Phóng to |
Con đường tràn ngập người nối vào chùa Asakusa Kannon, Tokyo - nơi du khách dễ bị lạc lối bởi có nhiều cổng vào - Ảnh: N.TR. |
Ginza, một trung tâm mua sắm ở thủ đô Tokyo (Nhật), với con đường chính và các ngả cắt ngang với hàng ngàn cửa hàng lớn nhỏ, mỗi cửa hàng lại có 4-5 tầng, thật sự là mê hồn trận với bất cứ du khách nào lần đầu đến Nhật Bản. Các mặt hàng ở Ginza phong phú đến mức tất cả mọi người như bị cuốn vào “con sóng” mua sắm để rồi khi mặt trời xuống, bước ra đường chính đã lên đèn du khách dễ dàng mất định hướng.
Để tránh đi lạc, du khách nên: - Lấy số điện thoại của trưởng đoàn và hướng dẫn địa phương. - Giữ danh thiếp của khách sạn nơi mình đang nghỉ chân. - Nên tìm nét đặc trưng của điểm hẹn để ghi nhớ như bảng hiệu, biểu tượng đặc biệt, cửa hàng... Khi bị lạc, du khách nên: - Nếu xác định không tìm được điểm hẹn, nên kiên nhẫn đứng chờ một chỗ trong vòng ít nhất 30 phút nơi lần cuối cùng mình gặp trưởng đoàn, hướng dẫn viên. Nơi đứng chờ nên là trên các con đường lớn, trước cửa hàng lớn, sáng sủa để dễ nhận biết. - Tìm đồn cảnh sát gần nhất để thông báo về tình trạng bị lạc. |
Thông thường hướng dẫn viên sẽ dặn khách dừng chân ở cây cầu cắt ngang đường số 8, dưới đó có siêu thị bán đồ ăn vặt, trái cây tươi, đặc biệt là dâu hay lê theo mùa rất ngon. Đến giờ hẹn, sau giờ hẹn 10 phút, 20 phút, nửa tiếng..., trong danh sách du khách của đoàn chúng tôi vẫn thiếu ba người. Hành trình đi tìm du khách của tôi bắt đầu.
Trên tay là cây cờ dẫn tour phấp phới, tôi bắt đầu đi ngược lại con đường mua sắm chính, mắt nghiêng ngó, cứ cửa hàng nào cũng đảo một vòng ở tầng trệt, còn tầng 2, 3, 4 thì đành bỏ qua. Khoảng 500m, tôi chuyển sang đường bên kia, tiếp tục lượn thêm cả chục cửa hàng nữa vẫn không gặp ai. Trời đã tối hẳn, mùa đông mọi người đều mặc áo quần sẫm màu như nhau càng khó phân biệt. Đến trước tòa nhà UNIQLO (nơi đầu tiên tôi dắt mọi người đến), đảo từ tầng 1 đến tầng 4 và thậm chí hỏi cả cô tiếp tân quen mặt nhưng mọi thứ cứ mờ mịt.
Chân vừa rảo nhanh trên các con đường, trong đầu tôi lại tưởng tượng những tình huống xấu có thể xảy ra như khách bị kẻ xấu lừa gạt hay hãm hại, hoặc tai nạn... Chẳng may có bất cứ chuyện gì xảy ra, hướng dẫn viên sẽ là người cảm thấy có lỗi nhiều nhất, chưa kể còn gây ảnh hưởng đến tâm lý của những du khách cùng đi trong đoàn. Tôi rùng mình, cố xua đi viễn cảnh không hay có thể xảy ra với những vị khách của mình.
Đang thất vọng bước ra cửa, bỗng nghe giọng hai người thất thanh: “Anh hướng dẫn”. Chúng tôi vỡ òa lên sung sướng như gặp lại cố nhân trên đất khách. Hóa ra sau khi mua sắm, sát giờ tập trung vì vội nên ba du khách đã đi về cây cầu ở hướng ngược lại đứng chờ. Càng chờ càng nóng ruột, một vị khách xung phong đi tìm đoàn nhưng cũng mất dạng, hai vị khách còn lại chẳng dám bỏ đi tìm.
Tôi lại tất tả chạy. Dù đang mùa đông nhưng chiếc áo sơmi mặc bên trong đã ướt mồ hôi. Đảo qua gần chục ngã tư với không ít lần nhìn sai mặt khách mà vẫn không thấy bóng dáng. Trở về điểm hẹn với hai du khách, người còn lại cuối cùng cũng đã tìm đến.
Mặc kệ cho nhịp tim đang đập rất nhanh vì mệt, chúng tôi như trút được gánh nặng. Không ai bảo ai, mọi người nắm chặt tay nhau len lỏi trong dòng người tấp nập để đến ga tàu điện trở về khách sạn.
___________
Bạn đọc có những câu chuyện thú vị trong các chuyến du lịch cần chia sẻ với mục “Câu chuyện du lịch” có thể gửi về email: kinhte@tuoitre.com.vn hoặc gửi thư cho ban kinh tế báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận