14/10/2022 06:35 GMT+7

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - 1.069 ca COVID-19 mới, 40 ca phải thở oxy; Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục nhưng vẫn lo về giá; Tiếp tục phân bổ hơn 18.584 tỉ đồng cho vạy, cấp bù lãi suất 2%/năm, hỗ trợ du lịch… là một số tin tức trong nước đáng chú ý hôm nay.

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 1.

Giá cả hàng hóa ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt - Ảnh: NHƯ BÌNH

Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo lạm phát của Việt Nam xuống còn 3,3%

Ngân hàng Standard Chartered vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023 sau khi mức tăng trưởng trong quý 3 đạt 13,7%. Tăng trưởng GDP của quý 4 năm nay dự kiến sẽ đạt 4%.

Standard Chartered cũng dự báo lạm phát của quý 4 sẽ tăng lên 5% và hạ dự báo lạm phát cả năm từ 4,2% xuống 3,3%. 

Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát, áp lực giá cả dự kiến sẽ mạnh lên trong những tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023. Bên cạnh các yếu tố từ phía nguồn cung, áp lực từ phía nguồn cầu cũng ngày càng gia tăng.

"Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tăng dần trong năm sau và đạt 6% vào cuối năm, mức lạm phát trung bình của cả năm 2023 sẽ đạt 5,5%. Lạm phát là một mối đe dọa đối với quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam", ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered - chia sẻ.

Các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và thực hiện nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 2 lần, mỗi lần 50 điểm cơ bản vào quý 4 năm 2022 và quý 1 năm 2023, đưa mức lãi suất tái cấp vốn lên 6%, sau khi đã nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản lên 5% vào ngày 22-9 vừa qua.

Gói phục hồi kinh tế - xã hội giải ngân được 61.000 tỉ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Quốc hội báo cáo cập nhật tiến độ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo cho biết tới ngày 28-9, gói phục hồi kinh tế - xã hội giải ngân được 61.000 tỉ đồng.

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 2.

Nhà ở xã hội tại Đặng Xá - Ảnh: Đ.T.

Cụ thể về các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 28-9 đã giải ngân thực hiện 5/5 chương trình tín dụng, đạt 10.552/19.000 tỉ đồng kế hoạch năm 2022.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến ngày 23-9, các địa phương đã giải ngân khoảng 3.545 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động.

Về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đến cuối tháng 8-2022, các ngân hàng thương mại đã giải ngân hỗ trợ lãi suất khoảng 13,5 tỉ đồng (tương đương gần 0,04%, tổng gói 40.000 tỉ đồng).

Về các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến ngày 28-9 đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 39.422 tỉ đồng.

Gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 97.895 tỉ đồng, chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.

Tiếp tục phân bổ hơn 18.584 tỉ đồng cho vay

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành quyết định của Thủ tướng về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các bộ ngành và địa phương, trong đó điều chỉnh giảm 2.925,7 tỉ đồng của 4 bộ, cơ quan và 2 địa phương để bổ sung vốn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.

Giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương với 424,2 tỉ đồng của 3 bộ và 3 địa phương để bổ sung 209,9 tỉ đồng cho 6 địa phương; bổ sung 214,4 tỉ đồng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bổ sung vốn.

Nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng được phân bổ, cụ thể: sử dụng 18.584,9 tỉ đồng thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua ngân hàng thương mại, cho vay, cấp bù lãi suất, chi phí quản lý để thực hiện cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch.

Bổ sung 18.613,4 tỉ đồng cho 9 bộ, cơ quan trung ương và 36 địa phương thực hiện các nhiệm vụ, đề án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Sáng nay, sự kiện thúc đẩy công trình xanh diễn ra ở TP.HCM

Ngày 14-10, Bộ Xây dựng tổ chức chương trình "Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022" tại TP.HCM. Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của các đơn vị, doanh nghiệp, các bên liên quan trong việc phát triển các công trình xanh, hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 3.

Hàng loạt chung cư được xây dựng dọc xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trung bình đạt khoảng 9%/năm, tỉ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, tuy nhiên số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động trong thời gian qua.

Sự kiện có sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế… Tại sự kiện, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, báo cáo viên sẽ đi sâu bàn luận, trao đổi kinh nghiệm quy hoạch, phát triển công trình xanh và xây dựng đô thị bền vững, hướng tới hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26.

Sản xuất công nghiệp của TP.HCM thoát đáy suy giảm

Ngành công nghiệp của TP.HCM đang phục hồi tốt sau đại dịch và thoát đáy suy giảm. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 9 ước tăng 1% so với tháng trước và tăng 89,6% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 9 tháng, chỉ số này ước tăng 19,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 12,9%), trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 24,4%.

Thống kê cho thấy nhiều ngành đạt chỉ số IIP 9 tháng tăng khá nhanh đã tạo đà cho chiến lược tăng tốc sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm. 

Trong đó, sản xuất đồ uống tăng 62,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa tăng 59,9%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 51,0%; dệt tăng 38,2%; sản xuất trang phục tăng 32,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 32%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 25,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 22,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 16,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,5%...

Giá heo ở mức thấp, nhiều người nuôi thua lỗ

Thông tin từ nhiều trại nuôi phía Nam, giá heo hơi bán ra tại chuồng hiện ở mức 53.500 - 61.000 đồng/kg tùy loại, giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg so với hơn 10 ngày trước đó, và đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. 

Như vậy, sau thời điểm lên đỉnh với 74.000 đồng/kg vào tháng 7 và 8-2022, giá heo hơi quay đầu giảm liên tục đến nay, và mức giá dưới 60.000 đồng/kg đã duy trì trong thời gian dài.

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 4.

Giá thịt heo mảnh bán ra tại chợ đầu mối Hóc Môn đang ở mức thấp - Ảnh: N.TRÍ

Heo hơi giảm giá kéo theo giá thịt heo bán ra tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) đang ở mức thấp so với các tháng trước đó với thịt heo mảnh (đã mổ, không đầu) bình quân 62.000 đồng/kg loại 2 và 68.000 đồng/kg loại 1; thịt heo pha lóc như đùi rọ và cốt lết 65.000 đồng/kg, giò trước 60.000 đồng/kg, nạc dăm 90.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg...

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi trên đang khiến hầu hết người nuôi bị thua lỗ do đã dưới giá thành sản xuất 2.000 - 7.000 đồng/kg.

"Giá heo có thể sẽ tăng lại trong thời gian tới nhưng khả năng mức tăng không đáng kể do nguồn cung heo tại các công ty chăn nuôi vẫn ổn định, trong khi nhu cầu thị trường chưa hoàn toàn hồi phục như trước dịch COVID-19", vị này nhận định.

Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục nhưng vẫn lo về giá

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,3 triệu tấn với giá trị thu về 3,06 tỉ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng tới 37% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã đạt xấp xỉ 3,07 tỉ USD của cả năm 2021 và vượt xa năm 2019-2020. 

Đây được xem là mức cao nhất trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức bình quân 2.283 USD/tấn. Ngành cà phê đặt kỳ vọng mang về 4 tỉ USD từ xuất khẩu trong năm nay, vượt kỷ lục cũ là 3,7 tỉ USD của năm 2012.

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 5.

Nhà vườn trong nước đang bước vào vụ thu hoạch cà phê - Ảnh: N.TRÍ

Theo đại diện Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam, xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ nhu cầu phục hồi sau dịch COVID-19 và nguồn cung cà phê trên thế giới sụt giảm, đặc biệt ở quốc gia có nguồn cung lớn nhất thế giới là Brazil.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia có thể khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này giảm, tác động đến giá trong thời gian tới. Thực tế, với mức 45.500 - 47.000 đồng/kg, giá cà phê nhân trong nước đang cao hơn khá nhiều so với các năm trước, nhưng mức này đã giảm 5.000 đồng so với mức đỉnh của tháng 9.

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ hạn chế xe giường nằm vào nội đô 

Ban an toàn giao thông TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hạn chế xe khách giường nằm đi vào khu vực nội đô TP để hạn chế ùn tắc giao thông. 

Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền các tình huống tai nạn giao thông, đặc biệt là “điểm mù” của xe tải, xe khách để giảm thiểu tai nạn giao thông. 

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 6.

Xe giường nằm chạy vào nội đô TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất phương án từ năm 2022-2025 sẽ hạn chế xe khách giường nằm vào trung tâm, thời gian hạn chế từ 6h-22h hằng ngày. 

Cùng với đó, Ban an toàn giao thông TP cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị cần chủ động tăng cường công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, huy động các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, Đoàn thanh niên tham gia điều phối giao thông giờ cao điểm. 

Ban an toàn giao thông các quận, huyện, TP Thủ Đức cần có kế hoạch cao điểm. Các biện pháp này nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM trong 3 tháng cuối năm, nhất là thời gian cận Tết.

1.069 ca COVID-19  mới, 40 ca phải thở oxy

Ngày 12-10 ghi nhận 1.069 ca nhiễm mới. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.490.951 ca nhiễm. 

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 7.

Các y bác sĩ tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 12-10: 411 ca, tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 10.597.953 ca.

Số bệnh nhân đang thở oxy là 43 ca. Ngày 12-10 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.155 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Ngày 12-10, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 260.261.463 liều.

Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 8.
Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 9.
Tin sáng 14-10: Công nghiệp TP.HCM thoát đáy suy giảm; Sẽ hạn chế xe giường nằm vào nội đô - Ảnh 10.
Tin sáng 13-10: Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc biến thể BA.5.1.7; Giá heo xuống thấp, người nuôi lỗ Tin sáng 13-10: Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc biến thể BA.5.1.7; Giá heo xuống thấp, người nuôi lỗ

TTO - Phó thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu hoạt động; Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc biến thể BA.5.1.7 có ở Trung Quốc; Giá heo xuống thấp, người nuôi thua lỗ... là những tin đáng chú ý.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên