Dữ liệu từ Fiintrade - một công ty chuyên cung cấp dữ liệu, cho thấy tổng số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán giảm 9,9% so với cuối quý 1-2024, về 94.130 tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 6-2024.
Vì sao nhà đầu tư rút tiền khỏi chứng khoán?
Có thể thấy số dư tiền gửi của nhà đầu tư quý 2-2024 đã sụt giảm trở lại sau 4 quý tăng mạnh mẽ trước đó (từ quý 2-2023 đến quý 1-2024) bất chấp số lượng tài khoản mở mới duy trì tăng.
Xu hướng này đồng pha với diễn biến VN-Index cũng như thanh khoản thị trường trong quý 2 vừa qua. Nếu như 3 tháng đầu năm chỉ số đại diện chứng khoán Việt Nam tăng mạnh, thị trường giao dịch diễn ra sôi động với nhiều phiên đạt giá trị trên 1 tỉ USD thì thời gian sau đó diễn biến thay đổi.
Lãi suất huy động tăng trở lại ở quý 2 trước áp lực từ tỉ giá đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường. VN-Index chứng kiến những nhịp điều chỉnh mạnh, thanh khoản giao dịch ở mức thấp, nước ngoài liên tục bán ròng…
Ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nói với Tuổi Trẻ Online: hàng về là lỗ, nhiều nhà đầu tư chán nản.
"Họ tham gia thị trường để tìm kiếm lợi nhuận và khi điều này không đạt được, họ dè dặt hơn trong quyết định đầu tư", ông Phương nói.
Vị chuyên gia cho rằng thị trường đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn. Do đó, việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ. Nhà đầu tư cân nhắc giải ngân những cổ phiếu tốt trong các nhịp điều chỉnh với tâm thế "dài hơi".
Bà Nguyễn Thị Phương Lam - giám đốc phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cũng cho biết VN-Index biến động kể từ đầu tháng 5-2024 cùng với thanh khoản sụt giảm.
Áp lực tỉ giá mạnh hơn và là gánh nặng với tâm lý nhà đầu tư chứng khoán khiến đà tăng của thị trường bị xóa bỏ trong nửa cuối tháng 6, chuyên gia VDSC tổng kết.
Một chuyên gia khác bình luận, nếu lượng tiền "nằm chờ" tại các công ty chứng khoán tăng mạnh dù thanh khoản thấp, có thể hiểu số tiền "nằm chờ" đợi cơ hội thích hợp để vào thị trường.
Tuy nhiên, khi lượng tiền được rút ra kèm theo lượng thanh khoản thấp, có thể hiểu nhiều nhà đầu tư quyết định rút bớt hoặc rút hẳn khỏi thị trường. "Tất nhiên cũng có việc chuyển tiền từ công ty chứng khoán này sang bên khác", vị này nói.
Công ty chứng khoán nào bị rút nhiều nhất?
Thống kê từ báo cáo tài chính quý 2-2024, VPS vẫn là công ty có lượng tiền gửi của khách hàng nhiều nhất trên thị trường với 21.449 tỉ đồng tại thời điểm cuối quý 2-2024. Tuy nhiên, số dư này đã giảm 3.700 tỉ đồng, tương ứng sụt 15% sau 3 tháng.
Cũng trong quý 2 này, thị phần môi giới VPS trên sàn TP.HCM đã thu hẹp từ mức 20,29% về 18,16% - đánh dấu quý đầu tiên giảm sau 5 quý tăng trưởng liên tiếp. Tương tự trên sàn Hà Nội, thị phần VPS cũng giảm từ mức 24,71% về 24,2%.
Tuy nhiên không chỉ VPS, nhiều công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng rất lớn sụt giảm sau 3 tháng.
Chẳng hạn ở Chứng khoán Mirae Asset, số dư tiền gửi của khách hàng còn 4.070 tỉ đồng ở cuối quý 2 vừa qua, tức giảm khoảng 1.560 tỉ đồng.
Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chỉ còn giữ 4.492 tỉ đồng tiền gửi khách hàng, giảm hơn 1.000 tỉ đồng. Tại SSI, công ty này giữ hơn 7.048 tỉ đồng tiền gửi khách hàng, cũng giảm hơn 760 tỉ đồng so với quý 1...
Ngược lại, một số công ty chứng khoán ghi nhận thêm lượng tiền của nhà đầu tư gửi vào chờ giải ngân so với quý 1-2024.
Như tại Chứng khoán Techcombank (TCBS), tiền gửi khách hàng đã vượt 11.000 tỉ đồng, tăng hơn 2.000 tỉ đồng... VNDirect cũng có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Ngược lại với xu hướng rút ra của tiền gửi khách hàng, dư nợ cho vay margin thống kê từ báo cáo tài chính của 62 công ty chứng khoán - đại diện 99% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành lại đạt kỷ lục với gần 219.000 tỉ đồng (gần 8,6 tỉ USD) tại thời điểm cuối quý 2-2024.
Tỉ lệ đòn bẩy cao nhất lịch sử khi dư nợ margin trên tổng vốn hóa thị trường ở mức 9,4%. Mức đỉnh vừa thiết lập này vượt qua kỷ lục cũ (gần 185.000 tỉ đồng) thời điểm quý 1-2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận