Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Như vậy, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 136 ca COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2) và Bình Dương (1).
Theo Sở Y tế TP.HCM, giống như các biến thể khác đang được lưu hành, vắc xin là giải pháp bảo vệ tốt nhất chống lại diễn tiến nặng của bệnh và giảm tử vong do Omicron gây ra.
Cho đến nay, tỉ lệ nhập viện và tử vong do Omicron gây ra tương đối thấp là do đã có nhiều người được tiêm chủng. Tiêm chủng thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus, không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể hiện đang lưu hành mà còn có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh nặng do các đột biến trong tương lai của COVID-19.
Nếu đã từng mắc COVID-19 trước đó thì vẫn nên tiêm vắc xin, vì thực tế cho thấy vẫn có khả năng tái nhiễm Omicron, vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng, nguy cơ truyền virus cho người khác hoặc nguy cơ mắc COVID kéo dài.
Tiêm đủ liều vắc xin, cho dù đã bị nhiễm COVID-19 hay chưa là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với Omicron để không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đã phân bổ 450.000 liều Molnupiravir, tiêm trên 175 triệu mũi vắc xin
Tính đến nay, tổng số liều vắc xin cả nước đã được tiêm là hơn 175 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 78 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 73 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là hơn 23 triệu liều.
Bộ Y tế cũng cho biết đến nay đã phân bổ 450.000 liều Molnupiravir cho 53 tỉnh thành điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa, hiệu quả điều trị đến nay là khả quan.
Tổ tiêm lưu động thuộc phường 9, quận 5, TP.HCM đến tận nhà tiêm cho người yếu thế, người cao tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Số mắc và số tử vong do COVID-19 đều giảm
Số liệu của Bộ Y tế cho biết ngày 23-1 ghi nhận 14.978 ca COVID-19 mới và 123 ca tử vong là số mắc và số tử vong trong ngày thấp nhất trong 1 tháng vừa qua. Đặc biệt tại TP.HCM ngày 23-1 chỉ ghi nhận 6 ca tử vong (trong đó có 2 ca chuyển viện từ tỉnh thành khác đến).
Theo Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, so với trung bình 7 ngày trước, số ca mới ngày 23-1 giảm 24,1%, số tử vong giảm 8,8%, số đang điều trị giảm 208,5%, số ca nặng giảm 16,2%.
So sánh tuần này với tuần trước, Tiểu ban điều trị cho biết số mắc mới giảm 5,4%, số tử vong giảm 16,7%, số khỏi bệnh giảm 12,1%, số ca nặng, nguy kịch giảm 12,3%...
Tuy số ca tử vong đã giảm nhưng vì sao nhiều tỉnh thành Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ có số ca mắc mới thấp nhưng số tử vong hằng ngày vẫn còn khá cao so với số mắc?
Theo Bộ Y tế, các tỉnh thành Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ hiện số mắc xuống thấp nhưng vẫn còn tích lũy một số lượng bệnh nhân nặng đã vào điều trị từ trước đây, nên hiện số ca nặng vẫn khá cao.
Hiện địa phương có nhiều ca nặng nhất vẫn là TP.HCM, kế đến là Hà Nội, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre.
F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không cách ly người dân về quê đón Tết
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân về quê phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, gồm 5K và tự theo dõi sức khỏe,… nhất là việc "không cách ly y tế" đối với người dân.
Trong trường hợp có biểu hiện mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì phải hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử lý theo quy định.
Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa.
Một số khu vực ở Giảng Võ - Hà Nội bị cách ly vì phát hiện ca COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành
- Hà Nội ngày 23-1 thông tin trong 24 giờ ghi nhận 2.971 ca COVID-19 mới, trong đó có 830 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (105), Chương Mỹ (101), Gia Lâm (91); Bắc Từ Liêm (87), Đống Đa (82). Từ 29-4-2021 đến nay Hà Nội ghi nhận 111.777 ca, với 452 người tử vong.
Tính đến hết ngày 22-1, thành phố có 67.833 F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (138), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội (3.445).
- Từ 0h ngày 23-1, người đến/về tỉnh Lào Cai từ vùng có nguy cơ cao và rất cao (vùng cam, vùng đỏ) đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều cách ly tại nhà 7 ngày (lấy mẫu xét nghiệm nhanh 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7).
Lào Cai sẽ chuyển đổi công năng khu cách ly tập trung của huyện, thị xã, thành phố thành cơ sở thu dung điều trị đối với các trường hợp mắc COVID-19 nhẹ không có triệu chứng.
- Sáng 23-1, Nghệ An cho biết từ 18h ngày 22-1 đến 18h ngày 23-1 ghi nhận 221 ca COVID-19 mới. Trong đó, có đến 157 ca cộng đồng, từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 11.850 ca COVID-19, điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 9.601 ca. Số người hiện đang điều trị: 2.210.
- Quảng Bình từ 6h ngày 22-1 đến 6h ngày 23-1 ghi nhận thêm 69 ca COVID-19, trong đó có 51 ca cộng đồng; trong ngày có 31 ca xuất viện. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 5.534 ca; tổng số ca khỏi là 4.479; toàn tỉnh hiện có 631 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà; 399 ca đang điều trị tại bệnh viện; 7 người tử vong.
Hiện 97,83% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 92,57%; Tỉ lệ tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 93,67%; tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi là 75,23%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận