03/06/2021 14:26 GMT+7

Tiêu thụ điện liên tiếp lên đỉnh mới, điện tái tạo chạy hết công suất

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Liên tiếp 3 ngày vừa qua, mức tiêu thụ điện trong nước tiếp tục lập đỉnh, phá các kỷ lục của ngày trước và bỏ xa mức đỉnh của các năm trước. Đây cũng là thời điểm điện tái tạo được huy động ở mức cao nhất, phát lên lưới tối đa.

Tiêu thụ điện liên tiếp lên đỉnh mới, điện tái tạo chạy hết công suất - Ảnh 1.

Tiêu thụ điện tăng kỷ lục khiến các nhà máy điện mặt trời, điện gió đều được huy động tối đa công suất - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày 3-6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết công suất tiêu thụ điện toàn quốc ngày 2-6 tiếp tục lập đỉnh mới 41.558 MW, vượt qua mức đỉnh tiêu thụ ngày 1-6 (41.309 MW) và ngày 31-5 (41.549 MW). 

Như vậy, nếu so với mức đỉnh năm 2020, công suất đỉnh toàn quốc ngày 2-6 đã cao tới hơn 3.200 MW, tương đương mức tổng công suất của cả nhà máy thủy điện Sơn La (2.400 MW) và thủy điện Lai Châu (1.200 MW).

Tiêu thụ điện tăng đột biến mùa nắng khiến công suất huy động từ các nhà máy năng lượng tái tạo cũng đạt đỉnh, luôn duy trì ở mức cao, kể cả điện mặt trời trang trại (solar farm) lẫn dự án điện mặt trời mái nhà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Anh Vũ - giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) - cho biết các dự án điện mặt trời mái nhà đã được phát lên lưới tối đa công suất, riêng dự án điện mặt trời mái nhà của doanh nghiệp này tại Bình Dương trước đây có thời điểm cắt giảm công suất nhưng đến nay đã phát lên lưới được 100% công suất.

Tương tự, đại diện các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn cũng cho hay đây là thời điểm điện mặt trời được phát lên lưới công suất cao nhất, khi nắng nóng khiến bức xạ mặt trời cao và điện cũng được bán lên lưới ở mức tối đa.

Ông Trương Vĩnh Thành - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai - cho biết trong những ngày qua, hai dự án điện mặt trời của doanh nghiệp này tại An Giang và Long An với tổng công suất 260 MW đã được phát lên lưới với công suất cao nhất từ đầu năm đến nay. 

Theo ông Thành, hai nguyên nhân dẫn đến mức công suất được phát tăng mạnh là tiêu thụ điện trong nước tăng mạnh, đồng thời đây là thời điểm lượng bức xạ tốt nên lượng điện bán lên lưới cao. 

Ông Thành cũng cho biết tại một số thời điểm vẫn bị cắt giảm do quá tải cục bộ đường dây truyền tải, song lượng cắt giảm đã được cải thiện đáng kể.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hưng - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Điện mặt trời (Solarcom) - cũng cho biết dự án điện mặt trời của doanh nghiệp này thời gian qua đã được huy động tối đa công suất, sản lượng điện cắt giảm mỗi ngày chỉ dưới 10% tổng công suất phát và chỉ giảm phát do nhu cầu tiêu thụ giảm vào giờ thấp điểm.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, những ngày qua 110 dự án điện mặt trời, điện gió đang vận hành đều được huy động tối đa công suất, chỉ một số ít các nhà máy bị giới hạn công suất với mức giới hạn khá thấp.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho hay một số nhà máy điện mặt trời và điện gió khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, An Giang, Long An, Bình Định, Phú Yên phát công suất cao có thể gây quá tải các đường dây 110 kV, 220 kV liên quan, nên đơn vị này đã giới hạn công suất một số nhà máy để đảm bảo vận hành hệ thống điện.

Mừng trước mắt, lo dài lâu

Theo phó giám đốc một nhà máy điện mặt trời, nhà máy của doanh nghiệp này chỉ bị cắt giảm dưới 10% công suất do quá tải đường dây nên đây là thời điểm bán điện đạt đỉnh của dự án điện mặt trời này.

Tuy nhiên, vị này cho hay khi tiêu thụ điện toàn quốc giảm sau mùa nắng nóng, cộng với hàng loạt dự án điện gió với công suất hàng ngàn MW sẽ hòa lưới trước ngày 31-10 năm nay sẽ khiến số lượng dự án điện tái tạo đẩy lên lưới tăng lên, khả năng các dự án điện tái tạo sẽ tiếp tục bị cắt giảm, thậm chí có thể cắt giảm mạnh hơn thời gian qua.

Bên cạnh đó, vị này cho hay mối lo lắng hiện hữu của các doanh nghiệp đó là tại một số vùng, như ở các tỉnh Nam Trung Bộ thì đường dây truyền tải vẫn còn bị giới hạn, do đó khả năng phát lên lưới hết công suất vẫn còn chưa đảm bảo, chỉ khi nào các đường dây truyền tải được cải thiện cũng như nhu cầu tiêu thụ điện tăng, các nhà máy mới vơi đi nỗi lo cắt giảm.

Điện tái tạo: sắm trâu lơ sắm cày? Điện tái tạo: sắm trâu lơ sắm cày?

TTO - Trước tết, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc cảnh báo về nguy cơ sập hệ thống điện quốc gia bởi thừa điện từ năng lượng tái tạo, trong đó chiếm chủ yếu là điện mặt trời (ĐMT).

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên