09/10/2012 08:19 GMT+7

Tiểu thương dị ứng với chợ tư nhân

NGỌC TÀI - THÚY HẰNG
NGỌC TÀI - THÚY HẰNG

TT - Thời gian gần đây, phong trào tư nhân đầu tư xây dựng chợ phát triển khá mạnh tại Tiền Giang. Nhưng sau khi vào các chợ này mua bán, tiểu thương liên tục kêu ca về những bất hợp lý ở đây.

Nhiều nơi tiểu thương nhất quyết không vào chợ khiến chợ phải bỏ hoang.

IlWQKjdR.jpgPhóng to
Một tiểu thương ở chợ Cũ, TP Mỹ Tho đang cố nhảy qua sạp hàng vì không có đường để đi - Ảnh: Thúy Hằng

Chợ như hộp cá mòi

Chợ Cũ và chợ Bảo Định, TP Mỹ Tho là hai trong số các chợ tư nhân đầu tư bị tiểu thương ta thán nhiều nhất thời gian qua. Những chuyện bị tiểu thương phản ứng là bố trí quầy sạp quá chật hẹp, không hợp lý, phí cao nhưng chất lượng không tương xứng.

Tiểu thương kêu phí gì cũng cao

Bà Nguyễn Thị Kim Anh có năm quầy buôn bán tạp hóa ở chợ Cũ. Theo bà Anh, mỗi tháng bà đóng phí chợ hơn 1,8 triệu đồng, tiền điện 200.000 đồng (giá 4.000 đồng/kWh, cao hơn các chợ trong khu vực), tiền rác 20.000 đồng. Nếu tính luôn tiền thuế đóng cho Nhà nước 350.000 đồng/tháng, thuế môn bài 1 triệu đồng/năm thì mỗi ngày mở cửa chợ bà phải đóng thuế, phí hết 73.000 đồng. Đó là chưa kể khoản tiền thế chân đóng cho nhà đầu tư xây chợ hơn 11 triệu đồng. Trong khi đó, ngày nào bán đắt thì bà lời được 100.000 đồng, còn bán ế chỉ kiếm được 40.000-50.000 đồng.

“Trước khi nhà đầu tư xây chợ này tui có 10 quầy, diện tích mỗi quầy rộng hơn bây giờ nhiều nhưng tiền điện chỉ có 30.000 đồng/tháng, hoa chi 300.000 đồng/tháng mà tiền lời nhiều hơn hiện nay” - bà Anh nói.

Tháng 8 vừa qua, chợ Cũ ở P.8, TP Mỹ Tho vừa xây xong thì các tiểu thương ngành hàng thịt heo đã có đơn khiếu nại yêu cầu mở rộng lối đi vì lối đi từ cổng chợ vào và giữa các quầy sạp quá nhỏ (chỉ 1,2m). Tuy nhiên yêu cầu này không được chấp nhận vì nhà đầu tư (Công ty Lợi Nhân) đã “tiết kiệm” tối đa mặt bằng để bố trí càng nhiều quầy sạp càng tốt. “Diện tích một quầy hàng chỉ có 3m², ngang 1,5m, sâu 2m thì buôn bán cái gì được chứ?” - một tiểu thương bức xúc.

Chợ Bảo Định ở đường Ấp Bắc, P.10 (TP Mỹ Tho) cũng giống như chợ Cũ là tiểu thương muốn đi đâu chỉ có cách “bay” qua quầy hàng của mình chứ không có lối ra! Các quầy sạp được bố trí như cá mòi trong hộp nên tiểu thương không có chỗ để ngồi. “Tụi tui phải đứng muốn rụng cặp chân từ sáng đến chiều” - một tiểu thương ở chợ Bảo Định nói. Một số người đi mua hàng ở chợ Bảo Định nhận xét: “Chợ mới xây gì mà khu bán thức ăn nằm cạnh nhà vệ sinh, khu bán cá ngay phía mặt tiền chợ rất nhếch nhác”.

Cả tháng nay tiểu thương chợ Thạnh Trị ở P.4, TP Mỹ Tho đứng ngồi không yên vì thông tin UBND TP Mỹ Tho cho phép Công ty TNHH Thuận Kiều thuê đất, đầu tư nâng cấp và khai thác chợ Thạnh Trị trong thời gian 20 năm. Đây là lần thứ hai TP quyết tâm làm chuyện này. Trước đó năm 2011, TP đã có chủ trương xây lại chợ này theo hình thức xã hội hóa nhưng phải tạm ngừng vì tiểu thương phản ứng rất dữ.

Tháng 9 vừa qua, tại buổi đối thoại với tiểu thương chợ Thạnh Trị do UBND TP Mỹ Tho tổ chức để thông báo phương án dời tiểu thương ra đường Trần Hưng Đạo nhằm giao mặt bằng cho nhà đầu tư xây chợ mới, hầu hết tiểu thương không đồng tình vì cho rằng chợ còn mới, không cần thiết phải xây lại. Nếu cần sửa chữa, nâng cấp thì họ sẵn sàng góp tiền làm.

Bà A, một tiểu thương bán trái cây tại chợ Thạnh Trị, cho biết hiện tại bà thuê sạp rộng 8m² thuộc khu ngoài trời chỉ hơn 300.000 đồng/tháng, nhưng nếu nhà đầu tư nhúng tay vào thì bà phải đóng hơn 1 triệu đồng/tháng mà diện tích bị thu hẹp.

“Chủ đầu tư còn độc quyền nhiều thứ như bắt thuê dù của họ giá 5.000 đồng/ngày. Trong khi giá cây dù chỉ hơn 600.000 đồng, xài cả năm chưa hư. Nếu thuê của họ thì mỗi năm tiểu thương phải đóng hơn 1,8 triệu đồng. Ăn lời gì dữ vậy?” - bà A. bức xúc.

Chợ An Cư tại xã An Cư, huyện Cái Bè đã khánh thành hơn một năm nhưng chịu cảnh “cửa đóng then cài” vì tiểu thương không chấp nhận những loại thuế, phí và các yêu cầu khác mà nhà đầu tư đưa ra.

Không để doanh nghiệp tận thu

Theo ông Nguyễn Văn Công - phó giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, có hai nguyên nhân khiến tiểu thương phản đối chợ tư nhân đầu tư. Thứ nhất, phí chợ cao hơn so với chợ nhà nước đầu tư. Thứ hai, do tâm lý người dân không thích làm việc với nhà đầu tư tư nhân. Phí chợ cao một phần là do nhà đầu tư phải thuê đất xây chợ, kinh phí xây dựng chợ và bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Công, trong quá trình thẩm định dự án xây dựng chợ xã hội hóa, quan điểm của Sở Công thương là khuyến khích đầu tư xây dựng chợ nhưng tuyệt đối không để nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận mà tận thu của tiểu thương. “Cơ quan chức năng đã thuyết phục nhà đầu tư giảm chỗ này chỗ kia cho hợp lý trước khi đầu tư xây dựng chợ. Nếu nhà đầu tư đưa giá trên trời để tiểu thương không chịu vào chợ bán thì nhà đầu tư cũng “bó tay” thôi” - ông Công nói.

Ông Công nói thêm thời gian tới cơ quan chức năng và các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, làm rõ chủ trương xây chợ xã hội hóa để phục vụ người dân là chính. Địa phương cũng phải làm việc lại với nhà đầu tư về các khoản mà tiểu thương phải đóng. “Mục tiêu chính mà tỉnh và địa phương phải làm là bênh vực quyền lợi của tiểu thương và người dân. Không để nhà đầu tư vì lợi nhuận mà ép dân để dân kêu ca như vừa qua” - ông Công nói.

NGỌC TÀI - THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên