16/03/2011 17:27 GMT+7

Tiếng chuông của lương tri

VÕ MINH
VÕ MINH

TTO - Mỗi sáng tinh mơ, ở làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lại vang lên âm thanh của tiếng chuông vọng ra từ khu chứng tích Sơn Mỹ - nơi lưu dấu những ký ức đau buồn về vụ thảm sát đẫm máu đầy sai lầm mà quân đội Mỹ gây ra, sát hại 504 thường dân vô tội.

OnYkO0lB.jpgPhóng to
Tiếng chuông của lương tri, nguyện cầu hoà bình vọng ra từ khu chứng tích Sơn Mỹ, kêu gọi vì cuộc sống không có chiến tranh

Năm nay là năm thứ 43 tỉnh Quảng Ngãi tưởng nhớ vong linh 504 thường dân chết thảm ở làng quê giàu truyền thống cách mạng. Đúng vào cái ngày này cách đây 43 năm (16-3-1968), câu chuyện đầy máu và nước mắt đã ập đến với làng quê Sơn Mỹ. Ngày đó, máu nhuộm đỏ dòng kênh, xác người chết thảm, ai oán, khóc than. Chỉ trong một buổi sáng, những loạt đạn của quân đội Mỹ đã xả thẳng vào những người dân thường của làng Sơn Mỹ một cách không thương tiếc - 504 người đã ngã xuống trong đau đớn.

43 năm những tưởng là một chuỗi ngày dài dằng dặc, rất khó khăn để làng quê Sơn Mỹ gượng dậy sau đau thương, dần xoá mờ hận thù. Nhưng rồi bằng trái tim đầy khoan dung, lòng vị tha, ước ao được sống, ước ao hoà bình, người dân Sơn Mỹ đã “gỡ” mối hận thù ra khỏi tâm trí, quyết một mực xây dựng lại quê hương, hướng đến những mầm xanh của lương tri, đưa Sơn Mỹ thành “bài học” của nỗi đau chiến tranh, những mong trái đất mãi mãi hoà bình để mọi người, mọi quốc gia ngó thấy.

Dân làng Sơn Mỹ đã mở rộng vòng tay đón những người từng là kẻ thù giết cha, giết chồng, giết con, giết anh - chị - em - đồng đội của mình trở lại để sám hối. Nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Quảng Ngãi như ông RoBert Kirkland, ông Bill Kelly hay Roy Mike Bohem,...sau bao năm sống trong day dứt, khi lần đầu tiên đặt chân trở lại Sơn Mỹ bằng những bước chân rón rén, lo sợ cuối cùng cũng bật khóc trước lòng vị tha của người dân làng Sơn Mỹ.

Họ đón những cựu binh Mỹ thật tâm ân hận quay lại đây bằng những cái siết tay, bằng những giọt nước mắt đau thương. Và rồi theo thời gian, rất nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Sơn Mỹ, gắn bó thân thiết với người dân Sơn Mỹ như quê hương thứ hai của mình chỉ để hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉ để cùng với dân làng nơi đây làm một việc đầy tính người là “hồi sinh” lại Sơn Mỹ (dù rằng vẫn còn những cựu binh Mỹ từng gây nên tội lỗi chưa một lần quay lại Sơn Mỹ sau những cái bóp cò súng không lương tri)..

Khúc vĩ cầm của Roy Mike Bohem dưới chân tượng đài Sơn Mỹ vào mỗi dịp tưởng niệm, 504 hoa hồng đỏ thắm của Bill Kelly và những giọt nước mắt của những công dân người Mỹ khi đến làng Sơn Mỹ,... là sự sám hối được trân trọng, dù muộn màng.

Tôi nhớ mãi câu nói trong nước mắt của cụ bà Hà Thị Quý - người may mắn sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ 43 năm về trước: “Chiến tranh làm chi. Bắn giết nhau làm chi. Mọi người hãy nhìn vào làng Sơn Mỹ này để thấy nỗi đau tột cùng của quê hương chúng tôi. Sống trong hoà bình, phần quốc gia nào lo bảo vệ quốc gia đó không tốt hơn sao, cớ gì cứ phải đi xâm chiếm lẫn nhau?”.

Hôm nay, khi bình minh bắt đầu ló dạng, nắng đẹp bắt đầu đổ xuống làng quê Sơn Mỹ yên bình, tiếng chuông Sơn Mỹ cũng lại vang lên. Tiếng chuông ấy không còn ẩn chứa nỗi ân oán, nó đã hoá thành tiếng chuông của lương tri, tiếng chuông để tưởng nhớ vong hồn của 504 thường dân đã nằm xuống vì cuộc chiến tranh phi nghĩa và âm thanh của nó phát đi thông điệp xa hơn là cầu nguyện hoà bình, cầu mong mãi mãi không tiếng súng, tiếng bom trên hành tinh tươi đẹp này.

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên