06/09/2017 22:26 GMT+7

Tìm ra thủ phạm 'giết' kênh Ba Bò

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Nguyên nhân gây ô nhiễm một số khu vực kênh Ba Bò chủ yếu do nước thải trong các khu công nghiệp chưa kết nối hoàn toàn vào hệ thống xử lí nước thải tập trung, xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước.

Tìm ra thủ phạm giết kênh Ba Bò - Ảnh 1.

Nước đen đặc, sủi bọt trắng xóa dưới kênh Ba Bò - Ảnh: THU DUNG

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương khẳng định nguyên nhân gây ô nhiễm một số khu vực kênh Ba Bò chủ yếu do nước thải trong các khu công nghiệp ở phía tỉnh này chưa kết nối hoàn toàn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, và lại xả thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước. Nước thải từ đây chảy vào kênh Ba Bò, gây ô nhiễm môi trường cho khu vực.

Một bất ngờ từ kết quả khảo sát của cơ quan chức năng TP.HCM là chất lượng nước ngay sau họng xả của nhà máy xử lý nước thải tập trung (khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2) chênh lệch rất lớn so với nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước thải này. 

Cụ thể, nồng độ ô nhiễm có trong nước được lấy mẫu tại điểm cuối tuyến kênh thoát nước thải vừa nêu cao gấp 25,84 đến 43,07 lần (đối với chỉ tiêu TTS, tổng chất rắn lơ lửng) và cao gấp 9,48 - 11,76 lần (đối với chỉ tiêu COD, nhu cầu oxy hóa học), so với nồng độ ô nhiễm có trong nước được lấy mẫu tại vị trí sau họng xả thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

Chất lượng nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước, trước khi đổ vào kênh Ba Bò, có đến 8/18 thông số quan trắc vượt giới hạn cho phép nhiều lần.

Trong văn bản gửi tỉnh Bình Dương, UBND TP.HCM cho biết một số trường hợp nước thải công nghiệp trong các khu công nghiệp được xả thải trực tiếp vào tuyến thoát nước (dạng cống ngầm), rồi đổ ra kênh Ba Bò, làm gia tăng ô nhiễm. 

Như vậy, các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung được đầu tư để xử lý các chất ô nhiễm xem như không hiệu quả.

UBND TP.HCM đề nghị tỉnh Bình Dương cho các cơ quan chuyên môn của TP tham gia việc rà soát, phát hiện những hành vi đấu nối, xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào tuyến thoát nước. 

Kênh Ba Bò được đầu tư để cải thiện môi trường, xử lý ô nhiễm rất tốn kém, trong đó có hồ sinh học xử lý nước thải với công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ phù hợp xử lý nước thải sinh hoạt, nên khó có khả năng xử lý toàn bộ ô nhiễm do nước thải công nghiệp.

Qua rà soát của cơ quan chức năng, tuyến kênh tiếp nhận và thoát nước thải công nghiệp rồi đổ vào kênh Ba Bò (thường gọi là tuyến thoát nước số 4) có lưu lượng xả thải khoảng hơn 14.000 m3/ngày đêm, chiếm 80% tổng lượng nước thải nói chung đổ vào tuyến này.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên