11/07/2011 04:45 GMT+7

Tìm thợ không ra

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Hội thảo “Ngày hội dành cho ứng viên xuất sắc” dành cho sinh viên (SV) các trường ĐH thuộc khối kinh tế - kỹ thuật vừa diễn ra tại TP.HCM hôm 7-7. Tại đây, SV đã có cơ hội trao đổi với các nhà tuyển dụng về vấn đề nhân lực và thị trường lao động cho tương lai.

Ông Lô Bủng Cương, giám đốc nhân sự Công ty ICP (chuyên về lĩnh vực bán hàng nhanh tại TP.HCM), cho hay: “Trong năm 2011 chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng khoảng 50 nhân viên, trong đó nhân sự dành cho khối chuyên môn khoảng 15 người, còn lại là nhân viên kỹ thuật có tay nghề”. Tức cần hơn 2/3 số thợ so với thầy. Công ty ICP hiện có khoảng 1.000 nhân viên và tỉ lệ thợ/ thầy cũng như vậy. Hầu hết công ty, tập đoàn ở VN đều có chế độ tuyển dụng nhân sự như ICP, “cần thợ hơn thầy”.

Bà Nguyễn Thảo Nguyên, chuyên viên nhân sự Tập đoàn C.T group (kinh doanh lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hệ thống bán lẻ hàng cao cấp...), cho biết hầu hết lượng nhân sự mà họ cần là lực lượng kỹ thuật có tay nghề, tốt nghiệp trường nghề và có kinh nghiệm làm việc. Bà Nguyên chia sẻ: “Sắp tới chúng tôi cần hàng trăm nhân viên kỹ thuật để tham gia vận hành gần 20 dự án là các tòa nhà sắp được đưa vào khai thác. Điều kiện tiên quyết là phải có tay nghề, nhanh nhạy và có sức khỏe”.

Sẽ làm gì sau khi ra trường, sẽ đầu quân vào đâu, xin việc có dễ không... là câu tự hỏi không dễ trả lời với nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp ĐH. Trên thực tế, nhiều cử nhân, kỹ sư đành chấp nhận cảnh thất nghiệp, chấp nhận xin việc triền miên hoặc làm trái nghề, kể cả những việc tay chân để kiếm cơm qua ngày.

Với một số nhà tuyển dụng, bằng cấp cao không phải là điều quan trọng, cái chính là họ cần đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn. Cho nên, đôi khi những bạn tốt nghiệp trường nghề, trường trung cấp hoặc cao đẳng vẫn có nhiều cơ hội việc làm hơn. Có nhà tuyển dụng giữ nguyên tắc: đúng người đúng việc, không tuyển người bằng cấp cao cho công việc không cần cỡ bằng cấp đó, vì như thế là phí phạm tài nguyên xã hội.

Đó là chưa nói, theo một số nhà tuyển dụng lao động, nhiều cử nhân, kỹ sư ứng tuyển vào các vị trí không cần bằng ĐH và dù có tấm bằng ĐH họ vẫn thiếu khả năng thực hành nghề, nhất là các ngành kỹ thuật ứng dụng. Do vậy, dù thợ thiếu nhưng không tìm ra, trong khi “thầy” quá thừa khiến các bạn trẻ phải chạy đôn chạy đáo tìm việc.

Độ lệch pha ngày càng lớn khi từ các bạn trẻ đến các bậc phụ huynh đều chăm chăm nhìn vào cửa trường đại học, bất kể giàu nghèo, bất kể học dở học giỏi.

Độ lệch pha đó ngày càng lớn, ai cũng thấy như thế sẽ càng làm thị trường nhân lực méo mó, mất cân đối. Các nhà làm chính sách cũng biết, cũng hô hào điều chỉnh nhưng tất cả chỉ dừng lại ở chỗ hô hào. Truyền thông cũng cảnh báo sự dị dạng đó nhưng khá yếu ớt, trong khi mặt khác vẫn hoan nghênh nhiều hơn những người bước vào đại học.

Câu chuyện này diễn ra trong những ngày này, hơn nửa triệu bạn trẻ và gần nửa số đó có phụ huynh đi kèm, tất tả với kỳ thi đại học. Cánh cửa hẹp càng hẹp khi ngày càng có nhiều người chen. Những người văng ra lại có các cánh cổng đại học hạng hai, hạng ba nhận vào. Và cái vòng luẩn quẩn của thị trường nhân lực, việc làm cứ thế, tiếp tục méo mó.

Trong khi đó, cánh cửa các trường nghề vẫn rộng mở nhưng nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh lại thờ ơ.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên