05/06/2012 09:55 GMT+7

Tín nhiệm và bất tín nhiệm

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội quy định bỏ phiếu tín nhiệm là quyền của Quốc hội và quyền của đại biểu Quốc hội, nhưng Quốc hội chưa bao giờ thực hiện quyền này mặc dù đã có những đại biểu Quốc hội mong muốn và kiến nghị thực hiện nó.

Thượng phương bảo kiếm chỉ rút ra khi cần?

Theo quy định của pháp luật hiện hành ở nước ta cũng như thông lệ quốc tế, bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm, chỉ được tiến hành khi một người giữ chức danh nào đó do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có vấn đề, bị đại biểu Quốc hội cho rằng không còn xứng đáng tại vị nữa. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nghị viện nhiều nước trên thế giới là hoạt động bình thường, có những cuộc bỏ phiếu ở nghị viện khiến toàn bộ nội các phải từ chức hoặc bị giải tán. Thậm chí, ở những nơi có văn hóa từ chức thì quan chức nội các không cần đợi đến khi quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà họ thường từ chức khi dính bê bối và chỉ số tín nhiệm giảm.

Sở dĩ việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa từng được Quốc hội nước ta thực hiện là do quy trình, thủ tục đặt ra đã làm cho pháp luật mất hiệu lực. Ví dụ, nói bỏ phiếu tín nhiệm là quyền của Quốc hội và đại biểu Quốc hội nhưng lại quy định chỉ khi có 20% tổng số đại biểu Quốc hội (100 đại biểu) cùng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một vị nào đó mới đem ra thực hiện thì không bao giờ có thể đạt được.

Như vậy, vấn đề là chúng ta có muốn làm và có làm thật hay không? Điều này phụ thuộc vào suy nghĩ và quyết tâm của các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Là một đại biểu Quốc hội từng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một vị bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo nhưng không được thực hiện, nay tôi đặt niềm tin vào quyết tâm của Quốc hội đã đưa ra bàn và thực hiện bằng được việc này theo tinh thần nghị quyết trung ương 4. Một khi đã có quyết tâm thì những rào cản quy trình, thủ tục sẽ được dỡ bỏ dễ dàng.

Trên thực tế, việc bỏ phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ là một trong các hình thức giám sát nhưng là hình thức có hiệu quả cao, bởi vì những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn nếu muốn giữ “ghế” của mình thì phải tận tâm, tận tụy làm việc, thực hiện nghiêm túc lời hứa trước Quốc hội cũng như không dám để xảy ra bê bối trong công việc hoặc đạo đức cá nhân, gia đình.

Việc lấy phiếu tín nhiệm không nên thực hiện định kỳ mỗi năm một lần đối với nhiều vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn, vì nếu thực hiện theo kiểu “dàn hàng ngang” như vậy sẽ dễ rơi vào tình trạng hình thức hoặc những người thuộc diện bị lấy phiếu tín nhiệm sẽ tìm mọi cách để có được tín nhiệm cao.

Quốc hội chỉ nên bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những trường hợp có vấn đề theo đề nghị của đại biểu hoặc cơ quan của Quốc hội thông qua các thủ tục dễ thực hiện. Còn muốn đo chỉ số tín nhiệm thì nên thông qua các công cụ như thông lệ thế giới vẫn làm và được thực hiện bởi các viện nghiên cứu, các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội độc lập, có uy tín. Quốc hội không nên mất thời gian hằng năm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chỉ để động viên (với người được tín nhiệm cao) hoặc cảnh báo (đối với người tín nhiệm thấp).

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên