18/09/2008 04:20 GMT+7

Làng tranh Đông Hồ

HẢI TRANG 
HẢI TRANG 

AT - Rời Hà Nội ồn ào bụi bặm, khoác balô lên vai đi về phía đông thủ đô gần 40km, đó là nơi từng đi vào thơ Hoàng Cầm, về với:

l7ZrmRyl.jpgPhóng to

Trưng bày tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế- Ảnh: H.TR.

AT - Rời Hà Nội ồn ào bụi bặm, khoác balô lên vai đi về phía đông thủ đô gần 40km, đó là nơi từng đi vào thơ Hoàng Cầm, về với:

Bên kia sông Đuống Quê hương ta lúa nếp thơm nồngTranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trongMàu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Làng tranh Đông Hồ xưa kia còn có tên làng Mái, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đông Hồ với nghề làm tranh dân gian truyền thống từng có một thời tưởng như bị mai một. Giờ đây, trong làng chỉ còn vài gia đình theo với nghiệp tranh dân gian của tổ tiên truyền lại, nhưng quy mô khá lớn và ngày càng được mở rộng.

Vào khu trưng bày tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, du khách không chỉ như lạc vào thế giới của những Đám cưới chuột, Đàn lợn âm dương, Chú bé chăn trâu thổi sáo... mà còn như thấy được ngay trước mắt mình cuộc sống phong phú sinh động của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng, nông dân ở mỗi làng quê Việt nói chung.

Tranh Đông Hồ có khi là câu chuyện của cuộc sống lao động thường ngày, có khi là những phong tục hay tín ngưỡng văn hóa, cũng có khi chỉ đơn thuần là nét vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu. Ở Việt Nam hiện nay có ba dòng tranh dân gian là tranh ở Hàng Trống, Kiều Hoàng ở Hà Tây, làng Sình ở Huế, nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả vẫn là làng tranh Đông Hồ cả về nội dung và chất liệu. Tranh Đông Hồ đã có từ hơn 500 năm nay. Tìm hiểu về làng tranh Đông Hồ còn là tìm hiểu về tất cả công đoạn, từ việc làm ra những tờ giấy dó đến những bản khắc gỗ. Mỗi công đoạn đều hết sức tỉ mẩn.

Tranh Đông Hồ không vẽ theo cảm hứng mà in theo các bản khắc gỗ. Nền tranh được làm từ vỏ cây dó tạo thành giấy dó. Giấy dó dai xốp, bền nhẹ lại chịu ăn màu. Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Đông Hồ. Sau khi in thành tranh, kể cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hòa tự nhiên.

Các màu đã hòa quyện in tranh thường lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó, màu xanh lấy từ vỏ và lá tràm, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu son lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp... Ván in tranh là một thứ gia bảo, được làm từ gỗ thị. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã sưu tầm những bản khắc cổ về để lưu giữ và phục chế.

Về Đông Hồ, bạn có thể vừa ngắm tranh vừa được nghệ nhân giảng giải ý nghĩa từng bức tranh và các công đoạn làm ra chúng. Cả một khu trưng bày rộng rãi và có mấy người - đều là con cháu của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - đang miệt mài với công việc của mình.

Khi được hỏi về việc tiêu thụ tranh, cụ Chế trả lời với vẻ tự hào: “Hiện nay, tranh của gia đình tôi đã có mặt ở cả 64 tỉnh thành của nước ta. Đó là điều đáng mừng, vì như thế tranh Đông Hồ được biết đến khá rộng rãi. Tranh Đông Hồ hầu hết do khách nghe tiếng nên đến mua”.

Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh dân gian Tết Đông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội họa, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Đông Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vừa giới thiệu khu trưng bày tranh của gia đình với quy mô khang trang rộng rãi vừa nói: “Phải như thế mới xứng để bày tranh dân gian Đông Hồ chứ”. Nhìn những gì cụ đã làm được, tôi thầm nghĩ hẳn phải là người có tâm huyết, yêu nghề lắm mới làm được những điều như vậy. Đây không những là một cách giới thiệu làng nghề truyền thống, mà còn là một cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian truyền thống.

Về Đông Hồ, bạn còn có dịp đi qua những triền đê quanh co, thanh bình với những lũy tre xanh và cánh đồng rộng rãi. Từ đây còn có thể đi tham quan một số nơi như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương. Quả đúng với hình ảnh làng quê Kinh Bắc yên bình trù phú thường biết đến trong thơ ca.

Du lịch làng nghề là một trong những hướng du lịch mới được các bạn trẻ ưa chuộng, vì vừa tham quan vừa có thể khám phá những nét đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc. Bạn Hạnh - cháu của Cụ Chế, 17 tuổi nhưng đã tham gia làm tranh hơn hai năm nay - cho biết: “Tôi cảm thấy yêu thích nghề này, nên sẽ cố gắng học hỏi để duy trì nghề tranh dân gian truyền thống từ mấy mươi đời nay của Đông Hồ”.

7yFpyT8X.jpgPhóng to

Áo Trắng số 31 (ra ngày 1-9-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HẢI TRANG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên