03/01/2025 09:17 GMT+7

Tiêu dùng Tết học theo... TikToker

Trong mùa Tết năm nay, nhiều người có xu hướng giảm mua sắm thực phẩm làm sẵn, tăng sản phẩm "của nhà trồng" bằng cách học theo một số kênh ẩm thực của các TikToker nổi tiếng, với lý do chi phí nguyên liệu rẻ, dễ làm và hợp một năm "kinh tế buồn".

Tiêu dùng Tết học theo... TikToker - Ảnh 1.

Người tiêu dùng có xu hướng giảm mua sắm, tăng học theo các TikToker nổi tiếng có kênh ẩm thực để tự làm thực phẩm Tết, tiết kiệm chi phí - Ảnh: BẢO TRÂN

Theo báo cáo thị trường của Kantar Worldpanel Việt Nam trong 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn. Khác với trước, đây là thời điểm các nhà sản xuất, phân phối nắm bắt lại thị trường để đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng trong dịp Tết.

"Tết này vẫn giống Tết xưa"

Ý tưởng năm nay sắm Tết thật đơn giản của chị Nguyễn Thị Hà Anh (quận 1, TP.HCM) xuất phát từ 2 tháng trước khi vô tình theo dõi một kênh TikToker chuyên chia sẻ cách làm nhiều món ăn ngày thường, ngày Tết. Đây là kênh "bán chuyên nghiệp", nhưng những món ăn ngày Tết có nguyên liệu giá thành rẻ, chợ nào cũng có bán và gợi ý cho người xem ý tưởng chuẩn bị Tết.

"Đặc biệt những món này là câu trả lời cho những người không biết mua gì ăn gì ngày Tết cho đơn giản, tiết kiệm", chị Hà Anh chia sẻ lý do theo dõi kênh của một nữ TikToker, đồng thời cho biết đã "bỏ túi" được kha khá các món ăn, các nguyên liệu. Chị ghi chú lại trên điện thoại món nào phải mua, giá thành bao nhiêu để lên kế hoạch sắm Tết cho vừa vặn với túi tiền.

Chẳng hạn chị ghi rõ: giò heo 135.000 đồng/kg, mua 5kg; nấm tai mèo 200 gram. Thịt nạc đùi, vai heo 180.000 đồng/kg, mua 4kg làm chả ram và nấu với trứng. Ba rọi heo rút sườn 265.000 đồng/kg, đặt 2kg. Củ cải muối, cà rốt mỗi thứ 2kg. Măng khô Gia Lai 500 gram...

"Tất cả những nguyên liệu này, tôi mua về làm sẽ rẻ hơn một nửa so với giá thị trường. Nếu mua giò chả heo đã làm sẵn ngày Tết tăng giá, mức 220.000 - 250.000 đồng/kg tùy nơi. Nhưng khoảng 600 gram thịt, có hơn 100.000 đồng, tôi xay ra làm được 1kg chả giò. Tôi đã làm thử theo TikToker chỉ trên mạng. Tết năm nay kinh phí eo hẹp nên tôi sẽ thực hiện toàn các món "nhà trồng" được", chị Hà Anh nói thêm.

Trong khi đó, gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (quận Tân Bình) cho biết năm nay sẽ không mua sắm nhiều, hay "tay xách nách mang" khi về quê miền Trung ăn Tết như các năm. Thay vào đó, chị Xuân cho biết sẽ mang về... công thức làm món ăn ngày Tết.

"Tôi theo dõi một nam TikToker ở miền Tây, mỗi ngày tạo một video về món ăn. Mà theo dõi một TikToker thì nhiều TikToker tự động hiện lên trên trang cá nhân của mình nên tôi có rất nhiều lựa chọn chuẩn bị món Tết mà không phải mua tốn kém như các năm trước", chị Xuân nói.

Bánh trứng, thịt đông, nem rán, giò lụa, dưa hành, thịt heo ngâm mắm, bắp bò rim, tôm chua, dưa món, lạp xưởng, tré... bày bán ở siêu thị. Những món này năm nào chị Xuân cũng chi gần 4 - 5 triệu đồng để mang về quê, rút gọn thời gian mua sắm. Năm nay chị Xuân tính toán rằng chỉ cần chi ra 2 triệu đồng để làm những món này, công thức và cách làm các "thầy" TikToker đã chỉ rất rõ.

"Về quê mua nguyên liệu có khi lại rẻ hơn nhiều so với mua ở TP.HCM. Với bánh kẹo hay những thực phẩm khác, năm nay gia đình tôi rất hạn chế, vì trẻ con bây giờ không thích ăn bánh kẹo nhiều. Tôi vào bếp làm bánh, làm nhiều món ăn để các con vào cùng làm, vừa giảm chi tiêu ngày Tết vừa tăng trải nghiệm thú vị cho con", chị Xuân cho biết thêm.

Sức tiêu thụ bánh kẹo, thực phẩm dự trữ giảm

Giám đốc truyền thông của hệ thống siêu thị (thuộc tập đoàn ở Thái Lan) cho rằng xu hướng người tiêu dùng có sự thay đổi; cụ thể khách hàng chú ý nhiều hơn giá cả so với năm trước. Vì vậy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu được ưu tiên cho vào giỏ hàng hơn các mặt hàng xa xỉ.

"Nguồn hàng được chúng tôi lựa chọn từ các nhà phân phối có đa dạng sản phẩm, đặc biệt chia nhỏ khối lượng sản phẩm với mức giá khác nhau, ưu tiên món lẻ giá rẻ để thu hút khách hàng nhiều hơn. Với việc mua bánh kẹo, thực phẩm làm sẵn trên các sàn thương mại điện tử, rồi xu hướng người tiêu dùng tự làm thực phẩm Tết học theo trên mạng xã hội, năm nay chắc chắn hệ thống bán lẻ trực tiếp chuẩn bị tinh thần đón nhận mức giảm trong mua sắm dịp Tết", vị này cho biết.

Cũng thừa nhận xu hướng tiêu dùng thay đổi, chuyên gia kinh tế Lê Anh Hùng (TP.HCM) kể chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh. Trước đây doanh nghiệp kinh doanh hàng Tết cứ "đến hẹn lại lên", sản xuất những sản phẩm quen thuộc rồi tung ra thị trường. Còn hiện nay thay vì tăng sản lượng, không ít doanh nghiệp thiết kế những mẫu mã độc lạ, tiện lợi, theo trend (xu hướng) và đặc biệt giá rẻ.

"Với sức cạnh tranh từ mua bán online, từ quá nhiều kênh làm ẩm thực từ TikToker, mạng xã hội... tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải chuyển mình để đón xu hướng tiêu dùng mới", ông Hùng nói và cho rằng nhiều người dân cũng dành thời gian cho gia đình, tăng hoạt động trải nghiệm thay vì tập trung ăn uống ngày Tết để giảm chi phí mua sắm... cũng là lý do khiến sức hút cho chi tiêu sản phẩm bánh trái, mứt kẹo, nước ngọt, thực phẩm dự trữ trong dịp Tết giảm.

Theo PGS.TS Lê Thị Thanh Hằng - giảng viên khoa tài chính - ngân hàng Trường ĐH Tài chính - Marketing, người tiêu dùng học theo các TikToker làm các món ngày Tết tiết kiệm chi phí là hướng tiêu dùng thông minh nhằm giảm "ác mộng" trong chi tiêu ngày Tết vì có vô vàn thứ phải mua sắm, đồng thời cho rằng các TikToker xây dựng kênh ẩm thực nắm bắt xu hướng, thời sự, tình hình kinh tế nên các video hướng dẫn luôn "đúng ý" người theo dõi.

Cũng theo vị này, để kiểm soát được mức chi tiêu ngày Tết, cần hạn chế mang theo tiền mặt hoặc thẻ tín dụng để tạo cảm giác "thiếu hụt" giúp người dùng cân nhắc kỹ trước khi quyết định chi tiêu.

"Cắt giảm chi phí giải trí, so sánh giá cả trước khi mua sắm. Hay tận dụng vé giảm, mã giảm giá, khuyến mãi... để mua với giá rẻ hơn; lên danh sách chi tiêu cụ thể những mặt hàng được ưu tiên và giảm bớt những món đồ ít quan trọng; có quy tắc 30 giây là trước khi mua sản phẩm Tết tự hỏi nó có cần thiết, vì sao phải mua...", vị này nói.

Tự làm món ngon, ít tiền ngày Tết

Tiêu dùng Tết học theo... TikToker - Ảnh 2.

Chi tiêu tiết kiệm cũng là “kim chỉ nam” trong việc nua sắm Tết năm nay của nhiều người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc chia sẻ làm nhiều món ăn ngày Tết hợp với một năm "kinh tế buồn", trên mạng xã hội có nhiều nhóm như "Tết này mua gì, ăn gì?", hoặc "Món ăn ngon ít tiền ngày Tết"... Tại các trang này, nhiều tài khoản đăng tải những món ăn ngày Tết với công thức "bất bại".

Các món với chi phí rất rẻ, từ vài chục ngàn đồng như dưa hành, củ cải, tỏi ngâm... cho đến các món vài trăm ngàn đồng đều không nằm ngoài sự lựa chọn của các bà nội trợ ở mọi vùng miền. "Lại một năm kinh tế buồn. Thôi có sao dùng vậy, nhà các bác thế nào?" là chia sẻ của tài khoản Chanh Nguyen.

Nhiều bình luận như "Tết này không dư dả, tận dụng thực phẩm chế biến tại gia"; hoặc "Giàu sang tiền tỉ hay nghèo ít tiền đều ăn Tết cũng chừng ấy thời gian, có sao sắm vậy"... nhận được nhiều lượt thích.

Trong khi đó, báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết do nền tảng phân tích số liệu thị trường Metric thực hiện mới đây cho thấy trong dịp Tết 2025, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ...

Học món ăn ngày Tết để kinh doanh

Nhiều người tiêu dùng cũng học hỏi từ TikToker ẩm thực nổi tiếng để làm những "món tủ" ngày Tết hay những món mang đặc trưng nhà hàng để kinh doanh dịp Tết, tăng thu nhập.

"Lại đến Tết nữa rồi cả nhà ơi. Năm 2025, bếp nhà em có các loại bánh truyền thống, các món ăn ngày Tết mà các bác hay thấy TikToker nổi tiếng làm trên mạng. Ngon rẻ, chỉ 100 cành (100.000 đồng) tậu được một món ngày Tết", tài khoản T.K. rao bán bánh truyền thống, dưa hành, giò tai heo...

Theo đó tài khoản này rao bán chả giò tai heo với giá 210.000 đồng/kg, dưa hành 60.000 đồng/hũ, bánh truyền thống các loại có mức 50.000 - 150.000 đồng/bịch và một số món khác nhiều tài khoản rao bán nhưng chưa có giá chính thức vì phụ thuộc sức mua thị trường Tết.

Chị Mỹ Dung (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng cho biết thay vì chạy bàn, phục vụ quán ăn ngày Tết hay làm việc thời vụ những ngày cuối năm, đây là năm đầu tiên chị kinh doanh các mặt hàng Tết mà các TikToker trên mạng chỉ cách làm.

"Khách hàng của tôi là những người tiêu dùng bận rộn, người quen hoặc khách muốn đổi vị, cũng như muốn bớt ít chi phí. Do những món tôi làm có giá rẻ hơn ở thị trường khoảng 1/3, vì tôi không chi tiền mặt bằng, nhân công, chi phí sạp", chị Dung nói.

Tiêu dùng Tết học theo... TikToker - Ảnh 3.Sắm Tết đủ đầy dù túi tiền eo hẹp

Chỉ còn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này nhiều gia đình bắt đầu nhập cuộc sắm Tết, tìm kiếm giỏ quà để biếu tặng người thân, bạn bè, đối tác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên