01/04/2018 13:52 GMT+7

Tiểu vùng Mekong cần huy động 66 tỉ USD

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng lần 6 ở Hà Nội ngày 31-3, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí tầm nhìn hợp tác 5 năm tới với Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 và Khung đầu tư vùng 2022.

Tiểu vùng Mekong cần huy động 66 tỉ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại phiên toàn thể Hội nghị thượng đỉnh GMS lần 6 ở Hà Nội ngày 31-3 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Kế hoạch hành động Hà Nội đề ra các chiến lược phát triển ngành và trọng tâm hành động cho các lĩnh vực trọng điểm bao gồm giao thông, năng lượng, nông nghiệp, môi trường, y tế, du lịch, phát triển đô thị, thuận lợi hóa thương mại và công nghệ thông tin...

Trong khi đó, Khung đầu tư vùng 2022 trị giá 66 tỉ USD được xem là mục tiêu tham vọng vì gấp hơn ba lần con số 21 tỉ USD mà các quốc gia GMS huy động từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển khác trong lịch sử hình thành và phát triển 25 năm qua của tiểu vùng này.

Còn thiếu 27 tỉ USD

Ngoài các dự án hạ tầng trọng điểm đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện như Hành lang kinh tế Đông Tây, Bắc Nam và ven biển phía Nam, vẫn còn nhiều dự án hạ tầng lớn trong tiểu vùng Mekong (GMS) đang có kế hoạch thực hiện và cần nguồn vốn rất lớn.

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể Hội nghị thượng đỉnh GMS lần 6 ngày 31-3, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết Lào và Việt Nam khởi động thực hiện dự án hợp tác tại cảng Vũng Áng để giúp Lào tiếp cận biển. Ngoài ra, Vientiane cũng bắt đầu khảo sát và nghiên cứu đường cao tốc nối thủ đô Vientiane với Hà Nội, đường sắt nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với Lào, và đường sắt kết nối giữa Lào với các quốc gia GMS khác.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết nước này vừa ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng đường sắt cao tốc kết nối Lào, Thái Lan và Trung Quốc.

"Chúng tôi rất coi trọng dự án này, giúp tăng cường kết nối, giao thông, giảm thời gian đi lại giữa các quốc gia xuống còn vài giờ" - Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói và kêu gọi các quốc gia GMS cần hợp tác nhiều hơn nữa để có nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu các dự án này.

Cũng tại phiên toàn thể, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cam kết sẽ tài trợ 7 tỉ USD trong số 66 tỉ USD. Ông Takehiko Nakao cho biết 66 tỉ USD này là nguồn vốn cần huy động cho 227 dự án trong những lĩnh vực quan trọng như giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giao thông, năng lượng, phát triển nông nghiệp, y tế, phát triển nguồn nhân lực và phát triển đô thị...

Ông Nakao tiết lộ các nước còn thiếu 27 tỉ USD nữa mới huy động đủ số tiền 66 tỉ USD để triển khai các dự án trong danh mục này. Và theo chủ tịch ADB, 27 tỉ USD cần được huy động từ khu vực tư nhân.

Không để nước nào ở lại phía sau

Sau khi tuyên bố thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội và Khung đầu tư vùng, lãnh đạo các nước thành viên GMS đã nêu các định hướng và đề xuất cụ thể cho hợp tác 5 năm tới nhằm hiện thực hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số hướng hợp tác lớn, bao gồm phát triển hạ tầng cơ sở, thúc đẩy "kết nối tương hỗ" về thương mại - đầu tư, hỗ trợ các nước thành viên xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen khuyến nghị các quốc gia GMS cần thiết lập các đặc khu kinh tế dọc biên giới để giúp các hoạt động kinh tế toàn diện và đa dạng hơn. Còn theo Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, các nước cũng cần phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia mạnh mẽ hơn chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, và thiết lập các cơ chế chính sách ủng hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ, và siêu nhỏ. "Không để bất kỳ quốc gia nào tụt lại phía sau bởi vì chúng ta đều là thành viên của một gia đình chung" - Thủ tướng Prayut nhấn mạnh.

Thành tựu của GMS

Trong 25 năm hình thành và phát triển của GMS, đã có hơn 21 tỉ USD được huy động cho hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp tác kết nối với việc xây dựng mới và nâng cấp nhiều sân bay, 80 cây cầu, 10.000km đường bộ, 500km đường sắt, và 3.000km đường dây truyền tải điện.

Thông qua kế hoạch kết nối 3 nền kinh tế CLV

Cũng trong ngày 31-3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần 10 do thủ tướng 3 nước chủ trì. Trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị đã nhất trí từng bước mở rộng hợp tác khu vực tam giác phát triển CLV hướng tới bao trùm toàn bộ 3 quốc gia, không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh biên giới. Để khởi động quá trình này, ba nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối 3 nền kinh tế CLV đến năm 2030. Kế hoạch hợp tác bao gồm những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở, kết nối về thể chế và kinh tế và giao lưu nhân dân.

Campuchia - Lào - Việt Nam "vững như kiềng ba chân" Campuchia - Lào - Việt Nam 'vững như kiềng ba chân'

TTO - Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ví von tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam "vững như kiềng ba chân", trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tâm đắc với câu tục ngữ "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên