04/06/2012 11:54 GMT+7

Thượng phương bảo kiếm chỉ rút ra khi cần?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là ý kiến của đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong phiên thảo luận về đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội sáng nay (4-6).

XtsI0R9e.jpgPhóng to
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh tư liệu

“Quốc hội không nên bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn. Bỏ phiếu tín nhiệm được coi là thượng phương bảo kiếm, Quốc hội chỉ nên rút ra khi cần thiết” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại không cho như vậy.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã có bài phát biểu nhận được đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Bà Nga khẳng định “bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng chưa bao giờ được thực hiện, thực chất đây là bỏ phiếu bất tín nhiệm”.

Theo bà Nga, nguyên nhân chính do “chưa quy định dựa trên tiêu chí nào thì bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh. Vì vậy nên mới có chuyện cùng một sự việc xảy ra thì đại biểu này cho rằng cần bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu khác cho rằng chưa cần”.

Các quy định như khi có đủ 20% đại biểu (tức 100 người) đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Hội đồng dân tộc hoặc một trong số các Ủy ban của Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm cũng gặp nhiều vướng mắc.

“Với cơ chế và bộ máy giám sát hiện nay thì khó kết luận được cá nhân một vị bộ trưởng có vi phạm nghiêm trọng” - bà Nga bình luận.

Một nguyên nhân nữa được bà Nga nêu ra: vấn đề công tác cán bộ là công tác của Đảng. Sự quản lý của tổ chức Đảng đối với các cá nhân do Đảng giới thiệu rất quan trọng.

“Không xác định rõ vai trò của các tổ chức Đảng đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm thì rất khó” - bà Nga nói. Vì vậy, theo bà “cần phải có các quy định rất rõ ràng”.

Đại biểu Nga kiến nghị cần tồn tại hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường khi cá nhân một người có vấn đề. Bỏ phiếu định kỳ nên tiến hành từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Các kết quả bỏ phiếu phải công khai.

“Các chức danh từ bộ trưởng trở lên mới nên bỏ phiếu” - bà Nga nêu quan điểm.

Ủng hộ ý kiến đại biểu Nga, phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Danh Út (Kiên Giang) cho rằng nên “lấy phiếu tín nhiệm hàng năm với các chức danh và bỏ phiếu đối với trường hợp có vấn đề, có vi phạm”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên