31/05/2016 14:53 GMT+7

“Tiếp oxy” cho doanh nghiệp: Giảm thuế rất cần nhưng chưa đủ

LÊ THANH ghi
LÊ THANH ghi

TTO - Việc giảm thuế chỉ có ý nghĩa một nửa, bởi chỉ các doanh nghiệp (DN) có lãi mới được hưởng lợi. Trong khi đó, hàng chục ngàn DN nhỏ và vừa đang làm ăn thua lỗ, thậm chí phải ngưng hoạt động, cũng rất cần được hỗ trợ.

Ngoài việc giảm thuế, doanh nghiệp cũng rất cần một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng - Ảnh: HỮU KHOA
Ngoài việc giảm thuế, doanh nghiệp cũng rất cần một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng - Ảnh: HỮU KHOA

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy, đồng thời cho rằng Nhà nước phải tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và ổn định để các DN an tâm làm ăn.

TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia tài chính):

Chỉ mới tốt cho doanh nghiệp có lãi

Thuế suất thuế TNDN với DN nhỏ và vừa giảm cũng tốt cho DN, nhưng chỉ có ý nghĩa với DN đang làm ăn có lãi. Thực tế trong bốn tháng qua, số DN ngừng hoạt động, phá sản lên tới 29.000 đơn vị. Đây chủ yếu là DN nhỏ và vừa.

Vấn đề chính là làm thế nào để DN bớt lỗ rồi trụ được để kinh doanh có lãi, được nộp thuế TNDN và hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN. Mà muốn có lãi và nộp thuế, DN phải giảm được chi phí hoặc tăng được giá bán hàng hóa.

Nhưng với sức ép cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc DN tăng giá bán hàng hóa, sản phẩm là rất khó. Do đó, chỉ nên phải tăng số lượng hàng bán. Chính vì vậy, ngoài việc DN phải tự tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của mình, Nhà nước nên tạo điều kiện để DN mở rộng thị trường.

Còn với chi phí, DN đang phải trả hai loại chi phí gồm chính thức và không chính thức. Tự DN phải tìm cách để giảm những chi phí chính thức như chi phí quản lý, bán hàng... Nhưng chính những chi phí không chính thức hay còn gọi là chi phí gầm bàn liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước, hiện đang là gánh nặng rất lớn cho DN.

Do đó, cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát các thủ tục hành chính từ thuế, hải quan, đầu tư, đăng ký kinh doanh... để giảm chi phí cho DN, qua đó làm đơn giản, minh bạch các thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Giảm thuế thôi vẫn chưa đủ

Cần đánh giá lại một cách thực chất về thực trạng DN VN. Tại sao số lượng DN giải thể phá sản nhiều đến như thế? Nhiều ý kiến cho rằng là bình thường nhưng tôi cho là không bình thường. Bởi giai đoạn 2000-2007, tỉ lệ số DN tạm ngừng hoạt động với số mới thành lập là 15-20%.

Trong khi đó bốn tháng đầu năm nay, tỉ lệ này là 85%. Nếu tỉ lệ này tiếp tục duy trì, số lượng DN VN sẽ không tăng là bao trong khi Chính phủ đang phấn đấu cả nước sẽ có 1 triệu DN vào năm 2020.

DN phá sản, không có lãi là vì sao cần phải mổ xẻ. Nhưng điều không khó nhận ra là chi phí của DN tăng lên, lợi nhuận giảm xuống đến mức thua lỗ khiến DN phải ngừng sản xuất. Rõ ràng chi phí tài chính tăng, chi phí lao động, bảo hiểm, công đoàn, chi phí vận tải tăng lên, đặc biệt có thể chi phí thuế tăng lên.

Như thuế môn bài chẳng hạn, sắp tới sẽ chuyển sang thành phí môn bài và mức thu tăng gấp 3 hiện nay. Gia nhập thị trường xong, DN bị choáng với các khoản thu, nhất là các DN vừa và nhỏ bị tác động rất lớn.

Do đó, việc giảm thuế TNDN đối với DN nhỏ và vừa thôi vẫn chưa đủ mà cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa về tiếp cận đất đai, vốn... cho DN. Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Sĩ Phúc (giám đốc Công ty TNHH Hạnh Phúc):

Hãy tạo thuận lợi để doanh nghiệp tồn tại

Tôi mở công ty được 12 năm nay nhưng ám ảnh và sợ nhất là lạm phát tăng, bởi nó sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo. Như năm 2011, lạm phát vượt 18% đẩy lãi suất cho vay lên đến 18-22%/năm. Với mức lãi suất này, DN sản xuất hàng hóa đi vay gần như cầm chắc lỗ.

Năm nay, dự báo là lạm phát sẽ quanh mức 5%, cao hơn nhiều so với năm ngoái, rất có thể lãi suất cho vay sắp tăng. Chính vì thế, DN rất lo ngại khi mở rộng đầu tư vì chi phí vốn tăng thì lợi nhuận sẽ rất ít, thậm chí không còn.

Do đó, DN rất mong mỏi là chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ phải ổn định, chứ không thể đầu năm thắt chặt, cuối năm thì thả lỏng, làm DN quay như chong chóng, không thể yên tâm sản xuất kinh doanh.

Ông Bùi Danh Liên (chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội):

Phải loại bỏ những chính sách xa thực tiễn

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc giảm thuế cho DN là điều rất mừng. Tuy nhiên, DN không mong giảm thuế bằng việc cắt bỏ các chính sách mà được cơ quan quản lý ngồi trong phòng lạnh soạn thảo, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như quyết định 2288 năm 2015 của Bộ GTVT về quy hoạch luồng tuyến quy định thời gian xe vào tuyến mới phải mất sáu tháng. Trong khi đó, khi không có khách, DN vận tải phải chuyển sang tuyến khác. Nếu chờ sáu tháng, chắc chắn DN sẽ khó khăn.

Đây chỉ là một ví dụ, còn trên thực tế có vô vàn những chính sách được ban hành xa rời thực tiễn.

Điều chúng tôi rất lo ngại là dù Chính phủ có nhiều chính sách rất rõ ràng, cởi mở để tạo thuận lợi cho DN nhưng có nhiều bộ ngành, địa phương thực hiện không được bao nhiêu, giống kiểu “đầu động đậy nhưng chân tay nằm im”, thậm chí nhiều quy định còn bị bóp méo khi thực hiện.

Hi vọng với nghị quyết 35 lần này, DN thật sự được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để an tâm làm ăn.

Ông Đỗ Phước Tống (chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM):

Chính sách thuế phải bình đẳng hơn

Để tiếp thêm “oxy” cho DN, đặc biệt trong ngành cơ khí, tôi nghĩ rằng cần miễn hoặc giảm thuế VAT cho máy móc khuôn mẫu chế tạo trong nước vì các DN mua sẽ được khấu trừ thuế, còn Nhà nước cũng không có khoản thu này.

Nhưng nếu được miễn, giảm thì các DN sẽ giảm áp lực tài chính, từ đó sẽ quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm chế tạo trong nước. Đồng thời, cần tạo sự bình đẳng cho DN trong nước và DN FDI về chính sách. Không thể để DN FDI được hưởng nhiều khoản ưu đãi về thuế hơn so với các DN nội địa trong cùng một lĩnh vực.

Đặc biệt, chúng tôi đã “kêu” từ rất nhiều năm qua là vì sao thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị dược phẩm nguyên chiếc vào VN là 0%, nhưng nếu nhập linh kiện, chi tiết để về lắp ráp, tổ chức sản xuất thì lại có thuế, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi.

Ông Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế):

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Giảm thuế TNDN cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là các chi phí khác cũng phải được giảm theo, khi đó đầu vào của DN mới được giảm để có thể tồn tại và cạnh tranh.

Tôi nghĩ rằng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện để môi trường kinh doanh được minh bạch thông thoáng, xây dựng những cơ chế để DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn là những giải pháp thiết thực mà Nhà nước có thể giúp DN giảm chi phí.

DN hoạt động hiệu quả, có được lợi nhuận mới có tiền để đóng thuế cho Nhà nước chứ.

TRẦN VŨ NGHI ghi

LÊ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên