07/10/2020 09:56 GMT+7

Tiến cử sách cho học sinh để cải thiện thói quen đọc

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Chuyên đề tọa đàm về những thách thức, cơ hội và công việc cần làm để phát triển văn hóa đọc do Hội Xuất bản Việt Nam - văn phòng phía Nam tổ chức sáng 6-10 thu hút rất đông đại diện nhà xuất bản, công ty sách tại TP.HCM đến chia sẻ.

Tiến cử sách cho học sinh để cải thiện thói quen đọc - Ảnh 1.

Đại diện Reading Việt Nam giới thiệu sách trong “Tiết đọc hạnh phúc” diễn ra tại Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Gò Vấp, TP.HCM) vào chiều 5-10 - Ảnh: A.B.

Buổi tọa đàm do ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trưởng văn phòng phụ trách phía Nam - chủ trì, như một tiếng kêu tiếp tục gióng lên trước thực trạng mức đọc sách của người dân chúng ta đang quá thấp so với khu vực.

Gióng tiếng kêu báo động

Trên cơ sở xem bạn đọc là người chi trả cho người làm xuất bản, cũng là người quyết định sự tăng trưởng của doanh nghiệp xuất bản, việc chỉ có một lượng ít người dân đọc sách là thực trạng đáng báo động.

Hiện tại, nếu không tính các sách giáo khoa và giáo trình, Việt Nam có 97 triệu dân với số bản sách 1 năm là 140 triệu (số liệu năm 2019), vị chi mỗi người dân 1 năm đọc chỉ 1,4 bản sách.

Những cản trở lớn nhất cho việc đọc ở Việt Nam đến từ ba hướng: thiếu tiết đọc trong nhà trường; các bậc cha mẹ thiếu quan tâm đến việc tạo thói quen đọc từ rất sớm cho trẻ; và các đơn vị làm sách cũng chưa quan tâm phát triển thị trường để thúc đẩy văn hóa đọc.

Trong khi nhiều đơn vị làm sách quan tâm đến doanh thu, ông Lê Hoàng khẳng định: Văn hóa đọc của người Việt Nam thấp kém thì chắc hẳn bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa gì.

Buổi tọa đàm lần này kêu gọi các đơn vị làm sách, các tổ chức khuyến đọc hướng đến các học sinh tiểu học bởi như kinh nghiệm của Richard Bamberger - chuyên gia về văn học trẻ, nhà văn người Áo - thì "có thể nói rằng nếu đến năm thứ năm ở trường tiểu học, đứa trẻ không phải là một người đọc nhiệt tình và không phát triển bất cứ sở thích đọc sách đặc biệt nào thì có rất ít hi vọng tình hình sẽ thay đổi sau đó".

Tiết đọc hạnh phúc: một hướng ra

Thông tin tích cực được mọi người chú ý là kế hoạch liên tịch giữa Hội Xuất bản với Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM với mục tiêu giới thiệu danh mục sách phù hợp dành cho học sinh. "Các thầy cô sẽ chung tay cùng chúng ta tiến cử sách cho học sinh" - ông Lê Hoàng ví von.

Và từ nay đến 15-11-2020, các đơn vị làm sách sẽ giới thiệu sách của mình vào danh mục đọc bổ trợ dành cho học sinh, Hội Xuất bản sẽ đọc sơ tuyển và chọn ra danh mục theo từng chủ đề, sau đó gửi đến các thầy cô theo từng cấp lớp, bộ môn nhờ thẩm định, chọn sách phù hợp đưa vào danh mục chung. 

Tiếp đó, Hội Xuất bản sẽ in và phát hành "Danh mục sách bổ trợ cho các môn học để phục vụ việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh trong nhà trường" đến các trường tại TP.HCM và cả nước.

Tuy nhiên, việc có danh mục đáng tin cậy chỉ mới là bước đầu, "những việc cần làm" theo nội dung của Hội Xuất bản trình bày còn bao gồm cả việc tổ chức hội sách mini tại các trường, thi đại sứ văn hóa đọc và tại buổi tọa đàm hôm nay, Anbooks và Reading Việt Nam giới thiệu mô hình "Tiết đọc hạnh phúc" (Happy Reading) sẽ mang đến trước hết là các trường tiểu học.

Theo đó, "Tiết đọc hạnh phúc" sẽ được thiết kế xoay quanh ba yếu tố chính: giới thiệu các sách thật hay; đưa học sinh vào trung tâm tiết đọc; và có đội ngũ chuyên gia, thầy cô giáo có khả năng tương tác, gợi cảm hứng, đặc biệt là có các nhân vật nổi tiếng (Kols) tháp tùng để cùng đọc sách cho các em. 

Đây cũng là hướng ra để chuyển tiết đọc sách thư viện vốn đang còn buồn tẻ trong các trường thành "tiết đọc hạnh phúc" nhằm cải thiện tình cảm đối với sách của các em học sinh.

Indonesia: học sinh đọc sách 15 phút trước giờ học mỗi ngày

Điều mấu chốt là ở Việt Nam đại đa số dân chúng chưa có thói quen đọc.

Ông Lê Hoàng đưa ra một cái nhìn so sánh giữa Việt Nam với ba nước Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, trong đó, Indonesia quy định học sinh đọc sách 15 phút mỗi ngày trước giờ học chính thức; Hàn Quốc thực hiện cha mẹ và con cùng đọc sách ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút và Thái Lan quy định chi tiết hơn: trẻ em dưới 6 tuổi đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người ở độ tuổi lao động đọc 61 phút/ngày, người già đọc 44 phút/ngày.

Đưa tiết đọc sách vào giờ học tạo thành thói quen Đưa tiết đọc sách vào giờ học tạo thành thói quen

TTO - Hội Xuất bản Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GD-ĐT góp ý Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với nội dung đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên