07/11/2012 02:17 GMT+7

Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai

Theo TTXVN
Theo TTXVN

TT - Ngày 31-10-2012, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

* Quốc hội thảo luận về Luật đất đai (sửa đổi): Đề nghị lấy ý kiến toàn dân

Tuổi Trẻ xin trích đăng nghị quyết này.

CD63qf77.jpgPhóng to
Nhân viên văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM hướng dẫn làm thủ tục về đất đai - Ảnh: THANH ĐẠM

Nghị quyết khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và hình thức giao đất, cho thuê đất. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

Thu hẹp các đối tượng được giao đất

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn và có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tùy theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết xác định thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất sản xuất.

Quy định cụ thể điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng; không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, giá trị đã đầu tư vào đất đối với các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.

Bảo đảm đời sống người dân có đất bị thu hồi

Theo nghị quyết, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Kiện toàn, nâng cao năng lực của tổ chức có chức năng phát triển quỹ đất để bảo đảm thực thi nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đất đang sử dụng hợp pháp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi. Nghiên cứu phương thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.

Hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, huy động các nguồn vốn xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để bố trí chỗ ở mới cho người có đất bị thu hồi trước khi bồi thường, giải tỏa. Khu dân cư được xây dựng phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

Nghị quyết yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản. Tăng cường sự quản lý, điều tiết của Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Việc phát triển đô thị, các dự án kinh doanh bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân.

Đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị, cần quy hoạch cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để thu hồi đất, tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này, hỗ trợ người có đất bị thu hồi và tăng thu ngân sách nhà nước; đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu

Giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Chính phủ quy định phương pháp định giá đất và khung giá đất làm căn cứ để ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất. Bổ sung quy định về điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất bảo đảm linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế để xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Nghị quyết cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và không chồng chéo.

Rà soát, sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hướng vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của trung ương, vừa phát huy quyền chủ động của địa phương. Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp.

Tăng cường giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ trong quản lý đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Các cơ quan có thẩm quyền phải tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự; công bố công khai kết quả giải quyết.

______________

(*) Tít và tít phụ trong bài do Tuổi Trẻ đặt.

----------------------

Tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật đất đai (sửa đổi) chiều 6-11, đại biểu (ĐB) Huỳnh Thành Lập - trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM - kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên cho lấy ý kiến toàn dân về dự luật này.

AmfFMBNA.jpgPhóng to 3aEjMC5V.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội

Đại biểu QH Trần Du Lịch phát biểu tại thảo luận tổ - Ảnh: V.D

Trước nhiều ý kiến bàn cãi quanh dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang hứa sẽ tiếp tục có một cuộc thảo luận riêng với Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM.

“Họ đi đâu không ai biết”

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng trong thực tế đã giao hầu hết các quyền cho người sử dụng đất (QSDĐ), mà QSDĐ được xem như một quyền tài sản. Nhà nước bảo hộ quyền tài sản và như vậy làm sao Nhà nước thu hồi tài sản của họ được. “Trên thực tế, cơ bản đất đã có chủ hết rồi” - ông Lịch nói và đề nghị sửa luật cần tiếp cận theo hướng từ QSDĐ của người dân, thay vì tiếp cận từ Nhà nước đối với đất đai.

Theo ông Lịch, đối với đất đô thị cần chấm dứt tình trạng Nhà nước lấy quyền của mình giao đất cho nhà đầu tư trong khi đó là tài sản hợp pháp. “Nhà cửa hợp pháp, đất đai hợp pháp, lấy quyền gì giao cho nhà đầu tư?” - ĐB Lịch nói. Ông Lịch cho biết rất đau xót vì từ năm 1992-1997, tại TP.HCM thu hồi đất làm khu chế xuất và chuyển dân ra khu chung cư Phú Mỹ ở, khoảng 432 căn hộ, hai năm sau họ bán sạch nhà đi đâu không ai biết. “Những người đang sống trong những căn biệt thự sang trọng ở Phú Mỹ Hưng có biết rằng những người đã sống bao nhiêu đời nhưng đã bị giải tỏa nay họ đi đâu, sống ra sao, số phận họ thế nào?” - ông Lịch bức xúc.

Trả lại cho dân hàng nghìn hecta đất

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai”. Theo đánh giá trong báo cáo giám sát, còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực này, một số cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao che đối với cán bộ sai phạm. Qua thanh tra từ năm 2003-2011 đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỉ đồng, 4.817ha đất, khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân, kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người, chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) khẳng định tình trạng dân khiếu nại về đất đai chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, trong đó có tình trạng thu hồi bừa bãi. “Cần quy định rõ Nhà nước chỉ thu hồi, áp giá đền bù khi lấy đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, đồng thời quy định chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Còn đối với đất thương mại, tôi đồng ý với quy định Nhà nước thu hồi, tạo quỹ đất sạch, có cơ quan định giá độc lập để đền bù cho dân, sau đó đem ra đấu thầu làm thương mại” - ông Nam bày tỏ.

Tuy nhiên, ĐB Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng nguồn lực đâu để tạo quỹ đất sạch, ví dụ như nguồn tiền đền bù. Theo ông Khoa, nhiều địa phương muốn có quỹ đất sạch, nhưng vì nguồn lực ban đầu không có nên mới phải giao cho doanh nghiệp, chính vì vậy dự thảo luật nên có quy định rõ về cơ chế, chính sách để xử lý vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Nên khuyến khích tích tụ ruộng đất

ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (Hải Phòng) đề nghị không nên quy định Chính phủ ban hành bảng giá đất, mà Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá và giám sát việc định giá. Còn lại, để các địa phương xác định giá đất cho linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ sự băn khoăn khi trao cho UBND thẩm quyền quy định bảng giá đất mà không thấy vai trò của HĐND. “HĐND là đại diện cho dân, hơn nữa nếu trao cho UBND quyền này thì có điểm thiếu khách quan vì UBND là nơi có thẩm quyền quyết định đối với các dự án, mà lại định giá đất nữa thì người ta sẽ thấy băn khoăn” - ông Lưu nói.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Nghĩa: “Nhiều nơi tình trạng quy hoạch treo diễn ra phổ biến nhưng không ai bị xử lý. Tôi đề nghị bổ sung chế tài đối với các hành vi vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.

Liên quan đến hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo luật quy định không quá 10 lần hạn mức giao đất, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nêu ví dụ người dân được giao 3ha nhưng người đứng ra mua được tới 30ha và lo ngại hình thành “địa chủ mới”.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quốc Cường cho rằng nên khuyến khích tích tụ ruộng đất, như vậy mới có điều kiện để sản xuất lớn, áp dụng công nghệ hiện đại. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Không tích tụ thì sản xuất manh mún, không sản xuất, làm ăn lớn được, nhưng tích tụ quá lại ảnh hưởng đến vấn đề “người cày có ruộng”. Tôi nghĩ có một cách khác, đó là người dân có quyền dùng đất của mình góp vốn vào sản xuất, thành lập hợp tác xã, như vậy vẫn có thể sản xuất lớn được”.

Tôn trọng quyền của người có đất

Xu hướng tới đây là Nhà nước sẽ trực tiếp thu hồi đất và nhà đầu tư chỉ là nhà đầu tư thứ cấp, không giao đất như vừa qua. Thời gian qua, phần lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được là ghê gớm. Lần này phải sửa, khắc phục, nếu không sẽ tùy tiện trong thu hồi đất. Nhà nước dùng quyền của mình muốn thu hồi đất là thu hồi, cũng không phải như vậy. Quyền của người có đất phải được pháp luật tôn trọng.

Trước khi thu hồi đất phải khảo sát ý kiến người dân, điều tra hiện trạng đất đai và dân cư. Tôi rất thấm thía điều ĐB Trần Du Lịch nói sau khi thu hồi đất không biết người dân đi đâu, sống thế nào. Điều đó vô cùng quan trọng. Bài học ấy đã quá thấm thía rồi. Tóm lại phải tôn trọng lợi ích của người dân, người có đất.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên