghiệp xăng dầu xin trả giấy phép
Sở Công Thương TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Công Thương về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Theo đó, TP kiến nghị hai vấn đề chính, đó là điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ điều hành, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết, và tính mức chiết khấu phù hợp và tính đầy đủ các chi phí trong cơ cấu giá bán xăng dầu.
Theo đại diện Sở Công Thương TP, trong số 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP, thời gian qua chỉ ghi nhận 5-6 cửa hàng xin tạm ngưng trong thời gian sửa chữa, súc bồn, kiểm tra hệ thống PCCC chứ chưa có trường hợp xin tạm ngưng kinh doanh.
Với các trường hợp này, Sở Công Thương đã xác minh, kiểm tra các hạng mục sửa chữa và xem xét lại thời gian ngưng dưới 30 ngày (quy định tạm ngưng tối đa 30 ngày - PV), có những trường hợp chỉ chấp thuận ngưng từ 15-20 ngày.
Ngoài ra, sở cũng vừa tiếp nhận đơn của Công ty TNHH Petro Ramco xin trả giấy phép phân phối cho Bộ Công Thương, hiện doanh nghiệp này có một cây xăng tại TP.HCM và Sở Công Thương sẽ xác minh.
Nhiều đề xuất mới về điều kiện thành lập và hoạt động trường đại học
Trường đại học phải có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu 5ha mới được phép hoạt động đào tạo. Đây là đề xuất tại dự thảo nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thay thế nghị định số 46/2017/NĐ-CP và nghị định số 135/2018/NĐ-CP.
Về đình chỉ hoạt động đào tạo của trường đại học, phân hiệu của trường đại học, so với quy định hiện hành, dự thảo nghị định đã bổ sung thêm 2 trường hợp bị đình chỉ hoạt động như sau: "Không công khai các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực đào tạo sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo;" và "Không triển khai hoạt động đào tạo sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành giáo dục mầm non", để nâng cao trách nhiệm của trường đại học trong bảo đảm chất lượng đào tạo.
Về sáp nhập, chia, tách trường đại học; giải thể trường đại học, phân hiệu của trường đại học, dự thảo nghị định cơ bản giữ nguyên quy định hiện hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
TP.HCM tính phương án giải quyết ùn tắc giờ cao điểm
Kẹt xe ở khu vực cầu Chữ Y sau mưa lớn - Ảnh: THÀNH HUY
Dự kiến tuần này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ họp với Ban An toàn giao thông TP về công tác tổ chức giao thông và điều phối giao thông giờ cao điểm.
Hiện nay với dân số hơn 10 triệu dân, áp lực giao thông tại TP.HCM đang rất lớn. Vào khung giờ cao điểm, nhiều tuyến đường bị ùn ứ gây ách tắc giao thông. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các nghiên cứu chỉ ra rằng TP thiệt hại lên đến khoảng 6 tỉ USD mỗi năm do ùn tắc giao thông.
Mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao giám đốc Sở Giao thông vận tải TP hướng dẫn thực hiện việc đánh giá tác động giao thông đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng kết nối vào hệ thống giao thông đường bộ ở TP. Động thái này được xem là một kiểu báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường.
Theo đó, các dự án chung cư, khu nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng tiệc cưới... trước khi triển khai phải đánh giá tác động giao thông. Nếu việc đánh giá không đạt thì dự án không đủ điều kiện triển khai để tránh gây ảnh hưởng giao thông sau này.
Không xét nghiệm tràn lan vi rút adeno ở trẻ em
Ảnh minh họa: TTXVN
Việc xét nghiệm vi rút adeno phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tùy theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm.
Thông tin này được các chuyên gia nhấn mạnh tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc vi rút adeno diễn ra chiều 3-10 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh do vi rút adeno là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên vi rút này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ… và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các chất khử khuẩn bề mặt cao so với các loại vi rút khác như SARS-CoV-2.
Những ngày qua, dịch do vi rút adeno tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca mắc có xu hướng tăng nhanh từ giữa tháng 9 đến nay. Chỉ trong 3 tuần, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận gần 2.900 trẻ mắc vi rút Adeno, chủ yếu từ 1-3 tuổi...
Trên cơ sở khám và điều trị cho hơn 2.500 ca, PGS.TS Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương - đề xuất cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm, không cần xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí.
TS Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng hội đồng chuyên môn sẽ xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút adeno cho trẻ em, trong đó sẽ có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết...
TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 tự sản xuất được 20.000 tấn gạo
Theo kế hoạch triển khai chương trình hành động về bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 vừa ban hành, TP sẽ giữ ổn định đất canh tác lúa 1.000ha đến năm 2025.
TP đặt mục tiêu đến năm 2025 có thể sản xuất tại chỗ gần 20.000 tấn gạo, 580.000 tấn rau, hơn 46.000 tấn thịt heo, 2.000 tấn thịt gia cầm. Thu nhập bình quân hộ nông thôn đạt 100 triệu đồng/người/năm.
TP cũng đề ra nhiệm vụ tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực thực phẩm theo hướng sản xuất tập trung. Trong lưu thông, xuất nhập khẩu lương thực, TP sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết với các tỉnh trong sản xuất, chế biến nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng.
Đồng thời quan tâm khai thác thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các mặt hàng thủy sản và rau quả.
Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh viện Da liễu TP.HCM thiết lập khu vực cách ly, sàng lọc cho bệnh nhân có yếu tố nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: THU HIẾN
Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Đó là bệnh nhân nữ, 35 tuổi, thường trú tại TP.HCM, khởi phát bệnh ngày 18-9 khi đang du lịch tại Dubai.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi) cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận