Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là đơn vị tiếp nhận bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM và khu vực phía Nam, trong đó có nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi như COVID-19, đậu mùa khỉ. Sắp tới, bệnh viện này sẽ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam với 160 tuổi
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 24-10, tại khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) chật kín bệnh nhân đứng, ngồi chờ đợi đến lượt khám bệnh. Bên trong phòng khám thì diện tích chật hẹp (hơn 10m2), chỉ đủ để kê một bàn khám khiến thời gian bệnh nhân chờ đợi lâu.
Riêng khu khám bệnh theo yêu cầu chuyên khám gan và ký sinh trùng, bệnh viện đã tận dụng khuôn viên cây xanh rồi dùng tấm tôn lợp xuyên qua cây để có thêm không gian cho bệnh nhân ngồi chờ.
Khoa cấp cứu của bệnh viện cũng phải tận dụng một góc nhỏ với diện tích khoảng 60m2 vốn trước đây là một phòng khám của khoa khám bệnh hai tầng (ngay cổng chính vào) để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.
Tại đây không có thang máy, gây khó khăn cho người cao tuổi, người phải ngồi xe lăn hoặc hạn chế di chuyển. Để khắc phục, bệnh viện tổ chức khám cho nhóm người này ở tầng trệt, điều chuyển tiếp nhận khám nhi lên tầng trên.
Thiếu diện tích, bệnh viện đã tận dụng tất cả các khoảng trống tại hành lang để ngăn vách, kê nhiều đồ đạc. Dù bất tiện cho bệnh nhân nhưng bệnh viện không còn cách nào khác khi không thể xây dựng thêm vì vướng quy hoạch.
Tình trạng này tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tồn tại khoảng 12 năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị UBND TP.HCM sớm phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết để bệnh viện được xây dựng mới khối khoa khám bệnh nhưng đến nay vẫn "bỏ ngỏ".
Bốn năm qua, anh Bùi Văn Bòn Em (28 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đã ba lần đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khám bệnh cho mình và người nhà. Anh cho rằng không gian, cơ sở vật chất tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không thay đổi nhiều, vẫn chật hẹp và phải chờ đợi rất lâu mới được khám.
Bác sĩ Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết bệnh viện đã được hơn 160 tuổi, sắp tới sẽ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam.
Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân, có thời điểm lên đến 3.000 bệnh nhân/ngày. Bệnh viện thường xuyên bị quá tải, trong khi khối khoa khám bệnh và một số khoa, phòng khác bị xuống cấp nghiêm trọng.
Nhưng dự án xây khối khoa khám bệnh và các dự án xây dựng khác: trung tâm hồi sức cấp cứu chuyên sâu, đơn vị khám chuyên khoa gan và ký sinh trùng… của bệnh viện 12 năm qua vẫn chưa được triển khai vì vướng quy hoạch.
Bên cạnh đó, mặt bằng chật hẹp, với mỗi phòng khám chỉ có diện tích chưa đầy 10m2 nên các bác sĩ, điều dưỡng phải luôn chịu cảnh làm việc trong không gian bí bách, chen chúc trong khi tiếp nhận khám, điều trị nhiều mặt bệnh lây nhiễm…
"Tôi ray rứt lắm khi thấy anh em làm việc trong môi trường như vậy. Không chỉ tôi mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức bệnh viện qua các thời kỳ đều mong mỏi UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch để bệnh viện được xây dựng, phát triển, xứng tầm là bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm phía Nam và truyền thống bệnh viện - là nhân chứng lịch sử y tế thành phố", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Khu khám bệnh của bệnh viện không có thang máy, điều này gây khó khăn cho bệnh nhân nhất là người già, người ngồi xe lăn hay hạn chế di chuyển
Khoa khám bệnh theo yêu cầu với vẻ ngoài lụp xụp, xuống cấp
Các phòng khám chật hẹp với những mảng tường bong tróc, diện tích mỗi phòng chỉ hơn 10m2, chỉ đủ để kê một bàn khám khiến thời gian bệnh nhân chờ đợi lâu
Bệnh nhân chật kín vào sáng sớm tại khu vực khám ký sinh trùng
Dù đã được sơn sửa nhưng vẫn không che đậy được sự xuống cấp của các phòng khám ở đây
Bệnh nhân ngồi tại một khu tạm bợ để chờ tới lượt khám các vấn đề liên quan đến gan
Không còn chỗ, nhiều người phải đứng chờ đến lượt khám
Tình trạng xuống cấp trầm trọng do vướng quy hoạch, các bệnh nhân chen chúc trong các khu nhà tạm bợ
Bác sĩ Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - chia sẻ: "Tôi ray rứt lắm khi thấy anh em làm việc trong không gian chật hẹp, bệnh nhân chen chúc chờ đợi trong khi bệnh viện có đất để xây dựng"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận