06/10/2023 11:58 GMT+7

Tiếp cận tác gia Nobel Văn chương 2023 Jon Fosse

Văn chương của Fosse hiếm khi có ý tưởng gì hoành tráng, hiền lành, những thứ hợp thời được giảm tông hoặc né tránh hoàn toàn, và dù tác phẩm của ông thường tiếp cận cái chết cũng như khám phá một vùng hoang địa hiện sinh nào đấy...

Tác gia Nobel văn chương 2023 Jon Fosse

Tác gia Nobel văn chương 2023 Jon Fosse

Tôi đã đọc lại các tiểu luận của Jon Fosse mấy ngày qua. Tất cả đều viết trong giai đoạn 1983 - 2000, tức có thể nói là nửa đầu trong cả khối công trình luôn dịch chuyển, nhưng đồng thời hằng định một cách lạ lùng của ông, khối công trình mà dù hình thức gồm nhiều thể loại khác nhau - tiểu thuyết, thơ, đoản văn và kịch - đã luôn mang cùng một dấu ấn không thể nhầm lẫn.

Những gì hiện ra trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của Fosse năm 1983, Raudt, svart (Đỏ, đen), không quá khác với những gì hiện ra từ vở kịch đầu tiên của ông, Og aldri skal vi skiljast (Và ta sẽ không bao giờ chia ly), viết gần mười năm sau đó, hay cuốn truyện dài gần đây nhất, Kveldsvævd (Uể oải), in năm 2014, tức hai mươi năm sau nữa.

Vậy thì thứ không thể nhầm lẫn hiện ra từ mọi tác phẩm mà Jon Fosse đã viết đấy là gì?

Đấy không hẳn là phong cách viết, hay những chi tiết lặp lại, những nếp gấp chằng chịt, những tầng lớp tư duy, và cũng không phải là những mô típ của ông, nào là những đầm phá của vùng ven biển Na Uy hiểm trở, những chiếc thuyền chèo, những mưa gió bão bùng, những anh em họ hàng, những âm nhạc, điều hiện ra ở đây là tất cả những thứ đó gộp lại.

Vậy điều đó là gì?

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Thần phục của Michel Houellebecq suy ngẫm về bản chất của văn chương, mà anh ta nói là không khó định nghĩa.

Giống như văn chương, âm nhạc có thể làm ta choáng ngợp bởi một cảm xúc bất chợt, và hội họa có thể khiến ta nhìn thế giới bằng cặp mắt hoàn toàn khác, nhưng chỉ văn chương mới có thể giúp ta chạm tới linh hồn của một người khác, với tất cả những yếu đuối và vĩ đại của nó, và sự hiện diện này của một người khác, theo lời anh ta, chính là bản chất tinh túy của văn chương (anh ta không quên bình luận thêm là thật đáng kinh ngạc khi các triết gia lại ít chú ý như thế tới một quan sát đơn giản nhường ấy).

Trong các tác giả hiện đại, khó thể tìm thấy hai người khác nhau như Jon Fosse và Michel Houellebec.

Tiểu thuyết của Houellebecq dựa trên ý tưởng, khiêu khích, thời thượng, vỡ mộng, thông minh, thù ghét con người, và cách này cách khác sẽ trưng ra một khuôn mặt kiểu gì đấy cho độc giả.

Văn chương của Fosse lại hiếm khi có ý tưởng gì hoành tráng, hiền lành, những thứ hợp thời được giảm tông hoặc né tránh hoàn toàn, và dù tác phẩm của ông thường tiếp cận cái chết cũng như khám phá một vùng hoang địa hiện sinh nào đấy, nó không bao giờ là vỡ mộng và chắc chắn là không thù ghét con người, mà trái lại, tràn đầy hy vọng.

Nhà văn Jon Fosse - Ảnh: Reuters

Nhà văn Jon Fosse - Ảnh: Reuters

Bóng tối của Jon Fosse luôn lấp lánh

Hơn nữa, tác phẩm của ông không trưng ra khuôn mặt nào cho độc giả, mà cởi mở cho mọi người.

Văn chương của Houellebecq suy nghiệm về đủ thứ, hoài niệm về đủ thứ, trong đó người đọc thấy được bản thân và thời đại của chính mình, trong khi văn chương của Fosse bao bọc lấy người đọc vào trong, độc giả có thể biến mất vào trang văn của ông, như gió thổi vào đêm tối.

Đây là những đặc điểm then chốt trong tác phẩm của Fosse, trái ngược với của Houellebecq, họ là hai người đứng ở hai thái cực.

Nhưng điều khiến họ có thể hợp nhất với nhau cũng chính là điều khiến những gì họ viết ra đáng gọi là văn chương, và những gì Houellebecq viết trong Thần phục khiến chúng ta chú ý tới một điều đơn giản, nhưng khiêu khích (như kiểu của Houellebecq): sự hiện diện của linh hồn con người trên trang văn.

Đây không phải là vấn đề phong cách hay hình thức thể hiện, chủ đề hay nội dung, mà là tính độc đáo của chữ nghĩa từ một cá nhân âm vang trong chúng ta, dù là một tiểu thuyết Nga cuối thế kỷ 19 viết ở ngôi thứ ba hay một bài thơ Thụy Điển ngôi thứ nhất những năm 1990.

Việc viết lách càng là chuẩn mực với người viết thì cái bản ngã cá nhân cụ thể kia lại càng bộc lộ được thần thái riêng, và văn chương lại càng trở nên quan trọng, chính xác bởi sự hiện diện của linh hồn một người khác bấy giờ đã trở thành thuộc tính thiết yếu của văn chương.

Một thế giới độc nhất vô nhị và phi thường

Ngôn ngữ của quảng cáo, của sách giáo khoa, của báo chí và truyền thông, là những thứ ngôn ngữ không có tính cá nhân, là giọng điệu của chân lý đã được chấp nhận và những thành ngữ cố định. Sách vở thường viết bằng thứ ngôn ngữ của thế giới xã hội, mang tinh thần thời đại, và khi thời đại đổi thay thì ngôn ngữ trong sách cũng mờ nhạt dần - ngôn ngữ của một xã hội đã qua.

Nói ví dụ, hầu hết những cuốn sách thời 1960 phản ánh thời đại đấy, không khác gì một bức ảnh chụp cho chúng ta biết thời trang lúc bấy giờ là gì.

Vì lý do này, văn chương sống được bền lâu không bao giờ có tính điển hình, không bao giờ là ngôn ngữ dành cho tất cả mọi người của không gian xã hội, mà phải là những gì kháng cự lại không gian đấy.

Chúng ta không đọc cuốn Tuyệt diệt của Thomas Bernhard để tìm hiểu về xã hội và văn hóa Áo hậu chiến, cũng không phải để biết mất đi cha mẹ thì cảm giác thế nào, mà là để đắm mình vào những dòng chữ của Thomas Bernhard, để những trang văn đấy lôi cái bản ngã của chúng ta ra khỏi chính mình và đẩy nó trực diện vào một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới độc nhất vô nhị và phi thường.

Và chính tính độc nhất vô nhị và phi thường này mới là điều chung của tất cả chúng ta, là chân lý của thế giới và thực tại, và trong nghịch lý đấy, ta suy ra điều phải chứng minh: tính chính danh của văn chương.

Chắc cũng có người muốn tranh luận rằng tuyên bố bản chất và tinh túy của văn chương là sự hiện diện của một người khác trong những gì được viết ra là một tuyên bố quá tối giản khó thể giải thích trọn vẹn, bởi nó tước đi khía cạnh xã hội và chính trị của văn chương; rằng tuyên bố như vậy là tìm cách trở lại với chứng thờ thần tượng thiên tài cá nhân của thời kỳ Lãng mạn.

Đồng thời, cũng có thể lập luận theo hướng kia, tức cho rằng tuyên bố văn chương là sự hiện diện của một người khác trên những trang viết chẳng ích gì, chẳng dẫn tới điều gì thiết thực, chẳng mang lại tri kiến gì đáng nói, hay hiểu biết gì về tác phẩm văn học, ngoài việc sách của Thomas Bernhard là do Thomas Bernhard viết.

Nếu như vậy thì bài kiểm tra môn văn sẽ chỉ còn là những câu hỏi: "Ai viết cuốn Tuyệt diệt của Thomas Bernhard?", hay cho hợp chủ đề chúng ta đang nói tới: "Ai viết cuốn Nhà thuyền của Jon Fosse?".

Tác gia Jon Fosse - Ảnh: FRANCE 24

Tác gia Jon Fosse - Ảnh: FRANCE 24

Jon Fosse viết cuốn Nhà thuyền

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu là: "Tôi không muốn đi ra ngoài nữa, một tâm trạng bồn chồn xâm chiếm lấy tôi, và tôi không đi ra ngoài".

Câu đấy không giống với câu nào trong bất kỳ tiểu thuyết nào khác vào thời của nó, tức cuối những năm 1980, nhưng nó giống rất nhiều câu Jon Fosse từng viết trước đấy, và sẽ viết sau này. Sự hiện diện mà độc giả cảm thấy, ngay từ câu đầu tiên, là sự hiện diện của Jon Fosse.

Nhưng sự hiện diện này không phải là của một con người sinh học, và khơi gợi lại con người Fosse ở thời điểm đấy (mà với tôi thì dễ thôi: Jon Fosse là thầy tôi ở trường dạy viết văn mà tôi theo học vào năm in cuốn Nhà thuyền) không mang lại điều gì quan trọng cho việc đọc cuốn tiểu thuyết, tương tự là những hoàn cảnh xã hội khi cuốn sách đấy được viết ra.

Thay vì thế, sự hiện diện chúng ta cảm thấy ở đây là những đón nhận, những lo âu, những bực dọc, những gì mở ra cho chúng ta trên trang văn.

Điều lạ lùng khi viết lách là bản ngã dường như biến mất, những gì mà chúng ta vẫn mường tượng là điều vẫn thường khiến tôi tồn tại, tan biến đi, tồn tại nội tâm của ta tái cấu trúc lại, theo những cách mới mẻ và lạ lùng.

Khi đọc cũng vậy, cái tôi rời bỏ chúng ta khi chúng ta dõi theo những dòng chữ trên trang văn, và trong chốc lát, chúng ta thần phục một cái tôi khác, mới mẻ và cởi mở, nhưng rõ ràng và hoàn toàn cảm nhận được với chúng ta, trong một nhịp điệu, một hình thức, một ý chí nhất định.

Trong cuộc gặp gỡ này, giữa người viết không còn cái tôi và người đọc không còn cái tôi, văn chương ra đời. Và nếu văn chương hay thì nó luôn phải gợi ra tâm trạng và sắc thái, những điều thực ra vẫn luôn có ở đó, nhưng thường không nghe được trong ồn ã của thế giới hằng ngày, hay trong bàn tay sắt của cái tôi hiện thực.

Những tâm trạng và sắc thái này khơi gợi trong chúng ta một trải nghiệm khác, không hề kém phần thành thực, về thực tại, vì tất cả đều sẽ kết nối với cảm xúc, mà trong tiểu thuyết, thi ca, hay một tác phẩm sân khấu, là phương tiện trung gian để thế giới liên lạc với nhau.

Trong văn chương, cách thức chúng ta định hình thế giới và chính mình tan biến, khi chính chúng ta tan biến vào những gì chúng ta đang đọc, và nhờ thế chúng ta tiếp cận được một thế giới khác, hay phải nói là thế giới duy nhất đúng.

Chưa từng có ai viết về văn chương của Jon Fosse sâu sắc như Lev Tolstoy trong Chiến tranh và hòa bình, ở đoạn mà nhân vật chính, Công tước Andrei, xúc động đến rơi lệ khi nghe một bản nhạc và cố gắng tìm hiểu lý do.

Anh tìm thấy lý do là những xung đột khủng khiếp giữa tâm hồn mênh mông vô hạn bên trong anh và ràng buộc của thế giới vật chất trần tục bên ngoài anh. Sự xung đột này, giữa những gì là vô tận và vĩnh hằng bên trong chúng ta và những ràng buộc bên ngoài, đã thôi thúc Jon Fosse viết mọi tác phẩm của mình.

KARL OVE KNAUSGAARD viết cho Lithub 30-9-2019

Tiếp cận Jon Fosse

Fosse hay được ca ngợi là "Ibsen mới" của nền văn học Na Uy, nhưng tài năng của ông không chỉ có các vở kịch.

Lời giới thiệu: Những truyện ngắn (thường rất ngắn) dữ dội của ông trong tuyển tập Những cảnh tượng thời thơ ấu được Fosse viết trong một thời gian dài, từ 1983 tới 2013, có thể coi là lời giới thiệu tốt cho chủ đề chính của ông: thời thơ ấu, ký ức, gia đình, đức tin, cùng tư duy nhị nguyên và chủ nghĩa định mệnh mạnh mẽ.

Nếu chỉ đọc một cuốn: Trong truyện dài Aliss bên đống lửa năm 2023, một phụ nữ đã luống tuổi, Signe, nằm bên đống lửa ở nhà mình cạnh một phá biển, mơ mộng về mình 20 năm trước và chồng bà, Asle, một ngày nọ chèo thuyền ra biển trong một ngày bão tố rồi không bao giờ trở về.

Nếu bạn gấp quá: Xuất bản năm 1989, cuốn Nhà thuyền là tiểu thuyết giống với truyện hình sự nhất của Fosse. Người kể chuyện 30 tuổi đang sống một đời thất bại: về nhà ở với mẹ, khép kín, ngay cả những chuyện đơn giản nhất cũng không làm được. Thành tựu lớn nhất của anh là quá khứ: ban nhạc rock anh lập với bạn mình, Knut. Một mùa hè nọ, anh tình cờ gặp lại Knut, giờ thành đạt và đã có gia đình…

Kịch: "Tôi không khỏi tự nhủ liệu khoảng cách văn hóa giữa thế giới của Fosse và thế giới của chính chúng ta có quá rộng không", một nhà phê bình viết trên báo Anh The Guardian năm 1999 về vở kịch của Fosse, Thu mộng.

Đọc chậm: Trong tác phẩm U uẩn I và II, Fosse khám phá tâm trí dằn vặt của họa sĩ phong cảnh thế kỷ 19 Lars Hertervig. Họa sĩ người Na Uy này qua đời năm 1902 trong nghèo khó khi đã ngoài 70. Cả cuộc đời đầy những ngộ nhận và ảo giác khiến tranh của ông trở thành những tuyệt tác như trong mơ.

Kiệt tác: Thất thư I-VII là bộ sách bảy cuốn của Fosse đã được Ủy ban Nobel nhắc tới trong lễ trao giải: cuộc độc thoại của Asle, một họa sĩ già tự vấn về thời gian, nghệ thuật, bản dạng, đức tin tôn giáo. Cảnh báo trước khi đọc: tác phẩm 1.250 trang này không có chấm hết câu hay xuống hàng.

(Theo Guardian)

Tác gia Nobel Văn chương 2023 từng muốn trở thành tay guitar chơi rockTác gia Nobel Văn chương 2023 từng muốn trở thành tay guitar chơi rock

Giải Nobel Văn chương năm 2023 đã về tay kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse bởi "những vở kịch và lối văn chương sáng tạo trao một tiếng nói cho những điều không thể cất lên thành lời", theo Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên