17/03/2014 10:32 GMT+7

Tìm hiểu về tài tử, cải lương tại báo Tuổi Trẻ

H.OANH
H.OANH

TT - Với mong muốn đem những làn điệu âm nhạc dân tộc đến gần hơn với mọi người, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng với các nghệ sĩ, nghệ nhân tổ chức chương trình Tài tử - cải lương, sự tương đồng và khác biệt lúc 9g ngày 18-3 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM), mở cửa tự do cho độc giả.

Tìm hiểu về tài tử và cải lương tại báo Tuổi Trẻ

pK6oHQOq.jpg
Tài tử Thanh Sang và Kim Sa ca bài Mảnh đất thân yêu tại lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh: T.T.D.

Ra đời từ cuối thế kỷ 19 trong cuộc hành trình khẩn hoang đất phương Nam, cả đờn ca tài tử và cải lương đều trải qua những giai đoạn thăng trầm theo tiến trình lịch sử. Qua thời gian, đặc trưng âm nhạc, cách chơi và những bài bản của đờn ca tài tử và cải lương đã trở thành một phần tâm hồn không thể thiếu của Nam bộ nói riêng và VN nói chung. Tuy nhiên hiện nay không ít người nhầm lẫn đờn ca tài tử và cải lương là một, hoặc không phân biệt được những điểm giống và khác nhau của hai loại hình này. Độc giả Dương Tú (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Đây cũng là câu hỏi của tôi, vì hồi giờ mỗi lần nghe cổ nhạc thấy rất hay nhưng lại không biết vì sao gọi là tài tử, vì sao gọi là cải lương”. Độc giả Thu Vân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói: “Ý tưởng tổ chức chương trình này của báo Tuổi Trẻ rất hay và ý nghĩa, tôi và bạn của mình sẽ tham gia”.

Với mong muốn tạo nên một cuộc giao lưu thân tình, gần gũi, chương trình Tài tử - cải lương, sự tương đồng và khác biệt sẽ được tổ chức theo kiểu bàn tròn văn nghệ. Mọi người sẽ ngồi xung quanh các diễn giả, nghệ sĩ, nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca để cùng nhau trao đổi và thưởng thức những ngón đàn lời ca.

GS.TS Trần Văn Khê cho biết ông sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ, về nguồn gốc, đặc điểm âm nhạc, không gian, hệ thống các bài bản, các loại hơi trong đờn ca tài tử và cải lương. Các nghệ sĩ, nghệ nhân: thạc sĩ Hải Phượng, thạc sĩ Huỳnh Khải, NSƯT Thanh Sang, Linh Huyền, Minh Đức, Hà Thu, ban nhạc Nhạc viện TP.HCM... cũng đang rất háo hức chuẩn bị gặp gỡ những khán giả yêu mến âm nhạc dân tộc. Họ sẽ trình bày những bài bản và trích đoạn nổi tiếng: Tô Huệ chức cẩm hồi văn, điệu Phú Lục, điệu Lưu Thủy Trường, điệu Tứ đại oán, Dạ cổ hoài lang, vọng cổ nhịp 8, vọng cổ nhịp 32, trích đoạn cải lương Bên cầu dệt lụa...

Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - người tham gia ý tưởng tổ chức chương trình này - cho biết: “Tôi rất vui khi tham gia chương trình này. Việc phân biệt nhạc tài tử và nhạc cải lương có vai trò lớn trong bảo tồn những loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo”.

H.OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên