30/12/2014 08:07 GMT+7

​Tìm máy bay AirAsia ở độ sâu 40-50m

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Ðã có lúc mọi người lạc quan khi có thông tin cho biết đã thấy vật thể lạ nổi trên mặt biển. Nhưng rồi thông tin nhanh chóng được xác nhận: nó không phải thuộc chuyến bay QZ8501.

Hải quân Indonesia tìm kiếm máy bay AirAsia QZ8501 mất tích ở vùng biển đảo Bangka và Belitung (Indonesia) ngày 29-12 - Ảnh: Jefri Aries

Hôm qua, lực lượng tìm kiếm đã nỗ lực từ rất sớm để truy tìm dấu hiệu của chiếc máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không AirAsia Indonesia mất tích ngày trước đó.

Theo AFP, Úc, Singapore, Malaysia đã điều động máy bay, tàu bè để hỗ trợ Indonesia tìm kiếm dấu vết của chuyến bay QZ8501 từ Surabaya (Indonesisa) đi Singapore. Úc đã đưa máy bay tuần thám AP-3C tham gia trong khi Singapore cho biết đã điều động hai máy bay C-130 cùng các tàu hải quân.

Trung Quốc, nước có 152 công dân trên chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích hồi tháng 3, cũng đề nghị giúp đỡ tìm kiếm. Malaysia cũng cử máy bay C-130 và ba tàu. Mỹ cũng đề nghị giúp đỡ. Chiến dịch tìm kiếm tập trung ở vùng biển quanh đảo Bangka và Belitung (Indonesia).

Mở rộng khu vực tìm kiếm

Ước tính bảo hiểm đến 100 triệu USD

Công ty bảo hiểm Đức Allianz hôm 29-12 nói họ là nhà bảo hiểm chính trong vụ máy bay AirAsia Indonesia mất tích. Allianz cũng là nhà bảo hiểm chính cho MH370 và MH17 của Malaysia xảy ra hồi tháng 3 và tháng 7 năm nay.

Công ty này từ chối cung cấp thông tin sẽ chi trả bao nhiêu hoặc nêu tên các công ty khác sẽ chi trả trong vụ AirAsia, nhưng Reuters ước tính số tiền bảo hiểm trong vụ này có thể lên đến 100 triệu USD. “Còn quá sớm để bình luận về vụ việc trong giai đoạn này” - phía Công ty Allianz thông báo.

Giám đốc Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia Bambang Soelistyo nhận định: “Dựa trên sự đánh giá về vị trí máy bay có thể rơi, giả thuyết đưa ra là máy bay đã nằm dưới đáy biển”. Ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là giả thuyết ban đầu và nó được phát triển dựa trên những ước đoán từ kết quả cuộc tìm kiếm.

Hiện tại, các đội tìm kiếm đang rà soát một khu vực nơi biển có độ sâu 40-50m. Ông Soelistyo nói Indonesia đang phối hợp với các nước khác để tiếp cận được các thiết bị dò tìm đáy biển từ Anh, Pháp và Mỹ. “Không dễ tìm thứ gì dưới đáy biển nhưng điều đó sẽ không phá vỡ tinh thần nỗ lực tìm kiếm của chúng tôi” - ông nói và cho biết thêm việc tìm kiếm đã được mở rộng về hướng bắc trên vùng biển giữa Sumatra và Kalimantan.

Giới chức Indonesia nói vì máy bay đăng ký ở nước này và mất tích trên vùng biển của họ nên Indonesia sẽ đứng đầu cuộc điều tra. “Chúng tôi đang tìm kiếm quanh đảo Bangka và Belitung, eo biển Singkep và Marimata cũng như khu vực đất liền ở phía tây của Tây Kalimantan” - ông cho hay.

Indonesia hôm qua cũng thông báo vật thể được nhìn thấy trên biển hôm qua không phải là của chuyến bay số hiệu QZ8501. Theo Reuters, đội tìm kiếm cũng kiểm tra thông tin có vệt dầu loang ở phía tây đảo Belitung cũng như một tín hiệu khẩn cấp phát đi từ phía nam đảo Borneo nhưng chưa thể xác định được gì.

QZ8501 mất tích trên không phận biển Java sau khi phi hành đoàn xin đổi hướng bay vì thời tiết xấu. Phi công đã xin nâng độ cao từ 32.000 feet (9,7km) lên 38.000 feet (11,6km) nhưng không được chấp thuận vì có máy bay khác bay ở trên.

Theo Straits Times, vào ngày 1-1-2007, một chiếc máy bay của Hãng hàng không Adam Air cũng đã bị mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khi đang bay trên vùng trời biển Java. Chiếc máy bay Boeing 737-400 chở theo 102 người trên đường từ Surabaya đi Manado thì mất tín hiệu. Các mảnh vỡ của chiếc máy bay được tìm thấy 10 ngày sau đó ở vùng biển ngoài khơi Sulawesi. Các nhà điều tra phát hiện phi công đã vô tình tắt hệ thống bay tự động khi đang cố sửa lỗi ở thiết bị định vị.

Thời điểm khó khăn cho hàng không Indonesia

Chiếc máy bay bị mất tích của Hãng AirAsia Indonesia, một công ty con của AirAsia đặt tại Malaysia. Indonesia nói sẽ đánh giá lại hoạt động của AirAsia Indonesia. Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignasius Jonan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ kiểm tra và đánh giá hoạt động của AirAsia ở Indonesia để đảm bảo mọi hoạt động sẽ tốt hơn trong tương lai”.

Indonesia là đất nước có nhiều đảo nhưng hệ thống đường bộ và đường sắt bị đánh giá là yếu kém. Cũng vì thế những năm qua việc đi lại bằng hàng không giá rẻ ở đây phải nói là "bùng nổ". Thế nhưng, hình ảnh ngành hàng không Indonesia cũng bị ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn an toàn thấp tại một khu vực thường bị thời tiết nguy hiểm.

Thư ký tòa soạn của Hãng tin hàng không Flightglobal Greg Waldron nhận định: “Indonesia có lịch sử an toàn hàng không gây bất an. Vụ việc này một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của các hãng hàng không Indonesia. Ðây là vụ việc đầu tiên của AirAsia Indonesia nhưng một lần nữa nó sẽ gây chú ý cho cả ngành hàng không nước này”.

Mặc dù có những cải thiện trong những năm qua nhưng ngành hàng không Indonesia đã gặp phải 13 vụ nghiêm trọng liên quan đến máy bay thương mại kể từ năm 2010 (chưa tính vụ mất tích QZ8501). Bốn vụ trong số này có thương vong.

Vụ QZ8501 xảy ra trong thời điểm nhạy cảm đối với giới chức hàng không Indonesia khi họ đang chật vật cải thiện hình ảnh an toàn của mình. Reuters cho biết AirAsia và các công ty con trong khu vực cho đến nay gần như mang một hình ảnh sạch sẽ về độ an toàn. 

Tai nạn do thời tiết xấu?

Giới chuyên gia hàng không cho biết chuyến bay QZ8501 có thể bị nạn do gặp thời tiết xấu. Báo Jakarta Post của Indonesia cho biết nhận định của giới chuyên gia hàng không Indonesia cũng trùng khớp với nhận định của Cơ quan khí tượng Indonesia (BKMG) đưa ra cùng ngày.

Cơ quan này xác nhận vùng biển quanh Bangka, Belitung nhiều mây vũ tích, là loại mây thường đi kèm với bão và mưa lớn, vào thời điểm chiếc máy bay mất liên lạc với trạm không lưu ở Jakarta. Người phát ngôn của BKMG Heru Djatmiko cho biết mây vũ tích ở Indonesia thường mạnh hơn các nước khác. Cụ thể, ở các quốc gia khác, mây vũ tích thường xuất hiện ở độ cao tối thiểu 9,1km và tối đa là 12km. Tuy nhiên, ở Indonesia mây vũ tích có thể ở độ cao đến 15,24km.

Cựu tổng tư lệnh không quân Indonesia Chappy Hakim cho biết nếu một phi công cứ khăng khăng tiếp tục bay xuyên đám mây như thế, nó có thể gây hư hỏng thân máy bay. Điều tốt nhất trong tình huống này là ra khỏi đường bay đó. “Phi công đã quyết định đúng khi nhìn thấy đám mây trên rađa nhưng chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra sau khi phi công xin nâng độ cao” - ông Chappy Hakim giải thích.

Chuyên gia hàng không này nhấn mạnh chỉ có hộp đen có thể cho biết chính xác nguyên nhân chiếc máy bay mất tích vào lúc 7g55 sáng 28-12 theo giờ địa phương. Một cựu điều tra viên ở Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Hanna Simatupang nhận định mây vũ tích rất nguy hiểm đối với máy bay, nhưng các phi công dày dạn kinh nghiệm đều có thể xử lý tốt các tình huống này.

Hãng AirAsia Indonesia cho biết cơ trưởng Iriyanto đã có 20.537 giờ bay. Chuyên gia Hanna cho biết với số giờ bay nhiều như vậy thì phi công có thể xử lý tình huống khó khăn này.

Chuyên gia này cũng đặt giả thiết có sự cố nào đó đã xảy ra với chiếc máy bay khi máy phát của bộ định vị khẩn cấp không gửi bất kỳ tín hiệu cho giới chức hàng không và đội tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia.

MỸ LOAN

Ông Sunu Widyatmoko (trái), lãnh đạo của AirAsia Indonesia và ông Tony Fernandes, lãnh đạo của AirAsia, đã có mặt tại sân bay quốc tế Juanda ngày 29-12 để chia sẻ với gia đình các hành khách - Ảnh: Reuters

Cổ phiếu AirAsia mất giá

Cổ phiếu của Hãng hàng không AirAsia mất khoảng 8% trị giá ở Kuala Lumpur (Malaysia) trong ngày giao dịch 29-12 sau khi chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 mất tích cùng 162 hành khách.

Ðến 13g cùng ngày, cổ phiếu của AirAsia đã hồi phục nhẹ, còn thiệt hại ở mức 7,82% sau khi tuột dốc 12% trong phiên giao dịch đầu ngày với mức giá 2,60 ringit/cổ phiếu.

AFP dẫn lời một nhà môi giới chứng khoán Malaysia cho biết giới đầu tư vẫn đang tiếp tục bán cổ phiếu của AirAsia. Tuy nhiên, áp lực bán ra đã giảm dần khi họ nhận được thông tin chiếc máy bay mất tích là chiếc Airbus A320 - QZ8501 thuộc AirAsia Indonesia, công ty con của AirAsia Malaysia.

Ông Shukor Yusof, nhà sáng lập Công ty phân tích Endau Analytics, cho biết các nhà đầu tư và cho vay vẫn ủng hộ AirAsia và tổng giám đốc điều hành của hãng này, Tony Fernandes.

"Phản ứng của thị trường là hoàn toàn tự nhiên, tôi không bất ngờ và tôi cho rằng sự tin tưởng của giới đầu tư sẽ trở lại nhanh chóng vì hãng hàng không này có mô hình kinh doanh vững chắc” - ông Yusof nhận định.

Phó giáo sư Trường đại học Khoa học kỹ thuật Malaysia Yeah Kim Leng cũng cho rằng mọi ảnh hưởng lên giá cổ phiếu AirAsia chỉ là phản ứng cục bộ. “Vụ việc sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng dịch vụ hàng không của AirAsia bởi đây là hãng hàng không giá rẻ có sức hút thị trường rất lớn” - phó giáo sư Leng đánh giá.

MỸ LOAN

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên