01/03/2017 10:28 GMT+7

Tiếp nhận di sản của vợ chồng nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết

NGUYỄN TRIỀU - TẤN ĐỨC
NGUYỄN TRIỀU - TẤN ĐỨC

TTO - Tỉnh Kiên Giang đang tiến hành các thủ tục để tiếp nhận di sản của đôi vợ chồng tài hoa - nhà thơ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và những hình ảnh, di bút của vợ chồng thi sĩ Đông Hồ được trưng bày tại nhà lưu niệm - Ảnh: N.Triều
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và những hình ảnh, di bút của vợ chồng thi sĩ Đông Hồ được trưng bày tại nhà lưu niệm - Ảnh: N.Triều

Việc trên đồng thời với dự kiến sẽ phục dựng Trí Đức học xá - trường tư thục đầu tiên do nhà thơ Đông Hồ sáng lập để dạy chữ quốc ngữ.

Di sản của nhà thơ Đông Hồ bao gồm khu nhà lưu niệm “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” hiện tọa lạc trên con đường mang tên ông tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là ngôi nhà do vợ ông là nữ sĩ Mộng Tuyết dựng lên và hoàn thành năm 1995 để lưu giữ, bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản về thân thế, sự nghiệp của hai người.

Những hình ảnh, di bút, sách báo về sự nghiệp văn chương của đôi vợ chồng tài hoa được bảo quản và trưng bày tại đây. Nhà lưu niệm từ khi hoàn thành đã là điểm đến tham quan, tìm hiểu “văn hóa Hà Tiên” của giới nghiên cứu và người hâm mộ trong, ngoài nước.

Làm hồ sơ công nhận di tích

Hiện các di bút, tài liệu sách báo quý, di vật và ngôi nhà của nhà thơ Đông Hồ - nữ sĩ Mộng Tuyết đang xuống cấp. Năm 2007, nữ sĩ Mộng Tuyết qua đời, nhà lưu niệm theo di chúc được giao cho người cháu họ là bà Nguyễn Thị Thanh Hoa trông coi cho đến nay.

Bà Hoa vốn là giáo viên, không lập gia đình riêng, có nhiều năm cùng sống và chăm sóc nữ sĩ Mộng Tuyết. Nay đã ở tuổi 70, bà Hoa có nguyện vọng trao gửi di sản của vợ chồng nhà thơ để Nhà nước tiếp quản, tôn tạo và bảo tồn.

Bà Hoa cho hay lâu nay bà sống một mình và gìn giữ phần di sản này với sự quan tâm chu đáo của chính quyền thị xã Hà Tiên. “Nhưng tôi biết mình cũng không thể cưỡng lại quy luật thời gian, nên tranh thủ khi đầu óc còn minh mẫn, tôi viết đơn và gặp trực tiếp chính quyền thị xã Hà Tiên với mong mỏi nơi này tiếp tục được duy trì để không bị mai một và mãi mãi được hậu thế biết đến” - bà Hoa nói.

Mới đây, lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao (VH-TT), UBND thị xã Hà Tiên đã gặp trực tiếp bà Hoa để lắng nghe nguyện vọng của bà. Sau đó, Sở VH-TT đã có tờ trình và được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương tiếp nhận nhà lưu niệm Đông Hồ thành tài sản nhà nước.

UBND thị xã Hà Tiên được giao làm thủ tục tiếp nhận, duy trì và bảo vệ nhà lưu niệm, khu mộ nhà thơ Đông Hồ. Ông Diệp Hoàng Du - giám đốc Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang - cho biết cùng với việc tiếp nhận nhà lưu niệm Đông Hồ, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sắp xếp nơi thờ cúng và bố trí nơi ở, sinh hoạt cho bà Hoa theo nguyện vọng của bà.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ hoàn tất hồ sơ để công nhận khu lưu niệm Đông Hồ là di tích văn hóa cấp tỉnh.

Sẽ phục dựng Trí Đức học xá

Một điều không phải ai cũng biết là nhà lưu niệm “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” được xây dựng ngay khu vực “Trí Đức học xá” trên khu đất của gia đình nhà thơ Đông Hồ, vốn có tổng diện tích lên đến 6.600m2. Ngoài diện tích khu lưu niệm rộng 350,8m2 hiện nay, phần còn lại đã được trưng dụng xây dựng trường mẫu giáo.

Thời người Pháp cai trị khắp Đông Dương, các trường học do Pháp mở đều lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, còn tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Điều này đã làm cho thầy giáo Đông Hồ băn khoăn và thôi thúc ông tự mở Trí Đức học xá ngay tại nhà mình.

Trường dạy toàn tiếng Việt cho bất kỳ ai muốn học, nhằm mục đích “dùng quốc văn để dạy con trẻ biết yêu nước nhà”. Buổi học đầu tiên khai giảng vào ngày 30-10-1926. Đây được xem là ngôi trường duy nhất ở miền Nam lúc ấy lấy tiếng Việt để giảng dạy.

Học giả Phạm Quỳnh khi ấy viết trên tạp chí Nam Phong: “Trí Đức học xá muốn bày tỏ cho thiên hạ biết rằng tiếng nước nhà có thể dạy con em nước nhà, bất tất phải mượn đến tiếng ngoại quốc”. Sự ra đời của một ngôi trường dạy toàn quốc ngữ trong bối cảnh này đã khiến chính quyền thuộc địa và người Pháp bất an, dùng nhiều biện pháp o ép để trường phải đóng cửa, nghỉ giảng vào cuối năm 1934.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng vừa chấp thuận đề xuất của Sở VH-TT về việc không bố trí công trình khác trên phạm vi trường mẫu giáo (hiện không còn hoạt động) để giữ đầy đủ quỹ đất của Trí Đức học xá. “Trí Đức học xá có vai trò và vị trí rất lớn về mặt lịch sử.

Với quỹ đất được khôi phục này đủ để phục dựng không gian Trí Đức học xá và xây dựng nơi trưng bày truyền thống lịch sử văn hóa, di sản văn học của Hà Tiên, là địa điểm văn hóa đặc trưng của Hà Tiên nói riêng và Kiên Giang nói chung” - ông Diệp Hoàng Du nói.

Nhà thơ Đông Hồ (1906 - 1969) tên thật là Lâm Tấn Phác, sinh ra và lớn lên tại Hà Tiên. Ông được đánh giá là nhà giáo, nhà văn hóa, nhà thơ danh tiếng của nền văn hóa Việt Nam.

Ông đột tử ngay trên bục giảng Đại học Văn khoa Sài Gòn ngày 25-3-1969 khi đang bình giảng cho sinh viên bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang.

NGUYỄN TRIỀU - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên