22/01/2017 14:30 GMT+7

Tìm mua đặc sản tết sạch, nguồn gốc rõ ràng

NGUYỄN TRÍ - N.BÌNH
NGUYỄN TRÍ - N.BÌNH

TTO - Nhiều loại nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm mới đặc trưng của cả ba miền Bắc, Trung, Nam được dùng phổ biến trong dịp tết đã đổ về TP.HCM.

Khách chọn mua đặc sản tết tại Chợ Tết xanh tử tế ngày 21-1 - Ảnh: Nguyễn Trí
Khách chọn mua đặc sản tết tại Chợ Tết xanh tử tế ngày 21-1 - Ảnh: Nguyễn Trí

Ngoài yếu tố giá cả, tết năm nay người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng có nguồn gốc rõ ràng, xanh và sạch.

Hội chợ đặc sản tết

Sáng 21-1, phiên chợ “Quà xuân - Tết Việt” 2017 (12 Phùng Khắc Khoan, Q.1) bắt đầu mở cửa và thu hút khá nhiều khách đổ về mua sắm.

Tại đây, rất nhiều đặc sản các vùng miền, mặt hàng rau củ quả sạch, các sản phẩm đặc sản phục vụ nhu cầu người dân trong dịp tết như hạt điều, mứt trái cây, các sản phẩm giò, chả, gạo, nước mắm truyền thống... được bày bán.

Đặc biệt, phiên chợ còn có sản phẩm thảo dược độc đáo của đồng bào người Dao ở cao nguyên đá Hà Giang. Được chọn mua nhiều vẫn là các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh.

Tại gian hàng Bé Bự - Đặc Sản Quê Tôi (Q.3), nhiều bà nội trợ gật gù lần lượt thử những món ăn lạ như nấm hương rừng Sa Pa, chả hoa Trà Vinh, bánh tét Trà Cuông...

Chị Trâm (Bình Thạnh) tay xách 2 bịch đồ khá nặng khoe “tính đi dạo xem rồi sắm dần, mà thấy gì cũng ngon nên mua luôn”.

Theo anh Lương Vũ Trọng Nghĩa - đại diện cửa hàng này, mức giá bán ra vẫn như mọi năm với hồng sấy dẻo Đà Lạt có giá 240.000-280.000 đồng/kg, chả hoa Trà Vinh với 5 hương vị khác nhau có giá 190.000 đồng/kg, bánh tét miền Tây Nam bộ giá 80.000-90.000 đồng/đòn, nấm hương rừng Sa Pa 500.000 đồng/kg...

Ngoài ra, năm nay lần đầu tiên cửa hàng bán ra nước mắm rươi với giá 30.000 đồng/lít cũng khá hút khách.

Sức mua đang tăng mạnh, nên trong đợt tết này lượng bán của cửa hàng có thể tăng gấp 7-10 lần tùy loại với 600-700kg chả Năm Thụy, bánh tét 500-600 đòn, hàng trăm ký hồng sấy và 40 lít nước mắm rươi.

Ngoài ra, khu chợ tết này còn có quýt, cam, bưởi đến từ các tỉnh miền Tây. Tại gian hàng đặc sản Đồng Tháp, nhiều đơn vị tham gia chợ tết với sản phẩm là trái cây như cam xoàn, quýt... có giá phổ biến 60.000-70.000 đồng/kg.

Tại hội chợ cũng có những thực phẩm mới lạ như chả cá Kamaboko của Nha Trang được làm dựa theo công thức Nhật Bản với 9 vị khác nhau, giá 55.000-80.000 đồng/thanh 250gr.

Tỏi đen Lý Sơn (Quảng Ngãi) với 5 chủng loại khác nhau có giá 250.000-400.000 đồng/hộp 200gr, ớt sừng bò giá 55.000 đồng/kg.

Đặc biệt, tại gian hàng bán khăn truyền thống của Đồng Tháp, khách còn có thể mua tôm tươi càng xanh được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP với giá 320.000 đồng/kg tôm thịt và 220.000 đồng/kg tôm trứng.

Chị Huỳnh Như, chủ gian hàng, cho biết đây là số tôm được nuôi trồng bởi người nhà của chị em trong làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh A (huyện Hồng Ngự).

Theo yêu cầu của ban tổ chức, sản phẩm tham gia phiên chợ đều phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thể hiện trên bao bì sản phẩm, giấy phép kinh doanh... đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng theo quy định.

Mặt hàng thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Vũ Kim Anh, trưởng ban tổ chức, cho biết phiên chợ đặc biệt này được tổ chức nhằm hỗ trợ các hộ nông gia, hợp tác xã làng nghề, các CLB thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp đang kinh doanh sản xuất những mặt hàng nông sản đặc biệt địa phương theo công nghệ xanh, sạch, an toàn được tiếp cận thị trường TP.HCM.

Bên cạnh đó, phiên chợ là cầu nối, giới thiệu với người tiêu dùng thành phố các sản phẩm mùa tết.

Ba miền hội tụ

Chưa có năm nào đặc sản vùng miền lại sôi động như mùa tết năm nay. Ngoài các cửa hàng, địa chỉ quen thuộc, người tiêu dùng bây giờ còn có thể đặt mua trên mạng xã hội, trang web chuyên bán hàng đặc sản...

Chính nhờ có nhiều sự lựa chọn hơn nên người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá, tình trạng cháy hàng, tăng giá không còn phổ biến như những năm trước.

Các cửa hàng thực phẩm Bắc trên đường Trần Quốc Toản (quận 3), Điện Biên Phủ (quận 1)... đã trở nên quen thuộc với những khách hàng chuộng thực phẩm Bắc.

Từ hơn tuần nay, nhiều cửa hàng đã bắt đầu nhập cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, trái phật thủ, bánh chưng Bắc hay giò bò Ước Lễ, miến dong Bắc Kạn, măng lưỡi lợn Tuyên Quang... phục vụ nhu cầu của khách.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo - đại diện cửa hàng Thanh Hảo chuyên bán đặc sản Hà Nội (Bình Thạnh), hiện cửa hàng đã nhập về bán tết ước tính 7-8 tấn các loại với gần 3.000 bánh chưng, 2-2,5 tấn giò chả, trong đó nhiều nhất là giò, chả bò và heo...

Các loại táo mèo Sa Pa giá 65.000 đồng/kg, chanh đào 85.000 đồng/kg, nhãn khô Hưng Yên 125.000 đồng/kg cũng được nhiều cửa hàng tăng thêm lượng nhập để đủ cung ứng cho khách.

Trong khi đó, những người miền Tây lại chuộng các loại đặc sản khô để lai rai cũng như biếu tặng trong ngày tết.

Chiều 21-1, có mặt tại cửa hàng Đặc Sản Miền Tây (Bình Thạnh), hàng chục nhân viên của đơn vị làm việc luôn tay để kịp đóng hàng chục bịch khô các loại chuyển cho khách.

Nhân viên trực bán hàng online nhận đơn hàng không ngớt tay. Theo đại diện đơn vị này, lượng đặc sản nhập về bán tết đã tăng gấp 4-5 lần ngày thường với hơn 100 chủng loại đặc sản, trong đó nhiều nhất là khô miền Tây Nam bộ với hơn 150kg gồm 40 chủng loại.

Hiện giá khô được đơn vị này bán ra dao động 150.000-350.000 đồng/kg tùy loại như khô cá bông lau 390.000 đồng/kg, khô cá tra 300.000 đồng/kg, khô cá lóc 250.000-300.000 đồng/kg, khô trâu và bò giá hơn 250.000 đồng/kg...

Năm nay, thị trường còn có thêm nhiều chủng loại mới như khô bò và trâu có xuất xứ Campuchia, măng tre và rượu cần Tây nguyên.

Các con đường dẫn vào chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình) nhộn nhịp hơn hẳn bởi hàng trăm chủng loại bánh, trái đặc sản miền Trung đã được người bán chất đầy sạp.

Chị Lan, cửa hàng Đặc sản quê hương Miền Trung trong khu chợ này, cho biết để phục vụ thị trường tết, chị đã nhập hơn 130 chủng loại bánh từ Quảng Nam vào cách đây nửa tháng, với những loại bánh tết quen thuộc của người miền Trung như bánh in, bánh thửng, bánh tổ, bánh tét..., lượng hàng nhập tăng gấp 3-5 lần ngày thường.

Đặc sản miền Trung khá đa dạng từ các món mặn như cá bống sông Trà 100.000 đồng/kg, chả bò Đà Nẵng 300.000 đồng/kg đến các loại bánh như bánh đậu xanh Hội An, bánh tráng xoài Nha Trang được khách hỏi mua nhiều.

Với những người Huế xa xứ, các loại dưa món khô mới lạ như dưa cà rốt, đu đủ, củ kiệu có giá 70.000-150.000 đồng/kg tùy loại hay mắm cái, mắm ruốc Huế là những món không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền.

Giá chỉ nhích nhẹ

Chị Nguyễn Thị Tường Vy, chủ sạp 54 chuyên bán đặc sản Quảng Nam và Đà Nẵng tại chợ Bà Hoa, cho biết đến thời điểm này lượng mua chưa nhiều, nhưng giá một số mặt hàng đã tăng 10-15% so với ngày thường, với bánh thửng 20.000-30.000 đồng/chục, bánh tét 40.000-50.000 đồng/đòn, bánh chưng 60.000-70.000 đồng/cái 1kg...

Tuy nhiên theo chị Vy, giá nhiều mặt hàng vẫn ổn định so với tết năm ngoái nhờ lượng hàng dồi dào.

Tương tự, các nhà kinh doanh đặc sản miền Bắc cho biết giá hàng tết cũng nhích nhẹ 10-15% so với ngày thường, như bánh chưng tăng từ 90.000 đồng lên 100.000-120.000 đồng/cái 1,5kg, phật thủ hơn 200.000 đồng/trái, bưởi Diễn 90.000-100.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận, từ 20 tháng chạp sức mua các loại đặc sản tết đã tăng gấp 3 lần so với những ngày trước đó và dự kiến tăng mạnh vào những ngày cận tết.

NGUYỄN TRÍ - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên