21/01/2022 07:45 GMT+7

Tin sáng 21-1: Hơn 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh trong quá trình chống dịch

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN

TTO - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong quá trình chống dịch 2 năm qua, đã có trên 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh khi chống dịch.

Tin sáng 21-1: Hơn 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh trong quá trình chống dịch - Ảnh 1.

Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Long, cùng thời điểm này năm 2021 dịch bùng phát tại Hải Dương và một số tỉnh thành phía Bắc, nhiều cán bộ y tế đã phải ăn Tết xa nhà, ngành y tế đã điều động nhiều chuyên gia về điều trị, xét nghiệm, truy vết... hỗ trợ tại các tỉnh có dịch.

Cao điểm là đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27-4-2021, ngành y tế đã điều động trên 20.000 y bác sĩ từ khắp các tỉnh thành hỗ trợ cho khu vực phía Nam, thành lập 11 trung tâm hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19, góp phần giảm số ca mắc, ca tử vong tại khu vực này.

Hiện số mắc COVID-19 mới mỗi ngày tại TP.HCM chỉ còn trên 200 ca, giảm nhiều chục lần so với thời gian cao điểm, số ca tử vong hằng ngày đã giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 10 ca/ngày. Các tỉnh thành Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ cũng đã và đang chuyển lại thành "vùng xanh", vùng an toàn.

Ông Long cũng cho biết năm 2022 dịch COVID-19 được nhận định là chưa kiểm soát được hoàn toàn, thời điểm này mỗi ngày vẫn có trên 15.000 ca COVID-19 và trên dưới 150 ca tử vong.

Trong số này có nhiều ca cộng đồng, đã ghi nhận ca Omicron cộng đồng, trong khi chủng này được nhận định là có tốc độ lây nhiễm gấp 7 lần so với nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần ở nhóm đã tiêm chủng đầy đủ.

"Nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu của ngành y tế năm 2022 là tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng chống dịch COVID-19, góp phần hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội" - ông Long nói.

Tin sáng 21-1: Hơn 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh trong quá trình chống dịch - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM: Hàng trăm sinh viên y khoa tình nguyện chống dịch xuyên Tết

Hàng trăm sinh viên của Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tham gia chống dịch tại các trạm y tế lưu động quận, huyện và TP Thủ Đức từ ngày 20-1 đến 13-2.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - hiệu trưởng nhà trường - cho biết năm 2021 cũng đã có hơn 2.600 sinh viên, giảng viên của trường tình nguyện chống dịch ở các đơn vị.

Trường cũng triển khai nhiều mô hình giải pháp chống dịch hiệu quả ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tin sáng 21-1: Hơn 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh trong quá trình chống dịch - Ảnh 3.

Tình nguyện viên nhập thông tin người tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

TP.HCM đã ghi nhận 68 ca Omicron, có F1 của bệnh nhân Omicron chuyển F0

Theo Sở Y tế TP.HCM, TP.HCM đã ghi nhận 68 ca mắc biến chủng Omicron, trong đó 65 ca là người nhập cảnh, 3 ca cộng đồng.

3 ca Omicron cộng đồng có liên quan một phụ nữ nhập cảnh từ Mỹ. Người này tới Nha Trang ngày 7-1, cách ly tập trung 3 ngày. Ngày 9-1 xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính. Đến ngày 10-1, bà bay vào TP.HCM và có tụ tập bạn bè ăn uống tại một nhà hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Theo quy định của Bộ Y tế, người từ nước ngoài về dù đã tiêm đủ vắc xin, cách ly tập trung 3 ngày và có xét nghiệm PCR âm tính tại Nha Trang, khi đến TP.HCM vẫn phải theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, thực hiện đầy đủ 5K; tuy nhiên người này vẫn đến nơi đông người và tụ tập bạn bè.

Hiện ca nhập cảnh này đã được lấy mẫu xét nghiệm và giải trình tự gene, trong vòng 3-4 ngày sẽ có kết quả.

Liên quan chùm ca bệnh này, đến nay TP đã truy vết được 11 F1, trong đó phát hiện thêm 3 ca dương tính. Những người này đã được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12, lấy mẫu giải trình tự gene.

Lãnh đạo Q.Gò Vấp cho biết ca Omicron cộng đồng cư ngụ tại Gò Vấp nhưng 10 ngày trước đó ở quận Bình Thạnh nên không tiếp xúc với ai ở quận Gò Vấp.

Tuy nhiên, quận cũng đã triển khai lực lượng theo dõi dấu hiệu dịch của các gia đình xung quanh để phòng ngừa.

Tin sáng 21-1: Hơn 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh trong quá trình chống dịch - Ảnh 4.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

COVID-19 làm giảm 76,7-95,9% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về xây dựng lộ trình đón khách du lịch quốc tế trở lại cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, trong đó ngành du lịch chịu tổn thất nghiêm trọng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 76,7% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 95,9% so với năm 2020.

Qua đó tác động đến các lĩnh vực liên quan trong chuỗi giá trị như vận tải, ăn uống, khách sạn, lữ hành, bán lẻ, thương mại, nhất là tại các điểm du lịch và hầu hết các địa phương trọng điểm du lịch của cả nước.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8-12-2021.

Đồng thời đẩy mạnh thông tin, truyền thông về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch và thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn", xây dựng lộ trình cụ thể và thông báo công khai để các chủ thể có liên quan biết, chủ động thực hiện.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Tin sáng 21-1: Hơn 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh trong quá trình chống dịch - Ảnh 5.

Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội ngày 20-1 cho biết 24 giờ qua ghi nhận 2.886 ca COVID-19, trong đó có 516 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (126); Đống Đa (103); Nam Từ Liêm (106); Gia Lâm (137), Thanh Trì (93).

Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 103.056 ca. Trung bình từ ngày 13 đến 20-1, Hà Nội ghi nhận hơn 2.900 ca COVID-19/ngày. Trong tháp điều trị 3 tầng ở Hà Nội, hiện hơn 95% bệnh nhân điều trị ở tầng 1; hơn 3,6% điều trị tầng 2 và hơn 1% điều trị ở tầng 3 (gần 650 F0, riêng 2 bệnh viện trung ương có hơn 360 ca).

- Tính từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn Nghệ An đã ghi nhận 10.909 ca COVID-19 ở 21/21 huyện, thành phố, thị xã. Số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 9.147 bệnh nhân. Hiện, đang điều trị: 1.724 bệnh nhân (tuyến huyện: 1.257; tại nhà 34 người)

Số người tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 cơ bản: 1.979.520 (đạt tỉ lệ 101,0%). Số người tiêm ít nhất 1 mũi: 1.982.308 (đạt tỉ lệ 101,1%). Số người tiêm mũi bổ sung/mũi nhắc lại: 525.078 người (đạt tỉ lệ 26,5%).

- Cà Mau vừa điều chỉnh quy định chống dịch. Đối với nhà hàng, quán ăn, uống ở nơi thuộc cấp độ dịch cấp 1 hoạt động bình thường. Với cấp độ 2, chỉ được mỗi bàn ăn, uống không quá 4 khách. Nếu thuộc cấp độ 3 và 4 thì chỉ được phép bán mang về.

Số ca COVID-19 ghi nhận trong ngày của Cà Mau liên tục giảm dưới mức 1.000 ca từ thời điểm đầu năm 2022 đến nay. Riêng ngày 19-1, tỉnh ghi nhận 379 ca COVID-19; lũy kế số ca mắc COVID-19 tại tỉnh là hơn 48.230 ca, trong đó có hơn 42.190 ca điều trị khỏi bệnh, 257 ca tử vong và có gần 6.000 ca đang được chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế và tại nhà.

CDC Mỹ: Tiêm vắc xin và F0 hết bệnh, bên nào chống COVID-19 tốt hơn? CDC Mỹ: Tiêm vắc xin và F0 hết bệnh, bên nào chống COVID-19 tốt hơn?

TTO - Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố nghiên cứu cho thấy trong đợt dịch do biến thể Delta thống trị, tiêm chủng và từng mắc bệnh đều giúp bảo vệ trước COVID-19, song tiêm chủng là cách an toàn nhất.

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên