09/02/2015 09:17 GMT+7

Kiều bào tìm cách đóng góp hiệu quả nhất cho đất nước

HỒNG QUÝ - MỸ LOAN - PHẠM VŨ thực hiện
HỒNG QUÝ - MỸ LOAN - PHẠM VŨ thực hiện

TT - Những ngày này, từ khắp nơi trên thế giới, nhiều bà con Việt kiều đã trở về quê đón tết, sum họp gia đình.

Bà con kiều bào thắp hương tại khu tưởng niệm các vua Hùng - công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Q.9, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Và ai cũng đau đáu nỗi niềm muốn đóng góp một chút gì đó cho đất nước, cả trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lẫn phát triển kinh tế...

* Ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật): “Ở hay về không quan trọng”

Năm 2015 là một thời điểm hội nhập quan trọng, là giai đoạn nước rút mà chúng ta không được phép bỏ lỡ. Đất nước thống nhất đã 40 năm, đã có nhiều thành tựu, thay đổi nhưng khi so với thế giới còn nhiều điều cần suy nghĩ. Và tương lai của đất nước phải do chính mỗi người Việt Nam xây dựng nên.

Các du học sinh Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới thường trăn trở với mong muốn đóng góp cho đất nước và câu hỏi: “Ở hay về?”.

Các lãnh đạo cũng kêu gọi, hứa hẹn “trải thảm đỏ” đón Việt kiều về đầu tư xây dựng quê hương, tạo điều kiện để du học sinh về nước làm việc. Thực tế môi trường làm việc ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập so với thế giới dẫn đến lãng phí nguồn lực...

Tôi chia sẻ với tư cách một Việt kiều đã trở về Việt Nam làm việc ngay sau ngày đất nước thống nhất, đã chứng kiến và cùng bạn bè mình ở Việt Nam trải qua những năm tháng khó khăn nhất: “Về hay ở lại không quan trọng bằng việc chúng ta suy nghĩ cách nào đóng góp hiệu quả nhất cho đất nước dù ở trong hay ngoài nước”.

Tôi muốn nhắc lại một ý của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” có vai trò rất lớn. Ai cũng muốn được tự hào, hãnh diện vì đất nước của mình, vậy phải làm thế nào để có một đất nước mà tự hào, hãnh diện? Bạn có quốc tịch Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, bạn tự hào được sống ở những đất nước văn minh, phát triển nhưng tóc bạn đen, mắt bạn đen, da bạn vàng, tôi tin bạn vẫn muốn được tự hào “Tôi người Việt Nam”.

Vậy thì tôi nghĩ chúng ta hãy bỏ qua tất cả những chuyện riêng của mình để cùng vì Việt Nam đoàn kết lại.

Không có đất nước nào mạnh lên chỉ nhờ vào chính phủ, mà phải nhờ vào dân tộc mạnh, nhờ từng người một trong số các công dân của mình. Nước Nhật đã nhờ những người sáng tạo, xây dựng ra thương hiệu Honda, Sony mà tiến lên hàng đầu thế giới. Nhìn về Việt Nam, tôi tin đất nước chúng ta luôn có cơ hội nhờ vào tiềm năng của dân tộc. Việc của Nhà nước là đưa ra những chính sách để khuyến khích, phát huy sức dân. Việc của mỗi người dân là đóng góp khả năng, sức lực của mình.

* Bà Đinh Kim Nguyệt (Việt kiều Canada): Đoàn kết bảo vệ chủ quyền

Chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông về tình hình chủ quyền đất nước và đoàn kết cùng với nhân dân trong nước để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Năm 2014, sau khi hay tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, bà con kiều bào tại Canada đã thể hiện rất rõ điều này. Bởi chúng tôi nghĩ dù ở đâu nhưng khi chủ quyền đất nước bị thử thách thì chúng tôi là những người con đất Việt, phải đoàn kết và đồng lòng để hướng về quê hương đất nước.

Bên cạnh đó chúng tôi sẵn sàng ủng hộ bằng hình thức quyên góp tài chính trong cộng đồng người Việt Nam ở Canada để gửi về quê hương, đóng góp chút sức lực nhỏ nhoi của mình trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước. Mỗi khi chúng tôi vận động đóng góp hoặc sinh hoạt cộng đồng liên quan đến các chủ đề “hướng về quê hương”, chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ của phần lớn người Việt ở Canada.

* Ông Lê Văn Trọng (Việt kiều Thái Lan): Việt Nam là thị trường đặc biệt của chúng tôi

Tôi sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan, nhưng vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam. Chính tình cảm đó đã thúc đẩy tôi nghĩ tới thị trường này khi làm ăn.

Lập công ty riêng, tôi đã chọn xuất khẩu săm lốp xe về Việt Nam, mở chi nhánh ở cả Hà Nội và TP.HCM. Doanh thu hiện tại của riêng thị trường Việt Nam là 6-7 triệu USD/năm, lớn nhất trong số các thị trường. So với Lào, Campuchia và Trung Đông, Việt Nam là thị trường lớn nhất của công ty và là thị trường quan trọng nhất với chúng tôi, bởi mỗi khi về đây làm ăn tôi lại ngập tràn tình cảm yêu thương, quyến luyến.

Làm ăn ở Việt Nam cũng không khác gì bên Thái, từ chính sách quản lý cho tới các điều kiện kinh doanh mà lại có thêm tình cảm ấy, tại sao không làm?

Với ý nghĩ như vậy, ngoài lo cho công việc của mình, tôi đã tổ chức gặp gỡ, kết nối cho ít nhất ba đoàn doanh nhân từ tỉnh Chaiyaphum ở Thái Lan sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn. Phần nhiều chúng tôi tới miền Trung, nơi khá thuận tiện đi lại bởi chúng tôi có thể đi bằng đường bộ xuyên qua Lào tới Việt Nam. Ở Thái, bà con Việt kiều chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc, nhất là những đợt vận động lớn như ủng hộ Trường Sa, ủng hộ người nghèo và nạn nhân chất độc da cam.

* Ông Phan Thành (Việt kiều Canada): Làm ăn ở Việt Nam, Việt kiều có lợi thế kép

Tôi sang định cư tại Canada từ trước năm 1975. Sau đó khi đất nước mở cửa, tôi là một trong những người về nước đầu tư rất sớm. Tôi đầu tư vào cổ phần của khách sạn Equatorial tại TP.HCM hơn 20 năm nay. Qua quá trình làm ăn, tôi thấy kiếm tiền ở đâu cũng khó cả, nhưng tại Việt Nam các Việt kiều như tôi luôn có lợi thế hơn.

Chúng tôi hơn các nhà đầu tư quốc tế là do am hiểu Việt Nam, có quan hệ bạn bè, họ hàng thân thích ở Việt Nam. Ngay cả khi làm việc với đối tác người Việt, do am hiểu, đồng cảm và ngôn ngữ, chúng tôi đã có lợi thế hơn nhà đầu tư quốc tế. Tương tự, chúng tôi cũng dễ dàng làm việc với các cơ quan chức năng hơn họ.

Ở chiều ngược lại, chúng tôi lại có lợi thế hơn nhà đầu tư bản địa Việt Nam ở chỗ chúng tôi có kinh nghiệm quốc tế hơn. Chúng tôi cũng học hỏi được những cung cách làm ăn ở chuẩn toàn cầu để áp dụng tại Việt Nam. Tư duy và cái nhìn rộng mở hơn của những người từng bôn ba các thương trường quốc tế là điều tôi thấy mình được lợi thế so với nhà đầu tư trong nước.

Trong kinh doanh chỉ hơn nhau chút xíu đã quan trọng rồi, những Việt kiều như chúng tôi lại hơn được ở cả hai mặt như vậy nên tôi thấy làm ăn tại Việt Nam là lựa chọn hoàn hảo nhất cho Việt kiều.

Theo nhìn nhận của tôi, Việt Nam vẫn còn đó những cơ hội, còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư Việt kiều từ khắp nơi đổ về làm ăn. Đất nước đang cần mình, mình lại có thể ươm mầm kinh doanh tươi tốt trên mảnh đất quen thuộc ấy. Vậy nên tôi vẫn thường gặp gỡ anh em kiều bào, giới thiệu với họ về đất nước đổi mới ngày nay, khuyến khích họ về làm ăn ở Việt Nam.

Với những ai còn lấn cấn, lo ngại do hiểu lầm, lời gửi gắm của tôi là họ hãy cứ về Việt Nam mà sống, mà khám phá và tận hưởng vẻ đẹp đất nước mình. Làm được gì cho đất nước thì càng tốt, còn không cũng cứ về. Nhà nước rất cởi mở, luật pháp thì rõ ra đấy, bà con có thể lên mạng thấy được rất minh bạch, không có gì cản trở họ cả.

* Ông Trần Phú Thuận (phó chủ tịch thường trực Hội Người Việt Nam ở Nga): Kết nối cộng đồng trong nước và ngoài nước

Trong năm qua, cộng đồng người Việt ở Nga thường được Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thông báo về tình hình biển đảo quê hương. Tôi và nhiều bà con người Việt ở Nga luôn theo dõi sát thông tin khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng tôi luôn tự nhắc nhau rằng là con dân nước Việt thì dù ở đâu cũng phải hướng về Tổ quốc.

Sự kết nối giữa cộng đồng trong nước và kiều bào ở Nga là rất quan trọng. Là người con xa quê hương lâu năm, tôi cũng như bà con ở Nga luôn đau đáu với cái tình của quê cha đất tổ. Khi tôi lên đường về Việt Nam, cộng đồng kiều bào Việt Nam đã ủy thác cho tôi nhiệm vụ về quê ăn tết và khi trở lại Nga sẽ đem những thông tin đón tết cũng như tình hình ở trong nước kể lại cho những bà con chưa có điều kiện về Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Kiều bào đã thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước

Tối 8-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện nghi thức đánh trống khai hội mùa xuân tại chương trình Xuân quê hương 2015 với chủ đề “Tổ quốc vinh quang”.

Đây là chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và UBND TP.HCM tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM để chào đón đồng bào ở xa Tổ quốc về nước đón tết, vui xuân. Cùng đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù của chúng ta.

“Vì vậy, không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ của mình mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, cùng với sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ ngày càng đông, sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Đảng, Nhà nước, đồng bào trong nước luôn quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ và mong muốn bà con có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, ngày càng thành đạt ở nước sở tại.

Đồng thời đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, làm cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận cùng với đồng bào trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã có những đóng góp rất đáng trân trọng vào những thành tựu quan trọng của đất nước. Đồng bào ta ở nước ngoài đã thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước, kề vai sát cánh cùng đồng bào trong nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Chủ tịch nước cho rằng khó khăn, thách thức còn nhiều nhưng tiềm năng và vận hội để phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta là hết sức to lớn. Ông kêu gọi đoàn kết, kế thừa và phát huy truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

Cụ thể là: giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Tới đây, để chuẩn bị Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng ta sẽ công bố dự thảo báo cáo chính trị để lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch nước nói: “Mong rằng cùng với đồng bào trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài sẽ tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng của báo cáo, để báo cáo kết tinh được trí tuệ, tình cảm của cả dân tộc ta”.

QUỐC THANH

 

HỒNG QUÝ - MỸ LOAN - PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên