26/11/2019 11:21 GMT+7

Tiến sĩ 9X sở hữu 20 bài báo quốc tế

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Nguyễn Duy Tâm được tuyển vào một dự án thuộc Quỹ nghiên cứu quốc gia Singapore, anh làm nghiên cứu rồi được cử luôn làm trưởng nhóm.

Tiến sĩ 9X sở hữu 20 bài báo quốc tế - Ảnh 1.

TS Nguyễn Duy Tâm chụp hình lưu niệm tại Anh trong một chuyến dự hội thảo - Ảnh do nhân vật cung cấp

Là một trong 233 đại biểu từ năm châu trở về dự Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 do Trung ương Đoàn tổ chức, tiến sĩ 9X Nguyễn Duy Tâm (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) trải lòng với Tuổi Trẻ về hành trình vươn lên không mệt mỏi.

Diễn đàn trí thức trẻ VN tạo điều kiện cho chúng tôi kết nối với những cá nhân, tổ chức nghiên cứu ở trong nước. Chúng tôi vừa có thể đóng góp phần nào cho quê hương, vừa vẫn có thể tiếp tục ở lại nước ngoài để học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm.

NGUYỄN DUY TÂM

* Bạn gặp thuận lợi và khó khăn thế nào trên con đường nghiên cứu khoa học?

- Tôi luôn cảm thấy bản thân may mắn, thuận lợi trên con đường sự nghiệp. Tất nhiên cũng có những thất bại khó quên, nhưng với góc nhìn khác thì điều đó lại mở ra cho tôi một con đường khác tích cực hơn.

Chẳng hạn tôi từng nộp hồ sơ xin học bổng nghiên cứu sinh vào Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhưng đã không được chọn. Thế nhưng tôi lại giành được học bổng của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), và đây là bước ngoặt đưa tôi tiếp xúc và bắt đầu theo đuổi hướng nghiên cứu về vật liệu và công nghệ năng lượng tái tạo. 

May mắn là tôi nhận ra bản thân phù hợp hơn với ngành này tại một trường đại học hàng đầu thế giới về khoa học và kỹ thuật vật liệu như NTU.

* Bạn đã công bố 20 bài báo quốc tế. Đề tài nào ý nghĩa với bạn nhất?

- Tôi đã có khoảng 20 bài báo quốc tế, một sáng chế đã được bảo hộ và nhiều bài trình bày tại các hội nghị khoa học quốc tế. Đề tài chủ yếu về vật liệu lưu trữ và chuyển đổi năng lượng, vật liệu xúc tác các phản ứng điện hóa và các vật liệu cấu trúc nano.

Còn đề tài nghiên cứu tôi thấy ý nghĩa nhất có lẽ là Cửa sổ thông minh (Smart window). Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, tôi tiếp tục theo đuổi chương trình sau tiến sĩ và được tuyển vào dự án trên thuộc Quỹ nghiên cứu quốc gia Singapore.

Điều tôi không ngờ là do một số trục trặc về nhân lực, cụ thể là người nghiên cứu chính, tiến độ của dự án diễn ra khá chậm. Giáo sư quản lý sau khi tuyển tôi làm nghiên cứu chính, đã đề cử luôn tôi làm trưởng nhóm. Tôi đã phải cố gắng rất nhiều cho một hướng nghiên cứu mới hoàn toàn khác. 

Và trong vòng một năm qua, tôi đã cùng với các cộng sự còn vượt cả tiến độ đề ra ban đầu, được đánh giá là một trong các dự án thực hiện tốt nhất. Trong đợt đánh giá nhân viên hằng năm vừa qua, tôi đã được đánh giá xuất sắc nhất của trường về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.

Cha tôi là một ngư dân. Tuổi thơ tôi có thể gọi là vất vả và "dữ dội", nhưng với tôi đó cũng là những trải nghiệm đẹp và đáng nhớ. Từ tiểu học vào những kỳ nghỉ hè, để có thêm tiền chuẩn bị cho năm học mới, tôi đã theo cha đi biển, hoặc theo mẹ vào rừng đốn củi. Lớn hơn chút, tôi đi lái đò ở bến sông Gianh.

Cũng có những lúc tai nạn, nguy hiểm khốn cùng như tôi từng ba lần rơi xuống biển hoặc sông, có lần suýt chìm đò khi liều lĩnh vượt những con sóng dữ... nhưng nhờ đó tôi thương, cảm phục cha hơn vì cuộc sống quá đỗi vất vả nhưng ông chưa bao giờ cho phép các con bỏ học để "nối nghiệp" mình.

Thành tựu nhỏ mà tôi có được ngày hôm nay đến từ những giọt mồ hôi, công sức của cha mẹ đã bỏ ra. Tôi tự hào vì so với nhiều bạn bè cùng trang lứa, tôi may mắn được cha mẹ tạo điều kiện hết mức để học tập dù gia cảnh khó khăn. Ngoài ra, những thiếu thốn về vật chất lúc tuổi thơ còn giúp tôi học được tính tự lập sớm hơn, biết trân trọng hơn những thứ mình đạt được.

- Nguyễn Duy Tâm -

* Bạn có thể chia sẻ dễ hiểu nhất về công trình pin oxy hóa - khử Vanadium đang nghiên cứu? Với điều kiện Việt Nam thì hiệu quả ra sao?

- Pin oxy hóa - khử Vanadium là đề tài nghiên cứu sinh của tôi. Do có tính chất đặc thù, các dự án về pin Vanadium còn khá kén các nhà khoa học vì chi phí đầu tư nghiên cứu rất cao. Bản thân tôi cũng nhờ được tài trợ từ hai công ty hàng đầu về lĩnh vực này từ Áo và Đức mới có thể hoàn thành dự án. 

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với năng lượng tái tạo là việc kiểm soát và ổn định hóa năng lượng tạo ra. Trong đó, việc lưu trữ theo phương thức điện hóa (chủ yếu là pin) được xem là một trong các phương thức hiệu quả nhất.

Pin oxy - hóa khử Vanadium đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu kể trên do lưu trữ năng lượng trong chất điện giải (electrolyte), chúng cho phép nâng cấp độc lập dung lượng lưu trữ. Tuổi thọ của pin Vanadium lên đến 25 năm, vận hành yên tĩnh và an toàn, không có nguy cơ cháy nổ, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, khả năng tái sử dụng các thành phần chính của pin gần như là hoàn toàn có thể với chi phí thấp.

Những đặc tính của pin Vanadium đặc biệt phù hợp với Việt Nam, khi chúng ta đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên lại đang gặp phải những khó khăn về mặt kỹ thuật do tính phi ổn định của năng lượng tái tạo. Do đó chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu suất, giảm giá thành sản phẩm.

Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 "khởi động"

Chiều 26-11, sự kiện thường niên Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 trên sẽ bước vào những hoạt động đầu tiên tại Hà Nội, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Chương trình diễn ra tại thủ đô Hà Nội trong ba ngày, xoay quanh chủ đề chính "Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước".

Bốn nhóm nội dung các đại biểu sẽ thảo luận gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, năm nay diễn đàn có thêm một nội dung hoàn toàn mới là xây dựng các phiên thảo luận về phát triển và công bằng xã hội, nhằm thu hút mối quan tâm và định hướng các giá trị trong trí thức trẻ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Diễn đàn năm nay (được tổ chức lần 2) thu hút sự tham gia của 233 đại biểu quốc tịch Việt Nam về từ 23 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số đại biểu là phó giáo sư, tiến sĩ là 42 (tỉ lệ 21%), thạc sĩ (47%)...

Cô tiến sĩ mê... pin và truyền Cô tiến sĩ mê... pin và truyền 'năng lượng' cho sinh viên

TTO - Từng học thạc sĩ, tiến sĩ tại Pháp rồi Mỹ, nhưng với PGS.TS Lê Mỹ Loan Phụng, sau gia đình, có lẽ căn phòng thí nghiệm của phòng hóa lý ứng dụng nho nhỏ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên là nơi hút hết thời gian và tâm trí của cô.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên