23/07/2024 16:31 GMT+7

Chứng khoán lại rơi mạnh cuối phiên, mất gần 23 điểm trong ‘chán nản’

Thị trường chứng khoán phiên hôm nay có gần 570 mã giảm điểm cùng 38 cổ phiếu 'nằm sàn'. VN-Index mất thêm 23 điểm trong sự chán nản của nhiều nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán bao trùm trong sắc đỏ - Ảnh chụp màn hình

Thị trường chứng khoán bao trùm trong sắc đỏ - Ảnh chụp màn hình

Sau vài phiên "rơi tự do" gần đây, thị trường chứng khoán mở cửa giao dịch sáng nay (23-7) trong trạng thái dè dặt.

Hết phiên sáng, VN-Index giảm gần 1 điểm, dòng tiền yếu khi tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ hơn 5.000 tỉ đồng.

Sang phiên chiều, áp lực bán lớn trong khi lực cầu hấp thụ dần khó khăn hơn. VN-Index mất gần 23 điểm khi kết phiên, về vùng 1.231,81 điểm.

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 20.000 tỉ đồng, thể hiện sự thận trọng lẫn chán nản của nhiều nhà đầu tư khi cơ hội kiếm lợi ngày càng khó khăn.

Tổng kết lại, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tiêu cực khi có 555 mã giảm giá đối trọng với 200 mã tăng giá.

Trong top 10 cổ phiếu giảm giá kéo lùi điểm số chung thị trường xuất hiện nhiều cái tên ngân hàng như BID của BIDV (-3,56%), MBB của MBBank (-5,16%), CTG của Vietinbank (-3,17%), TCB của Techcombank (-2,54%), ACB của Á Châu (-3,03%), VPB của VPBank (-2,13%)…

Ngoài ra, các mã GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (-6,56%) hay QGC của Quốc Cường Gia Lai (-7%) đều diễn biến tiêu cực và "góp công" kéo điểm số chung đi xuống.

Về xu hướng dòng tiền, khối ngoại hôm nay quay lại bán ròng gần 300 tỉ đồng, sau khi mua ròng hơn 350 tỉ đồng phiên hôm qua.

Động thái rút ròng liên tiếp lên tới vài tỉ USD của khối ngoại là một trong những yếu tố góp phần vào bức tranh "buồn" của thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây.

Theo nhận định từ công ty chứng khoán, áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến chứng khoán trượt điểm mạnh và lực cầu chưa có sự tham gia cho thấy dòng tiền còn đang chủ động đứng ngoài theo dõi, trong bối cảnh chưa có tín hiệu ổn định trở lại.

Tiền "nằm chờ" giao dịch chứng khoán giảm dần

Một số thông tin hiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đó là tỉ lệ cho vay ký quỹ và tiền chờ của các nhà đầu tư chứng khoán.

Thống kê của Fiintrade cho thấy dư nợ cho vay margin thống kê, từ báo cáo tài chính của 62 công ty chứng khoán (đại diện 99% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành), thời điểm cuối quý 2 này có một số điểm đáng chú ý.

Cụ thể dư nợ margin tiếp tục tăng mạnh trong quý 2, đạt gần 218.900 tỉ đồng. Tỉ lệ đòn bẩy cao nhất lịch sử (9,4%).

Dư nợ cho vay margin tăng mạnh ở nhóm phục vụ khách hàng tổ chức, trong khi tăng thấp hay thậm chí giảm ở nhóm công ty chứng khoán có tệp khách hàng cá nhân lớn.

Tuy nhiên thanh khoản thị trường trong quý 2 gần như đi ngang so với quý 1, không đồng pha với diễn biến về dư nợ cho vay margin.

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm lần đầu tiên sau 4 quý tăng mạnh mẽ trước đó, dù số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới duy trì tăng, theo Fiintrade.

Chứng khoán tuần mới: Tìm lợi nhuận ngắn hạn không dễChứng khoán tuần mới: Tìm lợi nhuận ngắn hạn không dễ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng thị trường đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn. Do đó việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên