Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Theo dự thảo, trong trường hợp Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí, giá xét nghiệm COVID-19 test nhanh bao gồm chi phí trực tiếp, sinh phẩm xét nghiệm và chi phí tiền lương, mức thanh toán tối đa không quá 80.600 đồng/xét nghiệm.
Với dịch vụ xét nghiệm bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp, sinh phẩm xét nghiệm và chi phí tiền lương theo quy định, mức thanh toán tối đa không quá 180.100 đồng/xét nghiệm.
Với xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime PCR, trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương theo quy định cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, mức thanh toán tối đa không quá 496.400 đồng/xét nghiệm.
Trường hợp gộp mẫu: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, trong đó sinh phẩm xét nghiệm được chia đều theo số mẫu gộp.
Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu. Cụ thể nếu gộp 2 que giá dịch vụ không quá 220.100 đồng/xét nghiệm; nếu gộp 3 que không quá 173.600 đồng/xét nghiệm; gộp 4 que không quá 150.300 đồng/xét nghiệm; gộp 5 que không quá 136.400 đồng/xét nghiệm. Nếu gộp 6-10 que, giá còn tiếp tục giảm.
Mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế: Bộ Y tế dự kiến đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì việc xác định mức giá thực hiện theo thông tư 16/2021/TT-BYT, bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm) do cấp có thẩm quyền của địa phương quy định, nhưng không vượt mức giá tối đa khung giá dịch vụ xét nghiệm trong thông tư này.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các bộ, cơ quan trung ương và các cơ sở y tế công lập sẽ áp dụng mức giá dự kiến như Quỹ bảo hiểm y tế chi trả kể trên.
Như vậy mức giá dự kiến sẽ giảm tiếp khoảng 5-20% so với hiện hành, do hiện hành mức trần giá xét nghiệm nhanh không quá 109.700 đồng/xét nghiệm, giá xét nghiệm bằng PCR không quá 518.400 đồng/xét nghiệm.
Tuy nhiên so với mức giá áp dụng trước 10-11-2021, mức giá đang dự thảo là thấp hơn nhiều, xét nghiệm nhanh chỉ bằng 40% giá trước 10-11-2021, xét nghiệm PCR mẫu đơn giảm khoảng 40% so với giá cũ.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hà Nội xây dựng lộ trình cho trẻ mầm non đi học từ 1-3
Chiều 17-2, tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, coi việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp là nhiệm vụ quan trọng, chủ động phối hợp với các nhà trường triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tổ chức dạy học an toàn.
Để duy trì lâu dài việc tổ chức dạy học trực tiếp, thành phố yêu cầu đơn vị, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các nhà trường, đảm bảo cho học sinh từng bước quay trở lại học bán trú.
Thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 1-3; nghiên cứu xây dựng lộ trình để học sinh tiểu học được trở lại trường học với các sinh hoạt bình thường, trong đó có ăn bán trú; nguyên tắc là phải "đảm bảo an toàn nhất mới cho trẻ mầm non đến trường, đưa học sinh trở lại an toàn, hiệu quả nhưng không cứng nhắc, không cực đoan".
Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội đang xây dựng dự thảo xin ý kiến thành phố từ ngày 1-3, nếu diễn biến dịch trong phạm vi cho phép, sẽ cho cấp mầm non đi học trên tinh thần tự nguyện, thống nhất với phụ huynh.
Cũng trong tháng 3, tất cả các trường sẽ cho sinh viên quay trở lại trường, đã có kế hoạch phối hợp với Sở Y tế Hà Nội rà soát, tổ chức tiêm vắc xin cho sinh viên.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đà Nẵng: nhiều ca bệnh chuyển nặng nhất
Theo thống kê của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, hiện Đà Nẵng đang có nhiều ca COVID-19 chuyển nặng nhất, với 244 ca đang điều trị, kế đó là TP.HCM với 197 ca, Nghệ An 186 ca, Hải Phòng 169 ca, Bình Định 92 ca...
Hiện tại đang có 324.530 F0 đang được theo dõi, điều trị, trong đó có 72.299 ca đang điều trị tại các bệnh viện. Số ca nặng hiện đã tăng lên trên 3.000 ca, tăng so với những ngày trước đây.
So với trung bình 7 ngày trước, số mắc mới ngày 17-2 tăng 15,4%. So sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới tăng hơn gấp đôi, số ca nặng, nguy kịch tăng 0,2%.
Ngày 17-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, số liệu báo cáo cho thấy tình hình dịch diễn biến phức tạp. Hiện Đà Nẵng còn trên 2.000 người dân (trên 18 tuổi) chưa được tiêm vắc xin, với nhiều lý do khác nhau.
Bà Ngô Thị Kim Yến đề nghị, ngành y tế cần tổ chức tiêm vắc xin cho những người chưa được tiêm. Cùng với đó, Sở Tư pháp tham mưu biện pháp với những người không đồng ý tiêm (với lý do không phù hợp) và phải chịu trách nhiệm khi mắc bệnh.
Tính từ 13h ngày 16-2 đến 13h ngày 17-2, Đà Nẵng ghi nhận 705 ca COVID-19, trong đó 583 ca chưa cách ly. Hiện Đà Nẵng không có địa phương nào ở cấp độ 4; người trên 18 tuổi tiêm mũi 3 chiếm 40%.
Test nhanh COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Ngày 17-2 là ngày thứ 3 liên tiếp Hà Nội ghi nhận gần 3.900 F0 trong một ngày, ghi nhận 19 ca tử vong, tăng 4 ca so với ngày trước đó. Số ca phải nhập viện có mức độ trung bình tăng 30%. Đến nay ghi nhận ở thủ đô lên gần 187.000 ca COVID-19. 72 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận từ tháng 4-2021 đến nay, ở mức 0,46% tổng ca mắc. So với con số 1,5% của cả nước, đây là tỉ lệ thấp.
Tới hết ngày 16-2, hiện toàn thành phố có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng; hơn 3% còn lại (hơn 4.000 ca) phải nhập viện điều trị. Trong số này có hơn 3.700 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trong số các bệnh nhân nhập viện ở Hà Nội, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch (tăng gần 15%); 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...
Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN
- Thanh Hóa dự kiến sẽ kích hoạt, khởi động trở lại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 2 tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh để có thể tiếp nhận, điều trị bệnh nhân thuộc tầng 3 và tầng 4, khi số bệnh nhân đang có chiều hướng tăng cao và Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 quá tải.
Từ sau Tết đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, với số ca nhiễm mới tăng cao. Riêng trong các ngày 6 đến 17-2, ghi nhận 9.256 người mắc. Thanh Hóa hiện có 47 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Đến hết ngày 16-2, Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa điều trị cho 358 bệnh nhân, trong đó có 48 bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch.
- Từ 6h ngày 16-2 đến 6h ngày 17-2, Quảng Bình ghi nhận thêm 588 ca COVID-19, trong đó có tới 452 ca cộng đồng, 136 ca trong khu cách ly. Thành phố Đồng Hới ghi nhận số ca trong cộng đồng cao nhất, với 119 ca. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 12.617 ca; tổng số ca khỏi là 8.352; số đang điều trị tại bệnh viện là 385 ca; số ca điều trị tại nhà là 3.644; có 16 người tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận